Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Chàng trai Việt kể về hành trình 8 lần chinh phục Himalaya

Băng qua những dòng sông băng, những đỉnh núi mây mờ, Hoàng Lê Giang vừa trở về sau hành trình 8 lần chinh phục Himalaya, nơi được mệnh danh là nóc nhà của thế giới.


Sau 7 lần đi Himalaya và nhìn lại hành trình đã qua của mình trong hơn 5 năm qua, tôi quyết định quay lại dãy núi cao nhất thế giới. Những ký ức của tôi về nơi này vẫn vẹn nguyên như lần đầu, một vùng đất hiểm trở có phần kì bí. 


Lý do quyết định đi lại Himalaya cũng vì nhiều nhân duyên. Mỗi lần đi tôi lại chọn một cung đường mới để khám phá và tích luỹ kinh nghiệm, đây cũng là cách để tôi tập luyện cho những đỉnh núi cao hơn. 



Một trong những ấn tượng của tôi là lần đi cung Annapurna gặp động đất lớn ở Nepal. Ở giữa ranh giới sự sống và cái chết, khi thấy rõ cuộc sống là vô thường, giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình và nghiệm ra được những gì quan trọng với cuộc sống của bản thân.


Lần này cung đường đi Manaslu khá hoang sơ và địa hình thay đổi nhiều từ rừng cận nhiệt đới ở độ cao 300 m lên đến điểm cao nhất hành trình là gần 5.200 m. 


Để đi vào điểm tập kết chúng tôi phải mất một ngày đi xe trên đường off road lầy lội. Ngày trekking đầu tiên, tôi bất ngờ bị đau cổ chân khá nặng và dùng gậy suốt hành trình còn lại. Bản thân đã trải qua nhiều chuyến đi nên khi sự cố xảy ra tôi cũng khá bình thản và quyết định đi tiếp để xem mình sẽ vượt qua thế nào. 


Có những ngày chúng tôi phải đi 6-7 tiếng, vượt qua các sông suối, thung lũng, có ngày lại đi trong mưa và sương mù. Những khó khăn và cố gắng trong chuyến đi chính là món quà chứ không phải đích đến và một lần nữa tôi may mắn dẫn cả đoàn vượt qua hành trình an toàn.


Mỗi lần như thế lại có nhiều bạn muốn tham gia chung hành trình với tôi và đa số đều là những người lần đầu đi đến Himalaya, bản thân họ cũng đã phá bỏ những giới hạn, rào cản tâm lý của bản thân để đặt chân đến vùng đất huyền thoại. 


Những người đi chung đã phải tập luyện, dành thời gian và tài chính cho chuyến đi để rồi sau lần gặp gỡ Himalaya tư tưởng và cuộc sống ít nhiều cũng thay đổi. 


Điều vui nhất là trong mỗi chuyến đi không cjir là tạo thêm thu nhập cho người bản địa, hình ảnh ghi lại trên đường được chia sẻ, bạn còn khơi gợi cảm hứng trekking cho những người xung quanh.



"Và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn", trích Đường mây qua xứ tuyết của Govinda.

Theo Hoàng Lê Giang

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Gái phượt -Tự sự của một cô gái say đường

"Tôi chỉ kể câu chuyện của cá nhân tôi và chia sẻ rằng, phụ nữ có thể lựa chọn nhiều cách sống, miễn là họ mạnh mẽ, tự lập và hạnh phúc với điều mình chọn lựa"... - Yếm Đào Lẳng Lơ.


Bắt đầu hành trình ở tuổi 28, câu chuyện của Gái phượt khắc họa rõ nét cái tôi của một cô gái đi phượt. Những cô gái mang niềm tin về một thế giới tốt đẹp, cởi mở hơn khi mạnh dạn làm những điều bản thân mong muốn, dám dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc để thỏa mãn cá nhân.

"Cuốn sách không phải, hoặc không hẳn là một cuốn du ký, mà nó như một nhật ký hành trình về cuộc đời Yếm, kể từ khi bắt đầu đi làm cho đến khi trở thành một người mẹ. Phần đầu tiên, “Gái phượt - Vì sao”, lý giải vì sao một cô gái trẻ, xuất thân từ một gia đình bình dị, được bao bọc, có công việc ổn định, mọi thứ đã được sắp đặt sẵn để có một tương lai như bao người con gái khác, lại lựa chọn những cung đường làm cuộc sống. Bởi vì cô gái ấy muốn tự do sống cuộc sống của mình, muốn hạnh phúc theo cách của mình chứ không phải theo cách của người khác." - TS. Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội đã chia sẻ cảm xúc khi đọc Gái phượt.

"Gái phượt say" - mơ mộng, khắc khoải, yêu đương, hạnh phúc, đổ vỡ… tất cả đều ở trên những cung đường, ấy là khi bạn đã "say" thực sự. 



Đường có gì mà sao ta lại “say”? Tôi luôn hỏi mình câu hỏi đó khi thấy nhớ đường, khát núi, thèm mây. Tháng Giêng, tháng Hai săn hoa đào hoa mận, Tây Bắc thẳng tiến. Tháng Ba hoa ban kìa Điện Biên. Tháng Tư, tháng Năm mùa nước đổ, cứ Mù Cang Chải mà lao tới. Tháng cần săn mây thì Y Tý, Tà Xùa, Phìn Hồ tới nơi. Tháng Sáu, tháng Bảy mận chín đỏ trên cành, ghé Bắc Hà hay Sapa, Mộc Châu. Ba tháng hè biển xanh vẫy gọi, cứ tìm về cực Đông để dọc cung đường có thể lao tùm xuống vùng xanh thăm thẳm mát rượi. Tháng Chín, tháng Mười đứa leo Fansipan, đứa Hà Giang mùa hoa tam giác mạch, đứa Mù Cang Chải mùa lúa chín, đứa Cực Tây Apachai, đứa miền Tây mùa nước nổi. Tháng 11 khắp nơi dã quỳ, đến ngay Mộc Châu, Đà Lạt. Tháng 12 lạnh lẽo đông sang, vẫn có chỗ để tìm đến. 12 tháng 12 niềm nhung nhớ, thuộc lòng, năm nào cũng nhớ đến cồn cào.

Khi làm mẹ, "Gái phượt" là người mẹ tự tin một mình đưa con nhỏ lên đường, coi con là bạn đồng hành, để con có thể học từ thiên nhiên, học từ cuộc sống… Lựa chọn cho con hành trình cùng mẹ khám phá cuộc sống trên những cung đường, những chuyến đi bởi nó mang đến một không gian khác, cho bé những kiến thức hay, những trải nghiệm thú vị và bồi đắp thêm những kỉ niệm.

Những trang tự truyện sôi nổi, bụi bặm, hài hước nhưng cũng đầy thổn thức của một gái phượt sẽ nói với bạn rằng, bạn không nhất thiết phải trở thành một gái phượt, nhưng hãy sống cuộc sống của chính mình, và hạnh phúc theo cách của riêng mình...

"Điều mong ước lớn nhất của tôi khi viết cuốn sách này là thỏa mãn phóng bút. Tôi trút moi thứ xuống nó, cả niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, những cơn điên, phẫn nộ, nỗi cô đơn, sự mệt mỏi chán chường. Cuốn sách giống như một cuộc đời thu hẹp lại. 10 năm ko phải là nhiều, nhưng cũng đã là một phần cuộc đời. Ít ra tôi cũng đã dám viết để nhìn lại mình một lần xem sao." - Thu Thảo chia sẻ.


Theo Timeoutvietnam

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Những cung đường ven biển cho chuyến đi phượt dịp Tết

Hãy một lần thử cho mình trải nghiệm thú vị dịp năm mới bằng cách rong ruổi trên cung đường biển tuyệt đẹp của những vùng đất dọc miền Tổ quốc.

Đường bao biển Hạ Long (Quảng Ninh) kéo dài từ khu vực cung văn hóa Việt - Nhật đến cột 8. Theo cung đường này, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ hay thuyền bè qua lại trên vịnh, mà còn có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của những người dân làm nghề chài lưới ở khu vực chợ cá. 

Cung đường từ bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) qua đèo Hải Vân cũng là một trong những nơi khiến những kẻ ham xê dịch đứng ngồi không yên. Vinh Lăng Cô tựa như một bức tranh với bãi cát trắng mịn chạy dài dưới chân núi. Còn từ Hải Vân Quan trên đỉnh đèo, du khách lại có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng đoạn đường ngoằn ngoèo, gấp khúc đầy ngoạn mục.



Đoạn đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) quanh co, uốn lượn với một bên là núi, một bên là biển sẽ khiến bạn thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, thanh thản, quên đi âu lo, vướng bận ngày thường. Theo con đường này, du khách có thể đến vãn cảnh chùa Linh Ứng và chinh phục đỉnh Bàn Cờ.


Eo Gió (Quy Nhơn) không chỉ đẹp bởi sự kì vĩ của tạo hóa, với những rặng núi cao vươn ra biển có hình thù lạ mắt, hay những rặng san hô đầy sắc màu ẩn hiện dưới làn nước trong veo, mà còn cuốn hút du khách bởi chính con đường dẫn đến đây. Cung đường đến với Eo Gió uốn lượn ngút tầm mắt với những cồn cát trắng xóa và hàng phi lao xanh rì vô cùng nên thơ. 


Đường ven biển Vĩnh Hy - Cam Ranh sẽ đưa bạn đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Con đường sẽ đi qua cả biển, núi lẫn cánh đồng, hoang mạc. Chắc chắn du khách sẽ không khỏi trầm trồ khi đi du lịch qua những cánh đồng trồng nho xanh mướt. Những cánh đồng muối trắng xóa như đang lấp lánh dưới ánh mặt trời cũng khiến bạn tò mò dừng lại ngắm nhìn. 


Đường ven biển Cà Ná (Phan Rang) chạy dọc theo triền núi khá rộng và ít xe lớn qua lại sẽ giúp bạn có thể thong dong tận hưởng cảnh non xanh, nước biếc đầy nên thơ. Có đoạn, con đường còn nằm trọn trong lòng núi sẽ khiến bạn đầy bất ngờ.



Đường ven biển từ Phan Thiết dẫn đến Mũi Né dài khoảng 10 km là cung đường mà bất cứ phượt thủ nào cũng mong đặt chân đến ít nhất một lần trong đời. Một bên là biển với tiếng sóng vỗ bờ, một bên là dải đất badan với màu vàng cam ám màu thời gian đã là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhiếp ảnh gia.

Nguồn Zing

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Những gương mặt truyền cảm hứng cho cộng đồng du lịch Việt Nam

Chưa khi nào, trào lưu xê dịch lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Travel blogger không còn là một danh xưng mà trở thành một nghề để nhiều bạn trẻ có thể nuôi dưỡng ước mơ khám phá những chân trời mới.



Cộng đồng du lịch Việt Nam 2017 không dừng lại ở những chuyến đi mang dấu ấn cá nhân. Hình ảnh Trần Đặng Đăng Khoa với chiếc xe máy đi vòng quanh thế giới hay Hoàng Lê Giang tung bay lá cờ tổ quốc trên đỉnh núi Elbrus, nơi được mệnh danh là “nóc nhà châu Âu" còn góp phần không nhỏ đưa hình ảnh Việt Nam đến với gần hơn với cộng đồng du lịch  quốc tế.

Để khép lại một năm với nhiều dấu ấn đáng tự hào, Zing.vn xin giới thiệu 8 nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng du lịch Việt Nam trong năm 2017.

*Danh sách được sắp xếp ngẫu nhiên và không mang tính thứ hạng.

Trần Đặng Đăng Khoa


Ngày 1/6/2017 Trần Đặng Đăng Khoa lên đường bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới  trên chiếc xe máy biển số 63.

Hành trình của Khoa luôn được hàng triệu bạn trẻ dõi theo và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người đam mê xê dịch.

Ngày 28/10/2017, Trần Đặng Đăng Khoa đặt chân đến Paris, kết thúc đoạn đường đầu tiên dài 20.000 km trong vòng 150 ngày, qua 23 quốc gia. 

Hành trình của Khoa vẫn chưa dừng lại. Hình ảnh chàng trai Tiền Giang trên chiếc xe máy cũ đang rong ruổi khắp thế giới là khắc họa sống động nhất cho thế hệ trẻ bản lĩnh, dám bước ra khỏi vùng an toàn để sống trọn với đam mê của mình. 

Mai Hương


Không cá tính như những gì người ta thường hình dung về một Travel Blogger, Mai Hương là cô gái vô cùng nữ tính với những bộ ảnh đầy màu sắc.

Album “Bộ lạc Tsaatan - Người tuần lộc” đã đưa Mai Hương đến gần hơn với những người yêu du lịch, thích khám phá những chân trời mới.

Cô thường tìm đến những vùng đất hoang sơ, những con người với lối sống “cổ đại” và những nền văn hoá có nguy cơ sắp biến mất.

Trong năm 2017, Mai Hương đã có dịp trải nghiệm cuộc sống của bộ lạc Tsaatan ở biên giới Nga - Mông Cổ, bộ lạc Chin ở Mindat, biên giới Myanmar - Ấn Độ và bộ lạc Apatani, Ziro ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Hoàng Lê Giang


Hoàng Lê Giang là chàng trai bản lĩnh, thích du lịch bụi theo kiểu vác ba lô lên và đi. Ở tuổi 29, anh đã từng đặt chân đến 36 quốc gia, leo 8 ngọn núi trong dãy Himalaya và khám phá các nước Tây Âu và Đông Nam Á.

Gần đây nhất, Giang đã trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc hành trình chinh phục Bắc Cực sau khi chiến thắng và dành được hơn 113.000 lượt bầu chọn từ khắp nơi trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, vào đúng ngày 2/9, Hoàng Lê Giang đã dương cao lá cờ Tổ Quốc trên đỉnh núi Elbrus, nơi được mệnh danh là “nóc nhà Châu Âu”. Đây được xem là một trong những hình ảnh biểu tượng của cộng đồng du lịch Việt trong năm 2017.

Nhị Đặng


Tốt nghiệp Đại học Kinh tế ngành Marketing, từng có công việc ổn định ở một công ty truyền thông nhưng Nhị Đặng quyết định bỏ lại tất cả để theo đuổi ước mơ trở thành một Video Travel Blogger.

Từng thước phim của Nhị đều mang đậm hơi thở, nhịp sống của những vùng đất mà cô đặt chân qua.

Sau khi nổi tiếng từ những thước phim về Myanmar, Indoneisa, dấu ấn của Nhị Đặng trong năm 2017 có lẽ là The Old Ways - Tây Bắc: Best of the month on Vimeo Staff. Đây là một trong những video ấn tượng nhất về du lịch Việt Nam trong năm qua. 

Tâm Bùi


Tâm Bùi là cái tên không hề xa lạ trong cộng đồng yêu nhiếp ảnh. Những bộ ảnh như Gà Trống, Gà Mái hay Daydreamers của anh đều có cái nhìn rất khác về cuộc sống.

2017 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Tâm Bùi. Sau hành trình rong ruổi qua 4 nước: Ai Cập, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, anh đã ra mắt cuốn sách du ký đầu tay mang tên Bụi đường tuổi trẻ.

Những chia sẻ của Tâm Bùi về nghề travel blogger hay những câu hỏi xoay quanh việc có nên bỏ việc để đi du lịch, có quá muộn để theo đuổi đam mê cũng khơi gợi cho nhiều bạn trẻ suy nghĩ mới mẻ về đam mê, hoài bão của mình. 

Rosie Nguyễn


Rosie Nguyễn là nữ tác giả nổi tiếng của 2 cuốn sách: Ta balo trên đất Á và Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?.

2017 cũng đánh dấu thành công nhất định trong mảng viết lách của Rosie với tác phẩm Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? luôn nằm trong top những tác phẩm bán chạy của nhiều nhà sách trên toàn quốc.

Roise Nguyễn luôn có những góc nhìn hết sức nhân văn và ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Mỗi câu chuyện của cô đều truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng du lịch trẻ Việt Nam. 

Nguyễn Hoàng Bảo


Trở về sau hai tháng rong ruổi từ Đông sang Tây, Nguyễn Hoàng Bảo đã xuất bản cuốn sách mang tên Độc hành với những chia sẻ hết sức thú vị về dấu chân người Việt trên “Con đường tơ lụa".

Những câu chuyện dọc đường của Nguyễn Hoàng Bảo qua các thành phố cổ của Trung Đông hay những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan luôn là chủ đề hấp dẫn với những người đam mê du lịch, thích khám phá những vùng đất mới.

Theo news.zing.vn

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Cô gái Malaysia đạp xe đi khắp thế gian

Lên đường từ năm 2014, đến nay cô gái người Malaysia Phoebe Tan đi qua Đức, CH Séc, Áo, Ý, Croatia, Montenegro, Albania, Hy Lạp, Macedonia, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...


Theo tờ The Star (Malaysia) ngày 23-3, trước khi bắt đầu hành trình du ngoạn thế giới, Phoebe Tan làm kiểm định chất lượng cho một công ty có trụ sở ở Anh. Năm 2014, nghe theo tiếng gọi của thiên nhiên, cô quyết định nghỉ việc để lên đường.

Điều trớ trêu là cho đến thời điểm đó, cô chưa từng yêu thích đi xe đạp, và chiếc xe có biệt danh Thorn cũng không phải là "chiến xa" lý tưởng khi nó là món quà anh cô tặng cô từ năm... 2006 và chủ yếu bị cất trong kho.

Ban đầu, cô đi cùng một người bạn. Họ khởi hành từ Phần Lan đến Na Uy. Do không có kinh nghiệm và cũng chưa từng tham gia khóa tập huấn nào, cô cứ cắm đầu chạy theo bạn.

Trong 3 ngày đầu, cô đạp 140km/ngày, hậu quả là khi đến nơi, cô quăng xe bên vệ đường và nằm dài dưới đất. "Tôi bị đau cơ dữ dội do đi không đúng cách", cô kể.

Người bạn sau đó trở về, còn cô tiếp tục đạp xe đi Đan Mạch. Sau đó cô đạp xe đi tiếp các quốc gia Đức, Cộng hòa Séc, Áo, Ý, Croatia, Montenegro, Albania, Hy Lạp, Macedonia, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Armenia, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Quốc gia mà tôi đi lâu nhất là Trung Quốc, tôi đã ở đó 4 tháng, sau đó là Hàn Quốc 2 tháng", cô nói.



"Nước tôi thích nhất là Tajikistan ở Trung Á. Tôi rất nhớ nơi đó với thiên nhiên đẹp hoang sơ, con người hiếu khách, những đứa trẻ tò mò, những lần đạp xe qua những con đường gồ ghề cứ như đua xe địa hình, những hôm ngủ và và thức dậy với chiếc lều và xe đạp đầy tuyết trắng...", cô tâm sự.

Cô cho biết mình không có tài trợ, toàn bộ chi phí chuyến đi là tiền cô dành dụm nhiều năm qua. Cô cũng chia sẻ một số kinh nghiệm để ít tốn kém. Đầu tiên là hạn chế thuê khách sạn hay nhà nghỉ - vừa tốn tiền vừa không thú vị.

Thay vào đó cô ở nhà dân - hoặc là nhà bạn, hoặc nhà người quen của bạn, vừa ấm cúng vừa giúp cô có được hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người dân địa phương.

Đôi khi cô căng lều ngủ để tận hưởng thiên nhiên. Chỉ khi nào cần nghỉ ngơi giữ sức hoặc thời tiết xấu hoặc phải viết blog cô mới thuê nhà nghỉ.

Để liên lạc, cô chỉ mua thẻ sim nếu định ở lại quốc gia đó hơn 1 tháng, còn lại cô dùng wifi miễn phí ở các khu nhà tập thể.


Nếu không biết tiếng địa phương? Theo cô đó không phải là vấn đề lớn. "Bạn chỉ cần học một số từ cơ bản và có ích, biết tên địa phương của nơi bạn muốn đến để dễ hỏi đường. Bạn cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể và bản đồ", cô "mách nước".

Cô cho biết mình không thường xuyên liên lạc với những người đi xe đạp từ các nước khác thông qua các nhóm trên mạng. Thường trước chuyến đi, cô chỉ đọc vài blog và tham gia một vài nhóm khi đang đi, sau đó ngưng theo dõi nhóm vì cô không có thời gian và vì cô muốn được cảm nhận thực tế nhiều hơn.

Vậy làm sao để giữ an toàn khi đi du lịch một mình? "Hãy tin vào bản năng của bạn. Nếu bạn cảm thấy có gì đó không ổn, hãy tránh xa ngay. Hãy cứng rắn và không hành xử như một nạn nhân dễ dàng buông xuôi. Đừng mang theo nhiều tiền, chỉ cần đủ sống, cũng không cất tiền ở cùng một chỗ mà để nhiều nơi khác nhau. Cũng không để lộ ra đồ đạc có giá trị ở nơi công cộng", cô khuyên.

Nếu như xe bị hư giữa đường thì sao? Cần trang bị một số kỹ năng cơ bản để có thể sửa xe - cơ bản thôi chứ không cần chuyên nghiệp như thợ sửa xe. Trường hợp không thể sửa xe, hoặc xe bị thủng lốp, hãy dẫn bộ tìm người giúp.

"Chỉ cần bạn luôn cười. Nụ cười là ngôn ngữ chung mà mọi người đều biết, và nó luôn luôn hiệu quả", cô nói.



Với những cô gái muốn một mình đạp xe đi du lịch, cô khuyên họ cứ mạnh dạn lên đường vì những lo sợ hay nguy hiểm mà mọi người thường nghĩ đến có thể không xảy ra.

Quan trọng là phải biết linh hoạt, không giới hạn mình vì kế hoạch có thể thay đổi.

"Chỉ có một quy tắc, đó là vui vẻ!", cô nói.

Theo Tuoitre