Từ lâu, những "nóc nhà" trên thế giới đã trở thành giấc mơ của người thích chinh phục, nhất là những người đam mê xê dịch. Dưới đây là những ngọn núi đã được kiểm chứng về độ "khó nhằn" nhưng kích thích những phượt thủ trên toàn thế giới.
Ảnh: @constant_lb
Everest, Nepal và Tây Tạng
Ảnh: @toomastartes
Đứng đầu danh sách "nóc nhà thế giới" với độ cao 8.848 m, Everest là một ngọn núi thuộc dãy Himalaya, nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng. Nhiệt độ trung bình trên núi là âm 19 độ C vào mùa hè và âm 36 độ C vào mùa đông. Dù thời tiết và điều kiện địa lý khắc nghiệt, ngọn núi cao nhất thế giới vẫn luôn hấp dẫn du khách khắp thế giới.
K2, giáp ranh biên giới Pakistan và Trung Quốc
Ảnh: Pakawat Thongcharoen
Xếp sau Everest là K2, một ngọn núi thuộc dãy Karakoram, giáp ranh biên giới giữa Pakistan và Trung Quốc với độ cao 8.611 m. K2 còn được mệnh danh là "ngọn núi hoang dã" bởi hành trình chinh phục đỉnh núi này rất khốc liệt với tỷ lệ tử vong cao, cứ 4 người lên đỉnh thành công thì có một người chết.
Denali, Alaska
Ảnh: Explore Fairbanks
Denali, tên cũ McKinley, là ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, nằm phía nam trung tâm tiểu bang Alaska, thuộc một phần dãy Alaska. Nửa trên ngọn núi cao 6.190 m hoàn toàn được bao phủ bởi tuyết và sông băng. Tại vùng lạnh nhất của ngọn núi, từ độ cao 5.700 m, băng tuyết có thể đạt âm 60 độ C. Nếu có gió lạnh, nhiệt độ không khí sẽ ở mức âm 83 độ C. Với nền nhiệt này, cơ thể con người có thể bị đóng băng ngay lập tức.
Elbrus, Nga
Ảnh: @danborn
Với độ cao 5.642 m, Elbrus được gọi là "nóc nhà châu Âu". Đỉnh núi này nằm ở miền tây dãy núi Kavkaz (Nga). Người dân Nga đã đặt nhiều tên gọi khác nhau cho Elbrus như "ngọn núi tuyết khổng lồ", "ngọn núi vĩnh cửu" hay "núi hạnh phúc"… Lúc trước, Elbrus là một núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động từ rất lâu và bị băng tuyết bao phủ. Ngày nay, nếu đặt chân lên dãy núi, du khách sẽ được chứng kiến những tảng băng trắng khổng lồ.
Kilimanjaro, Tanzania và Kenya
Ảnh: @tcleary12
Ngọn núi Kilimanjaro nằm ở vùng giáp ranh giữa Tanzania và Kenya, được mệnh danh là "nóc nhà châu Phi" với độ cao 5.895 m. Kilimanjaro được cấu thành từ ba ngọn núi lửa không hoạt động. Đây không chỉ là nơi trú ngụ lý tưởng của thiên nhiên hoang dã mà còn là biểu tượng cho nền độc lập châu Phi.
Matterhorn, Thuỵ Sĩ và Italy
Ảnh: @joshuaearle
Matterhorn là ngọn núi thuộc dãy Alps, nằm trên biên giới giữa Thụy Sĩ và Italy. Đỉnh núi này có độ cao 4.478 m so với mực nước biển và đại diện cho những đỉnh núi cao nhất dãy Alps.
Fitz Roy, Argentina và Chile
Ảnh: @whatyouhide
Fitz Roy (3.375 m) nằm ở vùng biên giới giữa Argentina và Chile, được xem là một trong những ngọn núi hùng vĩ và kỳ ảo nhất thế giới với địa hình hiểm trở và những vách đá cheo leo. Ngọn núi này còn được gọi là "ngọn núi hút thuốc" bởi sự xuất hiện thường xuyên của những đám mây trắng, đôi khi là màu đen xám xịt bao quanh đỉnh núi giống làn khói thuốc.
Fansipan, Việt Nam
Ảnh: @ling_gigi
Với độ cao 3.143 m, đỉnh Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, ngọn núi này nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng tây bắc Việt Nam. Dù đến đây vào mùa nào, du khách đều có thể chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo.
Nguồn: tổng hợp