Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Kinh nghiệm phượt Côn Đảo

Côn Đảo là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam được nhiều du khách yêu thích. Sau bao năm làm du lịch thì nơi đây vẫn là một trong những nơi rất hiếm hoi giữ được sự yên bình, tĩnh lặng,  một vẻ đẹp mộc mạc nhưng đầy quyến rũ, say đắm những lữ khách phương xa.


Để ra Côn Đảo, có thể đi bằng tàu biển (xuất phát từ cảng Cát Lở ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian đi khoảng 14 tiếng nếu thời tiết đẹp và khoảng 20 tiếng nếu biển động). Đây là phương án không nên lựa chọn nếu xét theo tiêu chí thời gian, tài chính và sức khỏe. Vì có thể giá tàu rẻ hơn giá máy bay, nhưng chi phí di chuyển từ Sài Gòn xuống cảng và thời gian trên tàu cộng với ăn uống ngủ nghỉ trên tàu không thật sự thoải mái sẽ làm các bạn rất mệt khi đến cảng Bến Đầm ở Côn Đảo. Và lựa chọn còn lại để ra Côn Đảo là đi bằng đường hàng không (có thể bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, và Cần Thơ).


Có 1 lựa chọn tiết kiệm là từ sân bay Cần Thơ bay ra Côn Đảo, giá thường xuyên có khuyến mãi, dễ mua và rẻ hơn, đôi khi chỉ còn một nửa so với bay từ SGN (qui ra khoảng 1 triệu), lại sẵn dịp thăm thú Cần Thơ, bay vào các ngày thứ 2 - 4 - 6 - CN.

Ăn ở

Ngoài những resort như Six Senses, Con Dao, Sea Travel, Sai Gon – Con Dao… thì ở Côn Đảo có khá nhiều nhà nghỉ, khách sạn bình dân quanh thị trấn. Trên đường Trần Hưng Đạo sát bãi biển thì có nhà nghỉ Phi Yến giá tốt, sạch sẽ, nhìn ra biển rất đẹp (giá từ 550k – 650k). Bên hông của nhà nghỉ cách vài căn có quán ăn Nhỏ Ơi (ăn sáng, trưa, chiều, tối ở đây rất ngon, bán đủ món).


Dọc theo đường Tôn Đức Thắng đi 1 đoạn thì có quán cafe Côn Sơn, quanh đó cũng có nhiều chỗ ăn uống, nên đây là một nơi tốt về nhiều tiêu chí để chọn ở, nghỉ ngơi. Thuê xe máy chạy quanh đảo thì giá 100 – 120k/ngày, hiện tại Côn Đảo đã có thêm một cây xăng của Mipec (toàn đảo có 3 cây xăng, 1 cây ở cảng bến Đầm và 2 cây ở thị trấn).

Xem thêm : Kinh nghiệm phượt Phú Quốc vô cùng thú vị


Côn Đảo bao năm vẫn vậy, bình yên và mộc mạc nhưng không biết nên vui hay buồn, vì có cái cảm giác tiếc tiếc bãi Đầm Trầu, bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo. 8 năm trước ở đây không có hàng quán gì, chỉ là một bãi biển dài hoang sơ không bóng người, mà giờ thì dù đường vào vẫn cát sỏi như xưa nhưng đã có mấy cái lều bạt dựng lên kinh doanh du lịch. Những góc đẹp nhất đã mất nhưng hiện tại thì khu vực này nhờ có quản lý nên rất sạch sẽ và là một nơi ăn trưa để chờ chuyến bay khá tốt (gần sân bay Cỏ Ống), và ngắm máy bay lên xuống rất hay, tuy nhiên giá cả ở đây khá đắt đỏ.


Chuyện ở Côn Đảo

a) Côn Đảo có 1 loài động vật biển có vú rất đặc biệt có tên gọi “Mỹ nhân ngư” vì nó có hình dáng giống cô gái đang bơi đó là Dugong (còn gọi là cá cúi, bò biển), chỉ có ở Côn Đảo với hơn trăm con còn lại (đang dần bị tuyệt chủng do nạn săn, bắt trộm để lấy thịt). Sau này, ở Phú Quốc cũng phát hiện thêm một quần thể Dugong với hơn 300 cá thể, hy vọng là được bảo vệ tốt hơn để giữ lại một huyền thoại biển còn mãi.


b) Ở Côn Đảo cũng có vườn Quốc Gia và rừng ngập mặn như Phú Quốc. Đặc biệt hơn là ở hòn Bảy Cạnh vào khoảnh tháng 9, 10 còn có rất nhiều loài rùa biển, vích về đẻ trứng rất kỳ diệu. Trong rừng Quốc Gia cũng có nhiều loài động, thực vật dễ bắt gặp nhất là khỉ. Chúng rất dạn và luôn nhìn ngắm những kẻ lạ mặt tham quan rừng. Tiếng chim, tiếng lá xào xạc và mùi không khí trong lành tạo nên một cảm giác rất thích thú rất khó tả.
c) Chuyện ở thị trấn “Cây Bàng” Côn Đảo thật ra không phải là tên gọi chính của hòn đảo lớn nhất quần đảo này, mà có tên là Côn Sơn. Còn tên gọi Côn Đảo là bao gồm cả 1 quần đảo bao gồm có Côn Sơn và những hòn nhỏ hơn như Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Bà…


d) Côn Đảo có khí hậu, thời tiết khá đặc biệt bên nắng bên mưa nên để ngắm bình minh và hoàng hôn khá vất vả. Hoàng hôn đẹp nhất là ngắm ở bãi Nhát hoặc mũi Cá Mập. Còn bình mình thì ngắm ở đoạn đường Tôn Đức Thắng rất đẹp nắng xuyên qua từng tán lá cây màu rất đẹp.
e) Câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời, rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” gắn liền với hai người trên đảo là bà Phi Yến (thứ phi của chúa Nguyễn Ánh, bà tên là Lê thị Răm và hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến).

Chụp ảnh

Nếu muốn săn ảnh ở Côn Sơn thì đi xuôi về mạn phía Nam đảo sẽ có nhiều góc đẹp, lạ ít thấy trên mạng để chụp hơn. Nhất là đoạn từ mũi Cá Mập qua bãi Nhát, biển ở đây không tắm được vì nhiều đá tảng, đá cuội nhưng nước trong xanh kỳ lạ, chụp hình thì không còn gì bằng. Ở khu Bến Đầm thì có một dải cát trắng mịn gần đoạn hòn Bà, có cái cây khô và dải cát trắng đẹp hết sảy.


Những bãi biển ở đây cát trắng phau, mịn rất mịn mà không hề có nhiều vỏ sò, san hô bể đi chân trần rất êm như An Hải, Lò Vôi, Đầm Trầu. Những bãi biển đẹp để săn ảnh như bãi Nhát. Phía Bắc đảo thì có con đường trồng hoa anh đào (sau Tết nở rất đẹp). Đoạn ở mũi Tàu Bể cũng đẹp và nhất là bãi Đầm Trầu. Ngồi ở đây ngắm máy bay đáp rồi chụp hay quay phim là bá cháy.
Ở thị trấn thì có con đường cây bàng cổ thụ Tôn Đức Thắng, con đường dọc hồ hoa sen dẫn vô gần miễu bà Phi Yến.

Xem thêm : Cung phượt ven biển Mũi Né - Bàu Trắng - Phan Rí Cửa

Môi trường

Côn Đảo ít dân, ít khách du lịch lại nhiều quân nhân nên điều rất dễ nhận ra là hòn đảo này sạch, rất sạch so với những bãi biển hay các hòn đảo đông dân, đông du khách du lịch như Lý Sơn, Nam Du… Khi đến đây không phải nhíu mày mỗi khi thấy chai nhựa, vỏ hộp, bịch nylon dập dền trên nước, trên cát  và gần Bến Đầm còn có một nơi xử lý rác thải, tái chế.

Ăn uống

a) Hải sản ở huyện đảo Côn Đảo có nhiều món khá đặc trưng như ốc vú nàng, cua mặt trăng, các loại cá biển, tôm mực. Tuy nhiên giá cả hải sản ở Côn Đảo không hề rẻ hơn bao nhiêu sao với đất liền, và nếu so với Phú Quý gần đó thì giá cả ở Côn Đảo mắc hơn gấp rưỡi, gấp đôi tuỳ loại. Ví dụ như: cua mặt trăng, nhiều người kinh doanh hải sản, quán ăn nói rằng loài này chỉ có ở Côn Đảo và giá từ 500 ngàn đến 650 ngàn 1 kg. Thật ra thì mình biết cua mặt trăng không phải riêng Côn Đảo mới có, ở Phú Quý cũng có và giá chỉ cỡ 200 ngàn tới 250 ngàn. Ốc vú nàng, cá mú đỏ, mũ ni, hùm sao ở Côn Đảo cũng mắc hơn nhiều so với Phú Quý. Có thể do ở Côn Đảo điều kiện còn khó khăn hơn Phú Quý (so về dân số), nên giá cả nó vậy. Chứ nói về phát triển du lịch thì Côn Đảo được đầu tư, chắm chút hơn Phú Quý rất nhiều. Ở Côn Đảo có sân bay, có resort 5 sao, có đầy đủ chứ Phú Quý nào có mấy cái đó, đến khách sạn còn chưa có cái nào nữa.


b) Giá cả một dĩa cơm, tô phở ở đây cũng khá mắc thường là 40k/phần. Mình thì ăn ở quán Nhỏ Ơi kế bên nhà nghỉ Phi Yến ở đường Phạm Hùng giao Tôn Đức Thắng, vừa ngon vừa rẻ so với nhiều chỗ (có 30 ngàn) lại bán sáng 1 kiểu, trưa 1 kiểu, tối 1 kiểu tha hồ mà lựa chọn.
c) Ăn uống ở Côn Đảo có nhiều chỗ như dọc đường Nguyễn Đức Thuận (đoạn đối diện Côn Đảo resort, Thiên Tân Star hotel) là các quán Thu Tâm, Hai Đình, Tri Kỉ, Ớt. Hay các quán cơm, phở, hủ tiếu quanh chợ Côn Đảo. Ăn đêm thì có đoạn ở chợ đêm bán nhiều món hải sản. Ở chợ đêm nếu đi 1 người như mình ăn cũng tiện nếu khéo nói chuyện với chủ quán. Có thể chỉ cần gọi mỗi loại 1 con để ăn cho đã nhiều món như: 1 con ốc bàn tay, 2 con vú nàng, 3 con ốc gai, 1 dĩa cà na, 1 dĩa ốc hương, 1 tô cháo sò huyết, vài con tu hài.

Thời tiết

a) Thời tiết ở Côn Đảo rất đặc trưng chỉ trong vòng vài trăm mét là đã có đủ kiểu thời tiết trời mây. Do địa hình nhiều núi chắn, phía bên này la mây mù giăng quanh núi, xám xịt như muốn mưa, đối diện phía bên kia thì trời xanh mây trắng, nước biển trong veo. Chỗ thì đường cây mát rượi, chỗ thì nắng cháy da người rất đặc biệt.
b) Mưa ở Côn Đảo rất đặc biệt, mưa chỉ một chút là hết do mưa theo từng đám mây. Mới mưa đó rồi lại trời ting xanh rồi lại mưa tiếp. Chỉ có mùa bão về thì mưa khá lâu và mưa dầm hơn bình thường.


c) Mùa đẹp để đến Côn Đảo cũng như bao nơi miền duyên hải hay biển đảo khá đó là từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Trời nắng đẹp tiện cho chụp hình, săn ảnh. Từ tháng 5 đổ đi thì hay có mưa bão, biển động nhiều hơn. Đặc biệt ở Côn Đảo tầm khoảng tháng 9, 10 là mùa rùa biển sinh sản ở hòn Bảy Cạnh, nếu bạn nào mê thiên nhiên kỳ thú thì nên đến vào thời gian này nhé.

 Theo FB: Khánh Bằng