Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

10 trải nghiệm dành cho dân du lịch bụi ở Hà Giang

Độc hành luôn là một trải nghiệm mạo hiểm, điều đó không ngoại lệ khi chinh phục các con đường ở Hà Giang.


Nhưng điều đó vẫn rất thú vị và cho bạn nhiều cảm xúc, khiến bạn luôn chủ động trong mọi tình huống, có thể tự quyết định mà không bị ràng buộc và phụ thuộc vào người khác. Độc hành cũng mang đến cho bạn nhiều khoảng thời gian tự do và lặng lẽ để cảm nhận vẻ đẹp cao nguyên đá. Đó sẽ là một hành trình đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và sự tỉnh táo, linh hoạt. Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng nếu quyết định độc hành.


Cắm trại ngủ đêm ngoài trời


Cảm giác tỉnh dậy giữa nơi hoàn toàn xa lạ rất thú vị. Bạn có thể đón ánh bình minh đầu tiên trên đỉnh đèo cao lộng gió, thơm thơm mùi cỏ, nhìn xa thấy những con đèo cong cong đang ôm ấp lấy dáng núi.
Bạn có thể tìm những địa điểm cắm trại có tầm nhìn đẹp để đón bình minh như đỉnh Mã Pì Lèng, đỉnh Đồn Cao… Nhấm nháp ly cà phê sớm, ngồi cùng người bạn đường và hít trọn bầu không khí trong lành của ngày mới trên cao nguyên đá.

Vượt sông Nho Quế bằng bè


Một số người sau khi băng đường ngược dốc lên vùng biên Sơn Vĩ đã chọn giải pháp vượt bè để về Mèo Vạc. Cách này giúp rút ngắn thời gian đáng kể, khi tuyến đường độc đạo qua Xín Cái rất dài.
Bè tre được gắn vào một hệ thống ròng rọc dây thép rất đơn sơ và chỉ hoạt động đến khoảng 17h. Đó sẽ là một hành trình chinh phục dòng sông Nho Quế đầy thách thức cho những người ưa mạo hiểm.

Ngủ lại một bản làng xa xôi


Dịch vụ ngủ lưu trú (homestay) đã phổ biến tại thị trấn Đồng Văn, tuy nhiên cảm giác ngủ tại một bản làng xa xôi luôn thú vị. Ngủ tại Lũng Cú, Khâu Vai, Du Già, Lũng Hồ… sẽ khiến bạn trải nghiệm thật nhất cuộc sống của người dân tộc nơi đây. Đi ít người và thể hiện mình là người thân thiện, lịch sự thì chắc chắn bạn sẽ không bị từ chối, tuy nhiên đừng lạm dụng việc xin ngủ nhờ quá nhiều.

Trekking trên đèo Mã Pí Lèng


Nếu bạn là một người yêu thể thao, có nhiều thời gian và muốn kết hợp du lịch với chạy bộ, bạn có thể sử dụng chính đôi chân của mình để chinh phục những con đèo đẹp nhất miền cao nguyên đá này. Vượt qua những đoạn đường dốc, trải qua cái nắng hanh và hơi nóng của đá khi mặt trời hắt vào, bạn đã đến được đích. Hành trình vừa là khám phá miền đá mới lạ, vừa khám phá khả năng của chính bạn.

Khám phá những hang động hoang sơ


Hà Giang có rất nhiều hang động, một số được tìm thấy và đưa vào khai thác du lịch. Nhưng nơi này vẫn còn không ít hang động bí ẩn, nhất là ở khu vực Ngăm La và Lũng Hồ. Khám phá các hang động là một trải nghiệm mạo hiểm, không kém phần bất ngờ. Bạn nên chuẩn bị kỹ những thiết bị chuyên dụng và cần xin giấy phép của cơ quan chính quyền trước khi lên đường.

Chạm tay vào những cột mốc vùng biên xa nhất


Đến được điểm cực và vùng biên của Tổ quốc luôn đem lại cảm giác tự hào. Hiếm thông tin và với địa hình phức tạp càng làm tăng thêm sức hấp dẫn với những người ưa khám phá. Trước khi đi, bạn cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân đầy đủ cũng như xin phép và trình diện các đồn biên phòng gần nhất.

Chiêm ngưỡng những mùa hoa, mùa lúa


Thong dong trên những nương ruộng bậc thang mùa lúa, hoa tam giác mạch, thảm hoa dại, qua những lối mòn nhỏ hẹp, xuyên cao nguyên đá và những bản làng bình yên sẽ mang lại cảm giác khoan khoái, không thể nào quên. Ngoài chạy bộ, trekking, bạn cũng có thể đạp xe.

Chinh phục những cung đường offroad


Đây luôn là một thú gây nghiện với những tay xế cự phách. Đôi khi những con đường đá hộc lổn nhổn hay đất bùn nhão nhoét cùng độ dốc cao khiến việc đi xe còn khó hơn leo bộ lại là một trải nghiệm đầy kích thích.

Tham gia các lễ hội độc đáo


Cao nguyên đá là một vùng đất đa dạng văn hóa cùng nhiều dân tộc bản địa. Rất nhiều lễ hội thú vị như lễ Tết, chợ tình Khâu Vai, lễ Gầu Tào… để bạn tham gia và có những kỷ niệm khó quên. Lễ hội, những trải nghiệm thú vị nhất về bản sắc dân tộc chỉ diễn ra vào một số ngày cố định trong năm hoặc thay đổi theo phiên định kỳ nên bạn cần tìm hiểu để lên lịch đi đúng thời điểm.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Bảo Lộc - miền đất hứa cho dân du lịch bụi

Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khác với những cung đường đèo, cổng trời, thác Đambri hùng vĩ, đồi chè xanh mênh mông...

Chùa Linh Quy Pháp Ấn: 

Đây là một trong những điểm đến đẹp để săn mây khi đến Lâm Đồng mùa thu. Chốn bồng lai này cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 22 km về phía nam, nằm trên ngọn đồi cao. Ngoài cảnh chùa thanh tịnh, du khách còn được hòa mình vào không gian bao la với cây xanh và gió mát.


Chùa có cổng Thần Đạo uy nghiêm, được ví như “Cổng trời”.


Đến với ngôi chùa vào những ngày thu, buổi sáng tinh mơ, du khách có cơ hội ngắm nhìn màn sương mờ ảo giăng phủ khắp đồi núi. Cảnh sắc yên bình, trầm mặc cùng tiếng chuông vang lên khiến bạn quên đi cái xô bồ, ồn ào của cuộc sống. 


Thác Dambri

Cách thành phố Bảo Lộc 18 km, nằm trong khuôn viên quần thể khu du lịch, Drambi là một thác nước đẹp, cao nhất vùng Lâm Đồng.


Nhìn từ trên cao xuống, dòng thác nước đổ ào ạt xuống mạnh, tung bọt trắng xóa hoang sơ và hùng vĩ. 


Hồ Ngọc nằm trong quần thể khu Du lịch Drambi. Nước hồ xanh màu ngọc bích, khung cảnh đẹp và yên bình. 


Đèo Bảo Lộc: 

Nằm dọc theo quốc lộ 20 hướng từ TP.HCM đến thành phố Đà Lạt, đèo Bảo Lộc có địa hình hiểm trở, với màu xanh hùng vĩ của núi rừng. Phía dưới là vực thẳm sâu hàng trăm mét. Đây là địa điểm du lịch thú vị của nhiều bạn thích trải nghiệm và khám phá.


Đi qua đèo Bảo Lộc vào buổi sáng sớm, dừng chân bên đường bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn cảm giác thành phố mù sương. 

Đồi chè Bảo Lộc: 

Được mệnh danh là thành phố chè, Bảo Lộc có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi những màu xanh của đồi chè mênh mông, bát ngát, và hương thơm của lá chè.



Đến thăm ngôi nhà nào của Bảo Lộc, bạn sẽ đươc gia chủ tiếp đón bằng những bát chè xanh chát thanh mát, thơm nồng.

Cà phê: 


Thành phố Bảo Lộc nổi tiếng với đặc sản chè và cà phê. Khi những bước chân đã mỏi, bạn hãy phủi bụi đường, ghé thăm bất kỳ quán cà phê nào của thành phố, nhấm nháp ly cà phê thơm ngon đậm chất đất đỏ xứ bazan.


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Đến Bình Liêu để chạm tay vào 'cột mốc thiên đường'

Hãy tạm xa phố thị ồn ào, tạm xa những lo toan bộn bề của cuộc đời, giày dưới chân và balo trên vai, hãy đi để trải nghiệm trên từng cây số. Đến hẹn lại lên, dịp cuối thu đầu đông, những cung đường thử lửa miền Tây Bắc lại là điểm đến quen thuộc của các phượt thủ.


Tuy nhiên, hãy thử một lần đổi cung ngược về miền Đông Bắc, đổ đèo trên cung đường mệnh danh là “sống lưng khủng long”, check-in những “Cột mốc thiên đường”, đón cơn gió căng tràn hào sảng của biên ải giữa cánh rừng đại ngàn hoang thẳm, phóng tầm mắt về những xóm làng bình yên trong thung lũng... Bạn sẽ được trải nghiệm những cảm giác mới mẻ và tận hưởng sự phóng khoáng của non nước chốn biên thùy.


Bình Liêu - thị trấn miền biên viễn cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) 120km về phía đông, nơi có sông Phố Cũ “nhập tịch” vào nước ta qua cửa khẩu Hoành Mô và đổ ra biển ở cảng Mũi Chùa.
Thử thách đầu tiên cho các xế khi đặt chân đến nơi này một bên là vách núi cheo leo bên kia là vực thẳm sâu ngút ngàn, đổ đèo và leo dốc hàng chục km. Vững tay ôm trọn vòng cua những vách núi đá vôi chót vót, đứng trên đỉnh đèo hít cơn gió trong lành phóng khoáng miền rẻo cao, thu vào tầm mắt mênh mông trùng dương... Chắc chắn bạn sẽ thấy phấn khích và “phát cuồng” với nơi này.

Xem thêm: Phượt trên cung đường biên giới Bình Liêu mùa hè


Bình Liêu như bức tranh họa đồ đẹp đến nao lòng hiện ra với đủ các sắc màu. Mùa xuân sắc đào phai miền biên viễn bừng sáng trên triền đồi, điểm xuyết sắc trắng tinh khôi của hoa sở, hoa mận, hoa mơ, hoa trẩu nở giữa rừng.


Hạ về những thửa ruộng xếp tầng tầng lớp lớp bắc thang lên cổng trời phủ một màu vàng óng ả hứa hẹn vụ mùa ấm no cho bản làng.
Mùa thu sang và đông tới những cánh đồng ngủ yên trong thung lũng phủ một màu xanh mướt của lúa trái vụ lên đòng, khắp mọi nẻo đường phảng phất mùi thơm của những cánh hoa hồi và những thảm quế-một nét rất riêng và đặc trưng của nơi này.


Đặt chân đến cung đường tuần tra biên giới nối 2 cửa khẩu Bắc Phong Sinh với Hoành Mô, đi trên “sống lưng khủng long” giữa núi non hùng vĩ, chạm tay vào những cột mốc “thiên đường”, ngắm nhìn những mái ngói âm dương xếp tầng thâm nâu âm trầm dưới làn khói lam chiều bảng lảng, chênh vênh bên sườn đòi... Cảm nhận xứ sở mình tươi đẹp, đất nước quá rộng dài.
Sẽ là chưa đủ nếu bạn không đặt chân đến đỉnh Cao Ba Lanh lộng gió cao gần 1500m so với mực nước biển, đến thác 3 tầng Khe Vằn trong vắt như dải lụa mềm mại thả từ đỉnh núi.


Hay ghé thăm đình Lục Nà thờ vị tướng anh hùng áo vải Hoàng Cần gắn liền với sự tích cây tre mọc ngược, cùng hòa mình vào những lễ hội của đồng bào vùng cao.
Ẩm thực mang đậm hơi thở của phố núi, với xôi bảy màu trong phiên chợ vùng cao, với bánh cooc mò từ gạo nếp nương dẻo quánh thơm nồng, với chén rượu thảo dược ba kích, tài lệch từ rừng già nhâm nhi với cá suối nướng, với măng rừng muối ớt...

Xem thêm: Chinh phục Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ vùng Tây Bắc


Vừa thưởng thức vừa gật gù, xuýt xoa la đà trong men say của đất và người nơi đây. Tất cả đều mang đến những trải nghiệm khó quên trong đời cho viễn khách.


Theo Vietnamnet

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Phượt Hà Giang mùa tam giác mạch trong 3 ngày

Những cánh đồng hoa tam giác mạch vùng cao nguyên đá đang ngỏ lời mời, chắc chắn nhiều người sẽ sốt sắng lên kế hoạch để làm một chuyến đi Hà Giang.


Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích cũng như lịch trình chi tiết cho chuyến du lịch Hà Giang.

Thời gian

Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Bạn chỉ cần dành ra ba ngày là vừa đủ để đi hết những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Giang.

Phương tiện

Bạn có thể chọn ô tô khách hoặc xe máy là phương tiện di chuyển tới Hà Giang. Tuy nhiên, tiện lợi và tối ưu nhất vẫn là xe máy. Bởi nếu đi ô tô bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được hết cảnh đẹp ở cao nguyên đá, và có những địa điểm di chuyển ô tô rất khó khăn. Nếu gặp khó khăn về sức khỏe, bạn có thể đi xe khách tới thành phố Hà Giang rồi thuê xe máy để đi tiếp các địa điểm du lịch.


Xem thêm: Cao nguyên mùa hoa tam giác mạch

Cung đường

Có hai con đường chính để đi Hà Giang nếu bắt đầu từ Hà Nội.

Cung 1: Khởi hành từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).

Cung 2: Khởi hành từ Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).

Lịch trình đi và tham quan

Ngày 1:

Khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng. Tới Hà Giang vào lúc chiều tối. Bạn có thể nghỉ buổi tối ngay tại thành phố, hoặc lựa chọn đi tiếp tới Quản Bạ (cách thành phố hơn 40 km) hoặc Yên Minh để nghỉ tối. Tuy nhiên, nghỉ tại Hà Giang hợp lý nhất để đảm bảo sức khỏe, sau quãng đường 300 km cơ thể cần được nghỉ ngơi. Buổi tối bạn có thời gian đi một vòng thành phố và ăn, nghỉ giữ sức cho ngày mai tiếp tục hành trình.


Ngày 2:

Ăn sáng. Rời Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh và tới cao nguyên đá Đồng Văn (có thể dừng ăn trưa tại Yên Minh hoặc Quản Bạ). Trên đường đi Đồng Văn bạn rẽ vào Phó Bảng (5 km) để thăm thị trấn ngủ quên. Nơi đây có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Trên đường vào Phó Bảng bạn còn có cơ hội đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ở ven đường (cách thị trấn khoảng 500 m).

Rời Phó Bảng, địa điểm tiếp theo ngay dưới chân dốc là thung lũng Sủng Là. Nơi có thôn Lũng Cẩm nổi tiếng với ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” và những thửa ruộng tam giác mạch trắng đẹp mê hồn. Ở Lũng Cẩm rất yên bình, bạn sẽ được tham quan những ngôi nhà người H’Mông lâu đời, con đường với hàng lê san sát và những cây thông ôn đới đẹp tuyệt vời.


Rời Lũng Cẩm, địa điểm tiếp theo là Sà Phìn. Trên đường đi bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng.

Đến Sà Phìn, bạn ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (hay còn họi là nhà vua Mèo). Đây là một trong những dinh thự cổ còn xót lại của những gia đình giàu có nhờ buôn thuốc phiện ở Hà Giang.

Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi cột cờ Lũng Cú. Qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú bạn sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Hành trình tiếp tục đến cột cờ Lũng Cú.


Sau cột cờ Lũng Cú, bạn có thể lựa chọn quay check cột mốc 428 và sau đó đi Đồng Văn hoặc về thẳng phố cổ Đồng Văn. (chú ý vấn đề thời gian vì đi tới mốc 428 hoàn toàn là đi bộ mất tới gần 3 giờ). Ăn tối và nghỉ lại tại Đồng Văn, kết thúc ngày thứ 2.

Ngày 3:

Ăn sáng tại Đồng Văn và lên đường chinh phục Mã Pì Lèng, đi Mèo Vạc, Bắc Mê rồi về lại Hà Giang ăn trưa. Về Hà Nội lúc tối muộn. Đoạn đường này dài hơn 400 km nên bạn cần chuẩn bị sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo cho một chặng hành trình khỏe mạnh và an toàn.


Với lịch trình này bạn đã ghé qua những địa điểm hấp dẫn và những cánh đồng tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang rồi. Tuy nhiên, vì thời gian ngắn nên bạn sẽ không có nhiều cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cùng với người dân bản địa.

Xem thêm: Khám phá những vùng hoa tam giác mạch đẹp nhất Việt Nam

Ăn, nghỉ tại Hà Giang

Nghỉ ngơi: Ở Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh và Đồng Văn có rất nhiều nhà nghỉ bình dân. Nếu muốn tiết kiệm chi phí hơn nữa bạn có thể tìm thông tin các gia đình làm dịch vụ homestay, giá chỉ 50.000 – 70.000 đồng mỗi người.


Ăn uống: Hà Giang có nhiều món ăn rất hấp dẫn như cháo ấu tẩu, bánh cuốn trứng, xôi ngũ sắc, thắng cố, thịt bò – trâu gác bếp, rượu ngô… Trời se lạnh, ăn một bát cháo ấu tẩu hay thắng cố nóng hổi, uống chén rượu ngô thơm nồng thì còn gì tuyệt vời bằng.

Một số lưu ý khi đi Hà Giang

Nên tìm thông tin và đặt thuê phòng nghỉ trước nếu đi đoàn đông, tránh tình trạng hết phòng hoặc bị chặt chém. Giá dịch vụ ở Hà Giang cao hơn so với các địa điểm du lịch miền Bắc khác, nên bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý và nhớ hỏi giá trước. Nếu đi xa bằng xe máy bạn nên mang theo dụng cụ vá và săm dự phòng, tránh trường hợp đi trên đèo dốc không có quán sửa xe. Không nên đi đoàn quá đông để đảm bảo an toàn trên đường.


Ngoài ra cần chú ý hạn chế uống nhiều rượu, bia vào buổi tối khiến cơ thể mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe cho chặng hành trình. Không nên cho tiền người dân và trẻ em trên đường tạo thành thói quen xấu. Và quan trọng nhất, khi đi tới các thửa ruộng, cánh đồng tam giác mạch chụp ảnh bạn cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của người nông dân. Luôn nhớ câu nói “Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân” bạn nhé.

Theo Vnexpress

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Nhớ bí kíp du lịch này, bạn chẳng khác nào dân phượt chuyên nghiệp

Ghi nhớ những Bí kíp Du lịch dưới đây, bạn sẽ biến chuyến đi của mình trở thành một trải nghiệm giá trị và đáng nhớ.

Trò chuyện với người bản xứ

Không có cách nào tốt hơn cách hỏi người bản địa để khám phá một vùng đất. Bạn có thể nói chuyện với người lái xe taxi, lễ tân, nhân viên, kể cả người đi đường.

Bạn có thể hỏi họ về nơi họ thích, những điểm đẹp nhất ở quê hương của họ, nơi nào có cà phê ngon nhất, đồ ăn địa phương hấp dẫn nhất. Hầu hết mọi người không chỉ trả lời, mà còn rất vui khi được hỏi.

Đừng sợ rào cản ngôn ngữ. Bạn luôn có thể giơ một tấm bản đồ, tỏ mặt nhăn nhó vì đói và chỉ tay vào bụng, mọi người sẽ hiểu rằng bạn cần tìm một chỗ ăn.

Ra khỏi trung tâm

Mọi người thường có xu hướng ở nơi trung tâm khi đến một thành phố. Đây là nơi tập trung những điểm du lịch, nhưng nếu bạn muốn khám phá hơn nữa, bạn nên đi các vùng lân cận.

Bạn có thể bắt gặp những điều vô cùng thú vị, như một quán rượu kiểu cổ, một nhà thờ trang trí tuyệt đẹp, hay một con phố nhỏ xinh với những ngôi nhà dễ thương và những khu vườn xinh xắn.

Hãy ngắm những ngôi nhà người dân ở, ghé cửa hàng nơi họ thường đến mua, đến những công viên họ tụ tập mỗi buổi chiều… Đó chính là cách để tìm hiểu cuộc sống thường ngày của họ.

Nhâm nhi cà phê khi ngắm nhìn xung quanh


Nhâm nhi một cốc cà phê, nói chuyện với người bản xứ là một trong những cách tốt nhất để giao lưu, tìm hiểu văn hóa.

Đây luôn là một ý tưởng hay vì nhiều lẽ. Thứ nhất, cà phê rất ngon. Thứ hai, cà phê lý tưởng khi ngắm nhìn mọi người.

Hãy đến những nơi người bản xứ tụ tập buổi sáng để đọc báo, hỏi họ vài câu, hoặc đơn giản là để họ tự tiếp cận mình.

Nếu không thích cà phê, bạn có thể mang theo một tách trà và ngồi nhâm nhi tại ghế đá trong công viên. Quan sát mọi người sẽ giúp bạn hiểu nhiều điều về văn hóa, cách sống và cảm xúc của họ.

Tham gia hoạt động cộng đồng

Nếu bạn ở một nơi trong 1-2tuần hoặc hơn, bạn có thể dành thời gian tham gia vào các hoạt động ở địa phương như đăng ký vài lớp học tiếng, học nhảy, tham gia một khóa học thủ công, nấu ăn, hoặc một câu lạc bộ sách.

Thay vì chỉ tham gia các lễ hội, bạn có thể liên hệ với nhà tổ chức từ sớm và đăng ký làm tình nguyện viên. Bạn sẽ gặp nhiều người, học được nhiều điều mới mẻ, đồng thời có thể dự các buổi hòa nhạc miễn phí.

Đây là cách để bạn tìm hiểu về người bản xứ và vùng đất của họ, đồng thời có thể phát triển một số kỹ năng hay sở thích của bản thân.

Đi chợ trời


Những khu chợ đường phố luôn đầy hấp dẫn với du khách. 

Các khu chợ đường phố thường rất hấp dẫn, huyên náo và đầy màu sắc. Đây là nơi bạn có thể mua các sản phẩm địa phương chính hiệu, và nhìn mọi người trong hoạt động thường nhật.

Bạn sẽ được thấy cảnh các gia đình đi mua sắm, những bà lão đi mua nguyên liệu để nấu bữa tối, người bán hàng quảng cáo cho mặt hàng của mình… Bạn cũng có thể mua nhiều món ăn ngon hoặc các món quà lưu niệm độc đáo.Lạc đường

Đừng nhìn chằm chằm vào bản đồ. Hãy để mình bị lạc đường, bạn sẽ thấy rất thú vị. Đi lang thang qua mê cung của một thành phố, rẽ vào các con phố nhỏ xinh xắn, lên xe buýt, và dừng lại một nơi bất kỳ nếu bạn bắt gặp điều gì đó thú vị bên ngoài cửa sổ.

Không phải chỗ nào đẹp cũng có tên trên bản đồ. Bạn có thể khám phá ra nhiều điều lý thú của người bản địa.

Giảm tốc

Di chuyển quá nhanh là một trong những lý do chính khiến nhiều du khách tốn thời gian vô ích khi đi du lịch. Họ đơn giản là không có thời gian thăm thú, và chỉ gói gọn chuyến đi trong những danh thắng được quảng cáo.

Bạn hãy lên kế hoạch cẩn thận, và không quá tham lam đi nhiều nơi. Sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn ghé một bảo tàng, xem từng hiện vật cẩn thận hơn là chạy qua nhiều nơi mà không tập trung vào cái gì.

Nếu chậm lại, bạn sẽ làm được mọi thứ đã liệt kê bên trên, như nói chuyện với người bản xứ, đi dạo, thăm thú những nơi không hề nổi tiếng… Chuyến đi của bạn sẽ thư giãn và thú vị hơn nhiều.

Quan sát


Dành thời gian quan sát, chiêm nghiệm, bạn sẽ "ngấm" được nhiều điều trên chuyến đi. 

Không phải mọi nơi nổi tiếng đều là nơi cưỡi ngựa xem hoa. Rất nhiều nơi nổi tiếng do có giá trị lịch sử, nghệ thuật, hoặc xã hội. Hãy đến những nơi được nhiều người biết đến, nhưng đừng chỉ ngó qua rồi chụp đại một tấm ảnh.

Hãy lắng nghe hướng dẫn viên, quan sát cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết. Kể cả khi bạn phải chờ trong một hàng dài du khách đông đúc, đó vẫn là một trải nghiệm giá trị.

Theo Zing

Chinh phục Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ vùng Tây Bắc

Ngũ Chỉ Sơn được mệnh danh là dãy núi đẹp nhất miền Tây Bắc, thuộc xã Tả Giàng Phình, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, và là ranh giới của tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Với độ cao khoảng 2.800m, 5 ngọn núi như 5 ngón tay hướng lên bầu trời, Ngũ Chỉ Sơn là thách thức không chỉ với những người yêu thích leo núi, mà cả những người dân tộc thiểu số ở nơi đây. 


Chúng tôi bắt đầu di chuyển từ bản Chu Va (Tam Đường, Lai Châu) để chinh phục dãy núi này, sau khi vượt qua cung đường ngoằn nghèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc.

Chúng tôi đi dọc con suối gồm những tảng đá to dưới cái nắng gay gắt đầy khó chịu. Độ cao lúc này khoảng 1.300 m.


Mọi người giúp nhau vượt qua những con suối chảy xiết, nước trong vắt và mát lạnh. Trong môn leo núi hay trekking này, tinh thần đồng đội là điều rất quan trọng.

Con thác hùng vĩ đổ từ vách đá cao khoảng 150m, tung nước trắng xoá.

Xem thêm: Cung phượt đẹp mê hồn với Tây Bắc mùa lúa chín


Đường đi xuyên qua những cánh đồng thảo quả, một loại gia vị quý. Đây cũng là con đường của người dân tộc H'Mông thu hoạch thảo.

Vượt qua những mép núi hiểm trở, một bên là núi, một bên là vực, và những đoạn không có đường để đi.


Vượt qua những con dốc dài. Đây là hậu quả của một cơn sạt lở do lũ quét và mùa tuyết rơi đầu năm.


Đỉnh núi hiện phía xa.

Xem thêm: Cung đường Phượt Tây Bắc Bộ


Đây là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến, dù không phải là đỉnh cao nhất của Ngũ Chỉ Sơn. Đoạn đường cuối cùng, vách núi trơn nhẵn và dốc đứng. Chúng tôi còn cách đỉnh khoảng một tiếng đồng hồ. Tay chân bám chặt vào những bụi trúc, tuyệt đối không được có bất kỳ sai sót nào.


11h48 ngày 24/9, sau hơn ngày ngày leo núi, đoàn chúng tôi đã thành công chinh phục đỉnh cao thứ 2 của dãy Ngũ Chỉ Sơn, cao khoảng 2.751 m.


Sau khi chinh phục được mục tiêu của chuyến đi, chúng tôi tranh thủ xuống núi trước khi trời tối. Từ đây, để về xã Tả Giảng Phìn, Bát Xát, Lào Cai, chúng tôi sẽ mất khoảng hơn 6 tiếng đi bộ.

Xem thêm: 5 sai lầm thường mắc khi phượt Đông - Tây Bắc lần đầu










Theo Zing

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Kinh nghiệm phượt Côn Đảo

Côn Đảo là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam được nhiều du khách yêu thích. Sau bao năm làm du lịch thì nơi đây vẫn là một trong những nơi rất hiếm hoi giữ được sự yên bình, tĩnh lặng,  một vẻ đẹp mộc mạc nhưng đầy quyến rũ, say đắm những lữ khách phương xa.


Để ra Côn Đảo, có thể đi bằng tàu biển (xuất phát từ cảng Cát Lở ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian đi khoảng 14 tiếng nếu thời tiết đẹp và khoảng 20 tiếng nếu biển động). Đây là phương án không nên lựa chọn nếu xét theo tiêu chí thời gian, tài chính và sức khỏe. Vì có thể giá tàu rẻ hơn giá máy bay, nhưng chi phí di chuyển từ Sài Gòn xuống cảng và thời gian trên tàu cộng với ăn uống ngủ nghỉ trên tàu không thật sự thoải mái sẽ làm các bạn rất mệt khi đến cảng Bến Đầm ở Côn Đảo. Và lựa chọn còn lại để ra Côn Đảo là đi bằng đường hàng không (có thể bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, và Cần Thơ).


Có 1 lựa chọn tiết kiệm là từ sân bay Cần Thơ bay ra Côn Đảo, giá thường xuyên có khuyến mãi, dễ mua và rẻ hơn, đôi khi chỉ còn một nửa so với bay từ SGN (qui ra khoảng 1 triệu), lại sẵn dịp thăm thú Cần Thơ, bay vào các ngày thứ 2 - 4 - 6 - CN.

Ăn ở

Ngoài những resort như Six Senses, Con Dao, Sea Travel, Sai Gon – Con Dao… thì ở Côn Đảo có khá nhiều nhà nghỉ, khách sạn bình dân quanh thị trấn. Trên đường Trần Hưng Đạo sát bãi biển thì có nhà nghỉ Phi Yến giá tốt, sạch sẽ, nhìn ra biển rất đẹp (giá từ 550k – 650k). Bên hông của nhà nghỉ cách vài căn có quán ăn Nhỏ Ơi (ăn sáng, trưa, chiều, tối ở đây rất ngon, bán đủ món).


Dọc theo đường Tôn Đức Thắng đi 1 đoạn thì có quán cafe Côn Sơn, quanh đó cũng có nhiều chỗ ăn uống, nên đây là một nơi tốt về nhiều tiêu chí để chọn ở, nghỉ ngơi. Thuê xe máy chạy quanh đảo thì giá 100 – 120k/ngày, hiện tại Côn Đảo đã có thêm một cây xăng của Mipec (toàn đảo có 3 cây xăng, 1 cây ở cảng bến Đầm và 2 cây ở thị trấn).

Xem thêm : Kinh nghiệm phượt Phú Quốc vô cùng thú vị


Côn Đảo bao năm vẫn vậy, bình yên và mộc mạc nhưng không biết nên vui hay buồn, vì có cái cảm giác tiếc tiếc bãi Đầm Trầu, bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo. 8 năm trước ở đây không có hàng quán gì, chỉ là một bãi biển dài hoang sơ không bóng người, mà giờ thì dù đường vào vẫn cát sỏi như xưa nhưng đã có mấy cái lều bạt dựng lên kinh doanh du lịch. Những góc đẹp nhất đã mất nhưng hiện tại thì khu vực này nhờ có quản lý nên rất sạch sẽ và là một nơi ăn trưa để chờ chuyến bay khá tốt (gần sân bay Cỏ Ống), và ngắm máy bay lên xuống rất hay, tuy nhiên giá cả ở đây khá đắt đỏ.


Chuyện ở Côn Đảo

a) Côn Đảo có 1 loài động vật biển có vú rất đặc biệt có tên gọi “Mỹ nhân ngư” vì nó có hình dáng giống cô gái đang bơi đó là Dugong (còn gọi là cá cúi, bò biển), chỉ có ở Côn Đảo với hơn trăm con còn lại (đang dần bị tuyệt chủng do nạn săn, bắt trộm để lấy thịt). Sau này, ở Phú Quốc cũng phát hiện thêm một quần thể Dugong với hơn 300 cá thể, hy vọng là được bảo vệ tốt hơn để giữ lại một huyền thoại biển còn mãi.


b) Ở Côn Đảo cũng có vườn Quốc Gia và rừng ngập mặn như Phú Quốc. Đặc biệt hơn là ở hòn Bảy Cạnh vào khoảnh tháng 9, 10 còn có rất nhiều loài rùa biển, vích về đẻ trứng rất kỳ diệu. Trong rừng Quốc Gia cũng có nhiều loài động, thực vật dễ bắt gặp nhất là khỉ. Chúng rất dạn và luôn nhìn ngắm những kẻ lạ mặt tham quan rừng. Tiếng chim, tiếng lá xào xạc và mùi không khí trong lành tạo nên một cảm giác rất thích thú rất khó tả.
c) Chuyện ở thị trấn “Cây Bàng” Côn Đảo thật ra không phải là tên gọi chính của hòn đảo lớn nhất quần đảo này, mà có tên là Côn Sơn. Còn tên gọi Côn Đảo là bao gồm cả 1 quần đảo bao gồm có Côn Sơn và những hòn nhỏ hơn như Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Bà…


d) Côn Đảo có khí hậu, thời tiết khá đặc biệt bên nắng bên mưa nên để ngắm bình minh và hoàng hôn khá vất vả. Hoàng hôn đẹp nhất là ngắm ở bãi Nhát hoặc mũi Cá Mập. Còn bình mình thì ngắm ở đoạn đường Tôn Đức Thắng rất đẹp nắng xuyên qua từng tán lá cây màu rất đẹp.
e) Câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời, rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” gắn liền với hai người trên đảo là bà Phi Yến (thứ phi của chúa Nguyễn Ánh, bà tên là Lê thị Răm và hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến).

Chụp ảnh

Nếu muốn săn ảnh ở Côn Sơn thì đi xuôi về mạn phía Nam đảo sẽ có nhiều góc đẹp, lạ ít thấy trên mạng để chụp hơn. Nhất là đoạn từ mũi Cá Mập qua bãi Nhát, biển ở đây không tắm được vì nhiều đá tảng, đá cuội nhưng nước trong xanh kỳ lạ, chụp hình thì không còn gì bằng. Ở khu Bến Đầm thì có một dải cát trắng mịn gần đoạn hòn Bà, có cái cây khô và dải cát trắng đẹp hết sảy.


Những bãi biển ở đây cát trắng phau, mịn rất mịn mà không hề có nhiều vỏ sò, san hô bể đi chân trần rất êm như An Hải, Lò Vôi, Đầm Trầu. Những bãi biển đẹp để săn ảnh như bãi Nhát. Phía Bắc đảo thì có con đường trồng hoa anh đào (sau Tết nở rất đẹp). Đoạn ở mũi Tàu Bể cũng đẹp và nhất là bãi Đầm Trầu. Ngồi ở đây ngắm máy bay đáp rồi chụp hay quay phim là bá cháy.
Ở thị trấn thì có con đường cây bàng cổ thụ Tôn Đức Thắng, con đường dọc hồ hoa sen dẫn vô gần miễu bà Phi Yến.

Xem thêm : Cung phượt ven biển Mũi Né - Bàu Trắng - Phan Rí Cửa

Môi trường

Côn Đảo ít dân, ít khách du lịch lại nhiều quân nhân nên điều rất dễ nhận ra là hòn đảo này sạch, rất sạch so với những bãi biển hay các hòn đảo đông dân, đông du khách du lịch như Lý Sơn, Nam Du… Khi đến đây không phải nhíu mày mỗi khi thấy chai nhựa, vỏ hộp, bịch nylon dập dền trên nước, trên cát  và gần Bến Đầm còn có một nơi xử lý rác thải, tái chế.

Ăn uống

a) Hải sản ở huyện đảo Côn Đảo có nhiều món khá đặc trưng như ốc vú nàng, cua mặt trăng, các loại cá biển, tôm mực. Tuy nhiên giá cả hải sản ở Côn Đảo không hề rẻ hơn bao nhiêu sao với đất liền, và nếu so với Phú Quý gần đó thì giá cả ở Côn Đảo mắc hơn gấp rưỡi, gấp đôi tuỳ loại. Ví dụ như: cua mặt trăng, nhiều người kinh doanh hải sản, quán ăn nói rằng loài này chỉ có ở Côn Đảo và giá từ 500 ngàn đến 650 ngàn 1 kg. Thật ra thì mình biết cua mặt trăng không phải riêng Côn Đảo mới có, ở Phú Quý cũng có và giá chỉ cỡ 200 ngàn tới 250 ngàn. Ốc vú nàng, cá mú đỏ, mũ ni, hùm sao ở Côn Đảo cũng mắc hơn nhiều so với Phú Quý. Có thể do ở Côn Đảo điều kiện còn khó khăn hơn Phú Quý (so về dân số), nên giá cả nó vậy. Chứ nói về phát triển du lịch thì Côn Đảo được đầu tư, chắm chút hơn Phú Quý rất nhiều. Ở Côn Đảo có sân bay, có resort 5 sao, có đầy đủ chứ Phú Quý nào có mấy cái đó, đến khách sạn còn chưa có cái nào nữa.


b) Giá cả một dĩa cơm, tô phở ở đây cũng khá mắc thường là 40k/phần. Mình thì ăn ở quán Nhỏ Ơi kế bên nhà nghỉ Phi Yến ở đường Phạm Hùng giao Tôn Đức Thắng, vừa ngon vừa rẻ so với nhiều chỗ (có 30 ngàn) lại bán sáng 1 kiểu, trưa 1 kiểu, tối 1 kiểu tha hồ mà lựa chọn.
c) Ăn uống ở Côn Đảo có nhiều chỗ như dọc đường Nguyễn Đức Thuận (đoạn đối diện Côn Đảo resort, Thiên Tân Star hotel) là các quán Thu Tâm, Hai Đình, Tri Kỉ, Ớt. Hay các quán cơm, phở, hủ tiếu quanh chợ Côn Đảo. Ăn đêm thì có đoạn ở chợ đêm bán nhiều món hải sản. Ở chợ đêm nếu đi 1 người như mình ăn cũng tiện nếu khéo nói chuyện với chủ quán. Có thể chỉ cần gọi mỗi loại 1 con để ăn cho đã nhiều món như: 1 con ốc bàn tay, 2 con vú nàng, 3 con ốc gai, 1 dĩa cà na, 1 dĩa ốc hương, 1 tô cháo sò huyết, vài con tu hài.

Thời tiết

a) Thời tiết ở Côn Đảo rất đặc trưng chỉ trong vòng vài trăm mét là đã có đủ kiểu thời tiết trời mây. Do địa hình nhiều núi chắn, phía bên này la mây mù giăng quanh núi, xám xịt như muốn mưa, đối diện phía bên kia thì trời xanh mây trắng, nước biển trong veo. Chỗ thì đường cây mát rượi, chỗ thì nắng cháy da người rất đặc biệt.
b) Mưa ở Côn Đảo rất đặc biệt, mưa chỉ một chút là hết do mưa theo từng đám mây. Mới mưa đó rồi lại trời ting xanh rồi lại mưa tiếp. Chỉ có mùa bão về thì mưa khá lâu và mưa dầm hơn bình thường.


c) Mùa đẹp để đến Côn Đảo cũng như bao nơi miền duyên hải hay biển đảo khá đó là từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Trời nắng đẹp tiện cho chụp hình, săn ảnh. Từ tháng 5 đổ đi thì hay có mưa bão, biển động nhiều hơn. Đặc biệt ở Côn Đảo tầm khoảng tháng 9, 10 là mùa rùa biển sinh sản ở hòn Bảy Cạnh, nếu bạn nào mê thiên nhiên kỳ thú thì nên đến vào thời gian này nhé.

 Theo FB: Khánh Bằng