Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Tháng 7 đi Hoàng Su Phì ngắm ruộng đổ nước

Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng của Hoàng Su Phì ánh lên một màu bạc lấp lánh, tựa như một tấm gương khổng lồ in bóng đất trời, núi rừng miền sơn cước.
Xem thêm: 15 đặc sản Hà Giang làm mê lòng dân phượt

Hoàng Su Phì là một huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang. Nhắc đến Hoàng Su Phì người ta nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang với màu vàng óng của lúa chín. Thậm chí ruộng bậc thang ở nơi đây còn được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 2012. Nếu lên Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, bạn sẽ thấy nơi đây như một tấm thảm trải dải với màu vàng óng hay xanh mướt của lúa mới. Còn vào khoảng tháng 5 đến tháng 7, Hoàng Su Phì lại tựa nhưng một tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Đông Bắc.

Hoàng Su Phì đẹp và bình yên giữa núi rừng Đông Bắc.

Đây là thời điểm lúa đã được gặt xong cũng là lúc những cơn mưa mùa hạ xuất hiện nhiều, bà con sẽ tranh thủ để đưa nước vào ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng như khoác lên mình một tấm áo mới, lấp lánh ánh bạc dưới nắng. Những thửa ruộng đều tăm tắp, uốn lượn bao quanh theo những triền đồi, lưng núi khiến những vị khách phương xa đến không khỏi ngỡ ngàng. Đến đây bạn mới thấy bàn tay con người kỳ diệu đến nhường nào. Để canh tác được trên những thửa ruộng bậc thang như này bà con nơi đây phải tốn không biết bao nhiêu công sức. Có lẽ cũng bởi thế mà sau mỗi vụ mùa họ lại làm lễ tạ ơn đất trời đã cho họ một vụ mùa no đủ, bội thu.

Đường lên Hoàng Su Phì giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều, cách Hà Nội khoảng 300 km và đường rất đẹp, những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt. Từ Hà Nội bạn theo QL2 đi qua Tuyên Quang là đến Hà Giang. Con đường từ ngã 3 Tân Quang lên Hoàng Su Phì được xem như “cửa ải” của cung đường này. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau vô cùng nguy hiểm nhưng cũng lại rất hùng vĩ và nên thơ. Bởi vậy mà nơi đây còn là điểm đến được những kẻ ưa xê dịch, ưa khám phá hẹn nhau mỗi khi vào mùa. 

Bà con tranh thủ dẫn nước vào các thửa ruộng. Ảnh: Thanh Hà

Hoàng Su Phì đẹp bởi sự yên bình giữa mênh mông đất trời và đẹp bởi sự thân thiện, dễ mến của những người dân lao động chân chất nơi đây. Thế mới nói đến đây bạn không chỉ được “mãn nhãn” bởi sự tạo hóa của thiên nhiên, bởi những thành quả lao động đáng ngưỡng mộ của con người mà đến đây bạn còn được tìm hiểu, trò chuyện với những bà con dân tộc về văn hóa, về cuộc sống giản dị nơi đây. Sự an yên, trong lành của Hoàng Su Phì chắc chắn sẽ giúp bạn xua tan đi những mệt mỏi, lo toan sau những chuỗi ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng nơi phố thị đầy bon chen, xô bồ.

Bạn có thể chạy xe máy hoặc ô.tô Nếu muốn bảo toàn sức khỏe và tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể đi xe khách từ Hà Nội lên Hà Giang. Từ Hà Giang bạn bắt tiếp một lượt xe nữa lên Hoàng Su Phì, hoặc thuê xe máy từ Hà Giang để khám phá trọn vẹn những cung đường nơi đây. 

Tìm hiểu về văn hóa, lối sống của bà con nới đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị. 
(Theo NgoiSao)

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Hành trình khám phá thế giới tuyệt đẹp trên xe mô-tô

George Guille rời căn nhà của mình ở Sark 9 năm trước và kể từ đó đến nay, anh đã đi hai miền Bắc, Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi và cả Châu Úc mà không hề sử dụng bất kỳ quyển sách hướng dẫn du lịch nào.
Xem thêm: Anh chàng vòng quanh thế giới bằng xe bán sandwich
George Guille, 33 tuổi, lần đầu tiên rời khỏi quê hươngg ở Sark, trên đảo Channel 9 năm về trước. Anh mua một mô-tô và từ đó đến nay, bánh xe mô-tô của anh đã lăn qua 176.000km ở khắp nơi trên thế giới.

George mua một chiếc mô-tô từ đất liền và “chạy trốn” khỏi hòn đảo quê hương, nơi chỉ có 500 dân cư và không có bất kỳ chiếc xe mô-tô nào. Hình ảnh này được chụp tại một chân đồi núi lửa ở Uganda.

Guille bỏ việc học và bắt đầu lên đường khám phá thế giới 9 năm về trước. Đây là hình ảnh anh đang đọc sách trên hồ muối Uyuni, Bolivia.

George Guille, người đã đi khắp thế giới trên chiếc xe máy của mình, với Veysel Bayam, một người châu Phi đi nhờ xe ở thung lũng Omo, Eithopia.

Trong vòng 9 năm, anh đi khắp nơi trên chiếc xe mô-tô để khám phá và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. George từ chối sử dụng sách hướng dẫn du lịch, lái xe theo những lời chỉ của người dân địa phương và tự mình tìm hiểu những nơi đến.

Cho đến nay, anh đã đi đến Bắc và Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi, Úc và chưa hề có ý định dừng lại. George cho biết “Đây là câu chuyện về một thanh niên trẻ đi ra ngoài khám phá thế giới, để làm đầy những kiến thức trống của mình về bản đồ thế giới, để tìm một ngôi nhà mới, một tình yêu mới, chứ không phải là sứ mệnh đi một vòng tròn quanh thế giới và quay trở lại nơi xuất phát”. Anh cũng cho biết rằng mình đã đi hơn 176.000km, nhìn thấy nhiều điều xảy ra và đây là một cuộc hành trình của kiến thức, từ đó anh có thể “vẽ thế giới trong tâm trí của mình”.


Cho đến nay Guille đã đi đến Bắc và Nam Mỹ, Châu Á, Châu Phi, Úc và không có ý định dừng lại. Trong hình là Ushuaia, Argentina.

Không dùng tới sách hướng dẫn, anh lái xe theo lời chỉ dẫn của dân địa phương và tự mình khám phá những địa danh trên đường đi. Hình ở Namibia vào năm 2007.

Ảnh chụp từ trên xe, gần ấp Pasu, Karakoran, biên giới Tây Bắc Pakistan tháng 10, 2009
Guille mua chiếc xe máy Yamaha 600cc năm 23 tuổi bằng số tiền tiết kiệm từ 4 năm học nghề của mình. Hình chụp lúc mặt trời mọc trên đỉnh núi lửa Sinabung, Indonesia.

Guille rời đảo Sark, nơi không hề có ô-tô và xe máy với số dân chỉ 500 người để bắt đầu cuộc hành trình của tuổi trẻ. Anh thích tìm hiểu về thế giới một mình mà không cần đến bất kì hướng dẫn nào từ sách hay internet. Một trong những chuyến đi tuyệt vời nhất của anh đó là tìm ra một số kim tự tháp ở Sudan dù chỉ nghe thấy người dân nói loáng thoáng về nó.

Cung đường chết nổi tiếng ở miền trung Bolivia, nguy hiểm trong điều kiện sương mù

Guille đã đi 176.000km, tương đương 4 lần chiều dài vòng quanh thế giới kể từ năm 2007. Trong hình là sa mạc Namibia, Namibia

Đảo Sark, quê hương của Guille. Nơi đây chỉ có 500 người dân và không hề có ô-tô, xe máy
Hình chụp trên đảo Flores, Indonesia. Người dân địa phương nói với Guille rằng anh là người da trắng đầu tiên đến đây trong 40 năm

Guille thay lốp xe sau khi lái 12000km qua sa mạc và bùn ở Ai Cập. Hình chụp ở Tanzania

Xe mô- tô được chuyển lên tàu đi đến đảo Sumatra, Indonesia. Điểm dừng tiếp theo của anh sau Malaysia

Anh đã đi từ châu Âu đến Cape Town, Nam Phi trong thời gian năm năm, trước khi quay về nhà học kiến trúc. Anh cũng làm thêm khi ở nhà để tiết kiệm tiền và bắt đầu cho chuyến di lịch sau đó xuyên châu Âu, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ và sau đó đến Indonesia. Với George, Indonesia là nơi anh thích nhất vì đường giao thông lớn, vắng vẻ, ít khách du lịch do đó anh có cơ hội được tiếp cân và nói chuyện nhiều hơn với người dân địa phương.

Một nhân viên an ninh Pakistan kiểm tra hộ chiếu của Guille khi anh băng qua biên giới nước này vào Ấn Độ.

Không chỉ yêu thích du lịch, Guille cũng là một nhiếp ảnh gia đầy say mê. Trong hình là Lago Colorado, Bolivia, tháng 10, 2015

Chuyến đi gần đây nhất của Guille là từ Valparaiso, Chile đến New York, Mỹ. Hiện anh đang làm việc ở New Zealand trong chín tháng trước khi lên đường một lần nữa để tiếp tục cuộc hành trình của mình đi qua Nhật Bản đến Nga. Ảnh chiếc xe Yamaha được sửa chữa tại Ai Cập

Guille tìm một nơi để hạ trại trong khi đi du lịch một mình qua Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 8 năm 2009

Guille nói rằng chuyến đi của ông là câu chuyện về một thanh niên trẻ đi ra ngoài khám phá thế giới, để làm đầy những kiến thức trống của mình về bản đồ thế giới, để tìm một ngôi nhà mới và một tình yêu mới. Ảnh: chiếc xe máy Yamaha và lều cắm trại Guille mang theo người ở Bolivia.

Guille đang ngắm nhìn Nanga Parbat tại Pakistan, tháng Mười, 2009. Anh mặc quần áo địa phương để tránh cặp mắt nghi ngờ của Taliban.

Guille nói rằng tất cả số tiền anh làm được đều được để dành để tiếp tục cho các cuộc hành trình mới của mình. Ảnh: Một chỗ cắm trại tại Carretera Austral, Chile.

(Theo DailyMail)

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Anh chàng vòng quanh thế giới bằng xe bán sandwich

Franco Paltrinieri bắt đầu hành trình từ Argentina đến Alaska, Mỹ từ năm 2012, chỉ với nguồn thu duy nhất là tiền bán sandwich thịt nướng trên chính chiếc xe van của mình.

Xem thêm: Cô gái “ăn cả thế giới” gây sốt trong cộng đồng du lịch


Vài năm trước Franco Paltrinieri bỏ công việc marketing rồi mua một chiếc xe van cũ. Khi đó anh đặt mục tiêu cho năm 24 tuổi là thực hiện hành trình từ quê nhà Argentina tới Alaska, Mỹ. Từ năm 2012 đến nay anh đã đi qua 8 quốc gia khác nhau.


Franco biến chiếc xe van thành nhà ở, kiêm quán bán sandwich di động. Số tiền bán sandwich là nguồn thu chính để anh trang trải cho các chi phí đi đường.


Chiếc xe van cũ được Franco gọi là Clarita theo tên của em gái mình. Sau khi chính thức chuyển qua bán sandwich, anh đã đặt lại là Rusta Saluajes (nghĩa là Những con đường hoang vu).

 

Để thực hiện ước mơ chu du của mình, anh nhận làm rất nhiều công việc khác nhau từ bồi bàn nhà hàng, thợ sửa ôtô cho tới bán sandwich bên bờ biển Rio de Janeiro (Brazil) trong suốt mùa World Cup.


Dù không được học làm đầu bếp, Franco vẫn tự học nấu ăn và tập làm 'lomitos' (sandwich của Argentina được nấu với rượu những vùng mà anh từng đi qua). Mỗi chiếc sandwich anh bán với giá 3 USD, ngoài ra Franco còn bán thêm áo phông in logo và câu khẩu hiệu du lịch của anh.


Đến nay, việc bán sandwich đã đưa Franco đi được chặng đường hơn 24.000 km, qua hết quê hương Argentina và 7 quốc gia khác. Đó là Chile, Brazil, Paraguay, Bolivia, Peru, Ecuador và Colombia.

Trên hành trình dài Franco cũng gặp nhiều tình huống nguy hiểm như hỏng xe giữa con đường hiểm ở Bolivia. Anh chia sẻ: "Tôi đang băng qua Bolivia thì cửa sau của xe tự bật mở rồi mọi đồ đạc rơi hết xuống đường. Ở Paraguay tôi được tặng quà là một cô gái vì viếng thăm một cộng đồng dân cư (chắc chắn là tôi không nhận). Tôi từng chạm trán với những con cá sấu và cá piranha khi đang đi từ Paraguay sang Bolivia. Mỗi ngày đều là một câu chuyện mới".


Franco vẫn chưa hề bỏ cuộc trước ước mơ đặt chân tới Alaska của mình. Anh cho biết kế hoạch ban đầu từ Argentina tới Alaska chỉ mất 2 năm nhưng hiện tại chuyến đi vừa qua đã mất đã tốn 3,5 năm.


Franco chia sẻ rằng anh bắt đầu sống trong chiếc xe van của mình từ khi mua nó về để chu du thế giới. Khi đi anh có thể tắm nhờ ở nhà một số người quen trên đường, hoặc trao đổi phòng trọ với các quảng cáo trên trang cá nhân của mình.


Franco tâm sự: "Rất nhiều du khách nói họ có thể sống như họ muốn nhưng điều đó không hẳn đúng, đặc biệt khi bạn có một chiếc xe van. Tôi không có các nguồn thu khác ngoài việc đang làm và đó là lý do mà hành trình của tôi lâu hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể giải quyết vấn đề tài chính khi di chuyển. Tất cả là do thời gian và đam mê của bạn".


Khi bán sandwich, Franco thường đỗ xe ở các quảng trường thành phố, thậm chí dừng một chỗ cả tháng lễ hội để có tiền đi qua Panama.


Thời gian ở Ibague, Colombia, Franco tự tổ chức một lễ hội xe van nhỏ cùng các du khách khác để kiếm thêm tiền trang trải chuyến đi.


Điều thú vị nhất trong hành trình của Franco chính là những người anh gặp gỡ trên đường. "Tự do đôi khi khiến bạn thấy lo sợ nhưng cảm giác luôn tuyệt. Đôi lúc bạn tới một nơi đẹp như thiên đường mà lại không vui vì bị mất hộ chiếu hay tiền bạc. Ngược lại, khi đặt chân tới nơi không đáng chú lắm thì bạn lại gặp được những người có thể cho bạn nhiều trải nghiệm đáng giá trong đời", Franco chia sẻ. 

(Theo VnExpress)

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

2 chàng trai Thụy Sĩ phượt xuyên Việt bằng xe máy suốt 4 tuần

Emanuel và Fabian bị ấn tượng bởi con người Việt Nam cùng những hình ảnh bình dị mà họ thấy trong hành trình chạy xe máy từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Xem thêm: Chiếc áo thần kỳ giúp phượt thủ du lịch không cần biết tiếng

Emanuel Hansenberger (24 tuổi) và Fabian Seiler (25 tuổi) đã có một chuyến du lịch đáng nhớ tại Việt Nam từ ngày 23/3 tới 25/4 vừa qua. Để hiểu thêm về đất nước cũng như khám phá những địa điểm mà ít du khách ngoại quốc biết ở dải đất hình chữ S, hai chàng trai đến từ Fribourg (Thụy Sĩ) quyết định thực hiện chuyến phượt bằng xe máy.

Bức ảnh này được chụp trên đường từ Hà Nội đến Ninh Bình. Emanuel (bên phải) và Fabian muốn có một tấm hình của hai người để ghi dấu mốc khởi đầu chuyến đi, nhưng xung quanh không có ai để giúp họ bấm máy, bởi vậy họ đã lần lượt chụp cho nhau và ghép lại bằng Photoshop.

Emanuel là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim, đồng thời đảm nhận vai trò tổng biên tập tạp chí Spectrum của Đại học Fribourg, còn Fabian là sinh viên ngành truyền thông. Hai người trở thành bạn sau khi Emanuel thuê Fabian làm người dàn trang cho tờ tạp chí.

Lần đầu tiên du lịch châu Á, Emanuel chọn Việt Nam làm điểm đến bởi nhiều lý do. Anh chia sẻ vớiNgoisao.net: "Tôi đặc biệt mê chạy xe máy, và nghe nói rằng Việt Nam là nơi rất tuyệt vời để đi du lịch bằng phương tiện này. Tôi cũng thích tìm hiểu về văn hóa các nước châu Á, trong khi bản thân không biết nhiều về Việt Nam, do vậy đây là cơ hội tốt để tôi khám phá. Ngoài ra, tôi còn được truyền cảm hứng bởi video về hành trình 45 ngày trải nghiệm Việt Nam của hai bạn trẻ người Nga mà tôi tình cờ xem được trên Youtube".

Đặt chân đến Hà Nội hôm 23/3, Emanuel và Fabian dành vài ngày vui chơi tại đây, đồng thời mua hai chiếc xe Honda Win để làm "chiến mã" cho chuyến phượt thú vị. Ban đầu, họ dự định lên đường khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc trước khi di chuyển vào miền Nam. Tuy nhiên, sau 3 ngày mưa tầm tã mà không có dấu hiệu dừng lại, hai chàng trai quyết định khởi hành từ Hà Nội thẳng về phía Nam với tâm trạng đầy tiếc nuối.

Emanuel và Fabian không lên lịch trình cụ thể những điểm sẽ đi qua. Họ dừng lại thăm thú bất cứ nơi đâu mình muốn, miễn là đến được Sài Gòn trong vòng 4 tuần và hạn chế ghé các địa điểm quá đông du khách. Danh sách những nơi ghi dấu chân của họ gồm có Hà Nội, Ninh Bình, Vinh (Nghệ An), Phong Nha (Quảng Bình), Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phú Yên, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều chỗ khác mà đôi bạn không nhớ tên. Trong đó, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, đặc biệt là thác Pongour (cách Đà Lạt 50 km về phía nam) khiến họ thích thú hơn cả.

Tuy nhiên, điều mà Emanuel ấn tượng nhất về dải đất hình chữ S lại là con người. "Thật khó để giải thích, nhưng tâm tính của đa số người Việt đều rất tuyệt vời. Chúng tôi đã gặp nhiều người đồng trang lứa, thực sự dễ để xây dựng tình bạn một cách nhanh chóng. Chắc chắn khi trở lại Việt Nam, tôi sẽ ghé thăm vài người bạn trong số đó", tổng biên tập trẻ tuổi bộc bạch.

Trong chuyến đi, hai phượt thủ Tây Âu cũng gặp không ít khó khăn. Đa số đồ ăn đều hợp khẩu vị của họ nhưng Fabian vẫn có chút vấn đề về tiêu hóa trong vài ngày đầu. Bên cạnh đó, hai chiếc xe thường xuyên phát sinh trục trặc nhỏ - điều dễ thấy với dòng Honda Win. Emanuel và Fabian đã phải vài lần tìm gặp thợ sửa xe, tranh thủ học hỏi từ họ nhằm tự xử lý cho những lần hỏng xe tiếp theo. Còn về vấn đề ngôn ngữ, khi không thể dùng tiếng Anh hay tiếng Pháp, hai anh chàng 9X nhờ cậy ứng dụng dịch tự động hoặc vẽ hình để thể hiện điều muốn nói.

Fabian từng hào hứng chia sẻ trên trang cá nhân: "Visa: 80 USD. Honda Win: 250 USD. Chuyến phượt xe máy xuyên Việt: vô giá".

Cánh đồng lúa xanh mướt tại Ninh Bình thu hút sự chú ý của Emanuel và Fabian.

Tại Vinh (Nghệ An), hai chàng trai dùng mạng xã hội CouchSurfing để liên hệ với người bản xứ. Gia đình cô bé này đã cho họ ở nhờ, bởi vậy họ chụp ảnh cho cô bé như một cách cảm ơn.

Cũng ở thành phố Vinh, Emanuel và Fabian thăm một ngôi trường có lớp dạy karate. "Thật thú vị khi nhìn những đứa trẻ tập môn võ này".



"Khi tới Phong Nha, tất nhiên chúng tôi có ghé thăm những hang động kỳ vĩ, nhưng cảnh sắc xung quanh mới là điều thôi thúc chúng tôi chụp ảnh nhiều hơn", Emanuel tâm sự.


Những con trâu hay bò gặp trên đường đi đều lạ lẫm đối với hai phượt thủ Thụy Sĩ.

Ở khoảng giữa Đà Nẵng và Hội An, đôi bạn một lần nữa được người bản xứ cho ở nhờ. Căn phòng nhỏ này là nơi họ đã ngủ một đêm, ăn uống, để xe và cả tổ chức vài tiết học tiếng Anh cho trẻ em lân cận.

Chiếc quạt treo tường phủ bụi và mạng nhện trong căn phòng cũng đem lại cảm hứng để Emanuel bấm máy.


"Cũng như ở Phong Nha, Hội An có rất nhiều du khách. Đó là lý do chúng tôi vẫn ra phố vào đêm muộn, nhờ vậy đã được chứng kiến những điều ít thấy: người dân 'hồi sức' sau ngày dài lao động, một vài tài xế taxi có thời gian để nghỉ ngơi...", Emanuel cho biết.

Một bức ảnh độc đáo chụp Fabian với hình phản chiếu của những chiếc đèn lồng Hội An trên cửa kính.




Cảm thấy thực sự nóng nực khi tới Phú Yên, hai anh chàng 9X giải khát bằng dừa tươi rồi thoải mái vẫy vùng trong làn nước biển xanh ngắt.



Dừng chân gần Nha Trang vào xế chiều, tuy rất nóng nhưng do đang có tâm trạng vui vẻ nên đôi bạn quyết định chụp ảnh cho nhau. Sau hơn ba tuần "hành xác" trên đường, Emanuel xuống sắc thấy rõ.


Fabian khoe nét lãng tử, phong trần trước ống kính của người bạn đồng hành thân thiết.

Cụ ông này trông xe giúp hai phượt thủ Tây Âu trong lúc họ đi thăm thác Pongour gần Đà Lạt. "Trở lại lấy xe, chúng tôi nhận ra rằng khuôn mặt ông ấy còn thú vị hơn cả thác nước", Emanuel dí dỏm chia sẻ.

Emanuel và Fabian chụp hai chiếc xe máy thật chỉn chu nhằm quảng cáo hiệu quả hơn khi bán lại chúng trong Sài Gòn. Cuối cùng, họ đã nhượng hai "chiến mã" cho các du khách ngoại quốc khác vào 23/4.


Chặng dừng cuối cùng trước khi tới Sài Gòn là một ngôi làng nhỏ - nơi hai chàng trai tìm một người thợ để kiểm tra xe trước khi bán. Ở đây, tình cờ họ gặp một gia đình sở hữu nhà máy xoài và được những người tốt bụng này cho ở nhờ miễn phí vì quá trình sửa xe diễn ra lâu hơn dự tính.

"Không gì có thể ngăn cản chúng tôi lúc này - thẳng tiến đến Sài Gòn trong buổi chiều đầy khói bụi. Thực ra hai đứa tôi vào nội thành đúng giờ cao điểm, nhưng sau 4 tuần lăn lộn trên đường, chúng tôi chẳng sợ gì nữa", Emanuel hào hứng.

Chàng tổng biên tập trẻ tuổi khẳng định, dù 2 năm hay 10 năm sau - còn phụ thuộc vào cuộc sống phía trước, nhưng chắc chắn anh sẽ trở lại Việt Nam để khám phá thêm những vùng đất chưa có cơ hội đặt chân tới, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc với khung cảnh thơ mộng mà không kém phần hùng vĩ.

(Theo NgoiSao)