Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

9 bí kíp sinh tồn khi bị lạc trong rừng

Câu chuyện nam phượt thủ 24 tuổi tử vong tại Tà Năng để lại sự xót xa lớn cho cộng đồng. Vậy trước khi du lịch bụi, bạn cần phải có kỹ năng gì để bảo vệ tính mạng của mình?


Nếu có điều gì xảy ra với bạn trong rừng, cơ hội lớn nhất để bạn sống sót là được người khác cứu. Bằng cách nói với người quan tâm đến bạn nơi chính xác mà bạn đang tới, họ có thể liên lạc với các cơ quan chức năng để bắt đầu công cuộc tìm kiếm nếu bạn không trở về.


Theo Cục Bảo vệ Môi trường bang New York (Mỹ), bạn không nên đi vào rừng một mình mà không mang theo nước, thực phẩm, dao, bật lửa, đồng hồ, còi và đèn pin. Ngoài ra, một số món đồ khác cần có là quần áo khô, điện thoại di động đầy pin và pin dự phòng.


Robert Koester, một chuyên gia tìm kiếm và là tác giả của cuốn sách Hành vi người bị lạc, cho rằng khi nhận ra mình bị lạc, điều đầu tiên bạn nên làm là ngồi xuống. Những quyết định khi bạn lo lắng có thể là những sai lầm trầm trọng. Hầu hết mọi người không nghĩ rằng mình sẽ bị lạc trong rừng cho đến khi chuyện đó xảy ra. Hoảng sợ sẽ khiến bạn lãng phí thời gian và đưa ra những quyết định tồi tệ.


Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng như “Làm cách nào mà mình đến đây?” hay “Còn bao lâu nữa thì trời tối?”.


Khi bạn bình tĩnh và biết mình còn bao nhiêu thời gian trước khi mặt trời lặn, hãy thử xác định các mốc có thể giúp bạn biết mình đang ở đâu. Những hình ảnh đặc biệt như núi và cây cối hoặc âm thanh như tiếng xe và nước chảy có thể giúp bạn tìm đường trở về một cách an toàn. Nếu không có những dấu hiệu trên, hãy nhớ những kiến thức có thể giúp bạn xác định phương hướng như ở vùng ôn đới, rêu thường mọc ở phía bắc của cây và đá. Hoặc, mạng nhện thường nằm ở phía nam của cái cây, theo Popular Mechanics.


Hãy xác định xem bạn có thể về nhà trước khi mặt trời lặn hay phải ở lại cho đến sáng. Nếu phải ở lại qua đêm, Cục Bảo tồn Môi trường bang New York (Mỹ) khuyên: “Gom củi vào ban ngày dễ hơn nhiều so với ban đêm”. Bên cạnh đó, hãy xác định lượng gỗ thực sự cần để giữ lửa cả đêm.


Nước là thứ quan trọng nhất, thậm chí hơn cả thức ăn. Theo Koester, bạn có thể sống đến 4 tuần mà không ăn. Vì vậy, đừng lãng phí năng lượng tìm kiếm thức ăn trừ khi nó ở ngay gần bạn. Trong khi đó, nước thường chảy xuống dốc. Do vậy, hãy đi theo hướng đó nếu bạn đi tìm nước. Nếu đi qua một vũng nước lớn, bạn có thể làm sạch nước trước khi uống.


Khi qua đêm trong rừng, một trong những rủi ro lớn nhất mà bạn phải đối mặt là tình trạng hạ thân nhiệt. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là tìm nơi trú ẩn để bạn có thể giữ khô và ấm cơ thể. “Hãy tìm một vị trí tránh gió mưa. Hang động là nơi rất tốt. Ngoài ra, những chỗ cạnh tảng đá lớn, một cái cây chết hoặc cây lớn cũng khá lý tưởng. Nếu tìm ra vị trí thích hợp, hãy cố gắng ở yên đó. Người khác sẽ dễ tìm thấy bạn khi bạn ngồi yên một chỗ hơn là di chuyển”, ông nói.


“Hãy tạo tiếng ồn (như thổi còi, đập đá vào với nhau hoặc hét lên), tạo dấu hiệu dễ nhìn thấy ở trên cao như ánh sáng phản chiếu của gương hoặc khói”, Koester chia sẻ.

Theo zing.vn




Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Vì sao dân phượt thường chọn những cung đường nguy hiểm?

Không chỉ để khẳng định bản thân, nhiều người cho rằng các phượt thủ thường chọn những cung đường nguy hiểm khám phá vì "cảm giác thú vị".

Mới đây, vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng để lại nhiều nuối tiếc cho cộng đồng mạng nói chung, những người đam mê chinh phục nói riêng.

"Tà Năng - Phan Dũng là một cung đường đẹp, có nhiều đường đi và hướng rẽ. Trong đó, đường đi vào thác là nguy hiểm nhất, đặc biệt là vào mùa mưa", Phan Đăng, phượt thủ từng có nhiều chuyến chinh phục các cung đường núi tại Việt Nam thông tin.

Chinh phục cung đường khó để khẳng định bản thân


Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tai nạn thương tâm xảy ra trên hành trình khám phá của các phượt thủ. Năm ngoái, một nữ phượt thủ 20 tuổi bị lũ cuốn trôi khi trekking trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Trước đó, năm 2016, Aiden Webb, một phượt thủ người Anh, ngã xuống từ độ cao 18 m khi đang leo núi Fansipan

Giải thích "hiện tượng" dân phượt thường chọn những cung đường nguy hiểm để khám phá, phượt thủ Phạm Duy Cường, một trong những người giàu kinh nghiệm trekking với những chuyến đi tại Nepal và Việt Nam, cho hay người trẻ thường có xu hướng muốn xác lập vị trí của mình trong cộng đồng. Đây là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Do đó, việc họ chọn làm những việc khó khăn và thách thức để xác lập một hình tượng mới là điều dễ hiểu.

"Trekking tại những cung đường nguy hiểm mà không có người địa phương dẫn đường là chuyện bình thường. Nếu ta có đủ kỹ năng và kinh nghiệm cùng sự chuẩn bị chu đáo như phương án xử lý, hỗ trợ sự cố và tai nạn thì hành động này là một việc đầy thú vị", anh Cường nhận định.

Đây cũng là quan điểm của Đặng Hải Châu, phượt thủ kỳ cựu từng trekking nhiều cung đường ở Việt Nam và nước ngoài. Theo anh, việc bản thân trải nghiệm và vượt qua các thử thách khó khăn đem đến cảm giác tuyệt diệu. "Đơn giản như việc bạn giải được một bài toán khó, chưa ai có thể làm. Hay việc bạn vượt qua kỳ thi IELTS... thì với phượt thủ, chinh phục một cung đường gian nan là điều kỳ diệu", anh nhấn mạnh.

Nam phượt thủ cũng cho biết, trên thực tế, các cung trekking ở Việt Nam thường khó hơn so với nhiều quốc gia khác, bởi địa hình Việt Nam khá đa dạng, thường dốc hơn và phải đu bám nguy hiểm hơn các cung trekking ở nước ngoài mà anh đã đi.

Đặc trưng vùng núi phía Bắc Việt Nam rất khác với các khu vực ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ rừng rậm nhiệt đới đến rừng cây lá kim, từ độ cao, độ dốc đến cấu tạo địa chất, mỗi nơi đều có cấu trúc khác nhau.

"Tuy nhiên, nếu bản thân thiếu kinh nghiệm trong khi đoàn cũng không có người bản địa hay người hiểu biết rõ địa hình khu vực khám phá thì rất phiêu lưu và nguy hiểm", nhiếp ảnh gia Tâm Bùi, một cái tên không xa lạ với cộng đồng trẻ yêu nhiếp ảnh và du lịch, nêu quan điểm.

Khi khám phá cung đường nguy hiểm, phượt thủ cần gì?


Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cho rằng khi trekking tại những khu vực như Tà Năng (đi bộ một chặng đường dài, xuyên qua rừng - nơi không có người sinh sống) thì điều trước tiên phải làm là chuẩn bị thể lực tốt.

"Những hành trình như vậy thường yêu cầu vận động nhiều. Trong khi đó, nếu bạn làm việc tại thành phố, hay ngồi trong văn phòng và ít vận động, tham gia trekking mà không chuẩn bị thể lực sẽ khiến bạn mệt mỏi, thậm chí dễ kiệt sức", anh nói.

Ngoài ra, việc chuẩn bị thể lực cũng giúp bạn có thể bám sát đoàn và không tạo gánh nặng cho cả đội.

Trong khi đó, phượt thủ Phạm Duy Cường nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu kỹ địa hình nơi nhóm sẽ tới, những khó khăn sẽ phải trải qua và những sự cố có thể xảy ra.

Cũng đề cập đến về vấn đề này, Phan Đăng nhấn mạnh các phượt thủ nên tuân thủ những gì porter và leader hướng dẫn.

"Đặc biệt, bạn phải tự trang bị cho mình một tinh thần chiến đấu trước khi tham gia. Tất nhiên, hãy tin tưởng tuyệt đối vào leader của mình. Trong rừng, mọi người đều ngang nhau, không phân chia địa vị, giai cấp và giàu nghèo. Tiền bạc không thể mua được cái gì ở đây. Lòng tin chính là thứ bạn phải trao để có một chuyến trải nghiệm an toàn và thành công", anh chia sẻ.

Những vật bất ly thân


Khi quyết định tham gia trekking dài ngày, các phượt thủ nên chuẩn bị các loại thức ăn như lương khô và gel dinh dưỡng với số lượng đủ để phòng trường hợp bị lạc. Những món này gọn, nhẹ, có thể ăn nhanh và cung cấp nhiều năng lượng. Tất nhiên, không thể quên nước uống.

"Lần nhóm mình trekking cung Tà Năng - Phan Dũng trong 2 ngày, mỗi người trong đoàn mang theo khoảng 3 lít nước", nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cho biết.

Đồng ý với quan điểm, Phan Đăng cho hay ngoài nước uống và thức ăn, lều trại, túi ngủ và hộp cứu thương cũng là những thứ quan trọng khi bạn đi rừng. Ngoài ra, những vật dụng khác như còi báo hiệu, dao đa năng, bật lửa, đèn pin, thuốc chống côn trùng và sạc pin dự phòng cũng vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, phượt thủ Hải Châu bổ sung các món đồ như cưa dây, dây lạt nhựa loại to, chăn bạc cứu hộ, móc khóa chịu lực Carabiner, giày có khả năng chống nước, xà cạp cao đến đầu gối, các thiết bị định vị, điện thoại tải bản đồ offline của địa điểm trekking, bộ đàm, bếp ga cá nhân và túi chống nước.

Đặc biệt, những người dày dặn kinh nghiệm trên đều cho biết 4 vật dụng họ không bao giờ quên, luôn mang theo và luôn giữ khô ráo là bật lửa cùng một mẩu dây cao su để nhóm lửa, dao gấp, áo khô để thay khi ướt hoặc mặc thêm khi mất nhiệt và áo mưa.

Tuy nhiên, chỉ những đồ này là chưa đủ. Trước khi trekking tại các cung đường nguy hiểm, các phượt thủ nên học qua những kỹ năng sinh tồn như làm sao để tạo nơi trú ẩn trong rừng, làm sao để tìm thấy thức ăn, làm sao để tìm ra nguồn nước... Những kỹ năng đó vô cùng hữu ích.

Lạc trong rừng có nên đi men theo suối?


Nhận định về vấn đề này, phượt thủ Duy Cường cho rằng nếu lạc trong rừng, tìm ra một con suối và men theo nó về hạ lưu là điều nên làm.

"Thứ nhất, bạn sẽ không chết khát. Thứ hai, bạn sẽ không bị mất phương hướng, đi lòng vòng trong rừng và gây hoảng loạn, kiệt sức. Thứ ba, bạn dễ gặp người vì người đi rừng và dân bản địa thường bám vào suối để nghỉ ngơi, cắm trại và sinh sống", anh nói.

"Tuy nhiên, khi vượt qua suối, bạn nên cẩn trọng. Nếu suối lớn và dòng chảy mạnh, trước khi qua, bạn phải quan sát một lúc xem tốc độ dòng chảy có thay đổi không và lắng nghe tiếng động từ thượng nguồn đổ về. Nếu thấy nước từ trong biến thành đục, điều này có nghĩa sắp có lũ tràn về", anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi bị lạc, các phượt thủ hãy giữ bình tĩnh, quan sát khu vực xung quanh, kiểm tra sóng điện thoại và tạo tín hiệu để người khác dễ dàng tìm ra vị trí của bạn.

"Bạn nên nhớ khi phát hiện bạn bị lạc mọi người sẽ đi tìm bạn, nên bạn đừng di chuyển thêm nữa vì như thế mọi người sẽ rất khó kiếm tìm", anh nêu quan điểm.

Theo Nhật Ánh - Kim Ngân

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

4 con đường khiến giới trẻ 'đứng ngồi không yên' ở Tây Nguyên

Đường lên tòa giám mục Kontum hay núi lửa Chư Đăng Ya được nhiều phượt thủ ưa thích bởi khung cảnh lãng mạn giống như trong các bộ phim.

Đường lên tòa giám mục Kon Tum


Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum), tòa giám mục có tên gọi đầy đủ là "Chủng viện Thừa sai Kon Tum". Tòa kiến trúc nằm ẩn mình sau một hàng bông sứ dài khiến bất kỳ ai ghé chân đều cảm thấy thích thú. 

Nếu là người thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử của các công trình kiến trúc thì nơi này sẽ không khiến bạn thất vọng. Công trình được xây dựng theo phong cách phương Tây kết hợp cùng các yếu tố bản địa. Ngoài ra, đây là địa chỉ "sống ảo" lý tưởng cho những ai thích chụp ảnh. 

Đường quanh đồi chè Gia Lai


Cách thành phố Pleiku tầm 13 km, đồi chè Gia Lai thuộc địa phận huyện Chư Păh. Nơi đây hấp dẫn nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ bởi khung cảnh xanh mướt mát của con đường cây lá kim giống như bối cảnh nhiều bộ phim Hàn Quốc

Nếu có ý định check-in tại Biển Hồ, bạn không nên bỏ qua con đường này. Lái xe chậm rãi giữa con đường lãng mạn, xung quanh là những đồi chè xanh ngắt trải dài sẽ để lại nhiều kỷ niệm ấn tượng trong hành trình khám phá đại ngàn.

Đường lên Măng Đen - Kon Tum


Không ít người miền xuôi mê đắm cung đường băng rừng để đến Măng Đen, thuộc Đăk Long, huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum). Những cánh rừng cao su hay núi đồi chập chùng tạo ra những bức hình không khác gì poster của các bộ phim nước ngoài. Qua cung đường này, du khách sẽ được ngắm thảm thực vật xanh ngắt.

Nơi đây còn được mệnh danh là đất "bảy hồ, ba thác" vì sở hữu 7 hồ Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam, Đak Ke và 3 thác Pa Sỹ, Đak Ke, Đak Pne. Nhờ đó mà không khí quanh năm ở đây mát mẻ, lý tưởng để tránh nóng.

Đường lên núi lửa Chư Đăng Ya


Núi lửa Chư Đăng Ya cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30 km về hướng đông bắc. Đến đây vào tháng 11, bạn sẽ được dịp ngắm nhìn rừng hoa dã quỳ nở rộ đẹp mắt. 

Ngọn núi lửa đã ngủ yên hàng triệu năm này còn thu hút đông đảo người yêu thích thiên nhiên bởi nét hoang sơ của rừng núi.

Theo Di Vỹ - vnexpress

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Kinh nghiệm phượt Lệ Giang - Shangri-La từ A đến Z

Lệ Giang và Shangri-La là điểm đến hội tụ những danh thắng nổi tiếng của Trung Quốc. Bạn cần chuẩn bị hành trang chu đáo trước khi lên đường khám phá vùng đất tươi đẹp này.

Đôi nét cảm nhận về Lệ Giang cổ trấn và Shangri-La

Lệ Giang cổ trấn hay còn gọi là Đại Nghiên cổ trấn, là thành cổ có lịch sử trên 800 năm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây sở hữu những góc phố cổ kính mang phong cách văn hóa truyền thống của dân tộc Nạp Tây được trang trí bởi hoa lá, cây cảnh xung quanh xen lẫn những con kênh uốn lượn. Tất cả tạo cho cổ trấn Lệ Giang một không gian mang nét đẹp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giản dị mà thân thương.

Đến Lệ Giang vào mùa hoa nở, tôi có cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều loại hoa, nhất là các loài cúc và đủ loại hoa hồng. Sắc hoa ở khắp nơi tạo nên cảnh sắc muôn màu, muôn vẻ đẹp tuyệt. Dành hơn một ngày đi bộ từng con ngõ trong cổ trấn nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ để khám phá hết vẻ đẹp nơi này.


Có rất nhiều điểm tham quan thú vị tại Lệ Giang như quảng trường Ngọc Hà, bánh xe nước lớn, đường Tứ Phương, cầu Đại Thạch, lầu Vạn Cổ, Mộc Phủ, công viên Đồi Sư Tử, Hắc Long Đàm… Đặc biệt là Ngọc Long Tuyết Sơn - Đây chính là danh thắng nổi bật nhất Lệ Giang, được mệnh danh là vùng đất thiêng liêng của người Nạp Tây. Đứng trước sự hùng vĩ của những khối núi đá cao trên 5.000 m tuyết phủ trắng xóa, con người dường như nhỏ bé vô cùng.

Ngoài ra, thung lũng Lam Nguyệt dưới chân Ngọc Long Tuyết Sơn cũng là điểm đến hứa hẹn với phong cảnh tuyệt đẹp của hồ nước xanh như ngọc bích. Bạn có thể lưu giữ kỷ niệm bằng những bức ảnh selfie tuyệt đẹp tại nơi này.


Shangri-La chính là “thung lũng huyền thoại” được nhắc đến trong tác phẩm để đời của James Hilton - Lost Horizon (Đường chân trời đã mất). Là một huyện phía Tây Bắc Vân Nam, Shangri-La là nơi sinh sống chủ yếu của một bộ phận người Tây Tạng. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên thanh bình, êm ả của những ngọn đồi xanh tươi, vẻ đẹp hùng vĩ của những dãy núi tuyết trắng trong không khí trong lành, mát mẻ.

Một số điểm tham quan nổi tiếng nhất Shangri-La là Dukezong cổ trấn, công viên Potatso, Đại Phật Tự (Guishan park), tu viện Songzanlin, Thạch Ca Tuyết Sơn, Khe Hổ Nhảy, Bạch Thủy Đài…


Tôi chỉ có một giờ lang thang khắp Dukezong Old và phải quay về Lệ Giang nên rất nuối tiếc vì chưa thể khám phá hết các nơi. Dù không đi được nhiều, nhưng ấn tượng trong tôi về Shangri-La là vùng đất yên bình và giản dị. Ở đây tôi gặp được rất nhiều người thân thiện và nhiệt tình. Từ anh tài xế với nước da ngăm đen vùng cao, tới cậu chủ nhỏ của khách sạn đều luôn nhiệt tình và chu đáo giúp đỡ chúng tôi. 

Vé tham quan các địa điểm

Vé tham quan các địa điểm ở Lệ Giang và Shangri-La cũng khá cao. Một số chi phí tham quan mà chúng tôi đã phải chi đó là:

- Tham quan Mộc phủ: 15 tệ/người; lầu Vạn Cổ: 60 tệ/người.

- Khu du lịch Ngọc Long Tuyết Sơn: Vé vào cổng 130 tệ (có xe bus đưa rước giữa các nơi trong khu du lịch), giá cáp 200 tệ để lên độ cao 4.506 m của núi Ngọc Long (đỉnh 5.596 m).

- Chương trình Ấn tượng Lệ Giang: 180-200 tệ.

- Tu viện Songzanlin: Cần qua 3 lần mua vé để vào sâu bên trong. Nhóm chúng tôi chỉ mua vé 105 tệ/người để đi tham quan vòng ngoài và điện đầu tiên.

Thưởng thức ẩm thực phong phú và đậm chất văn hóa Trung Hoa

Du lịch Lệ Giang - Shangri-La nói riêng và Trung Quốc nói chung, bạn sẽ được thưởng thức một nền văn hóa ẩm thực hết sức phong phú và đa dạng. Đặc trưng là các món ăn được tẩm ướp gia vị rất kích thích vị giác.

Ẩm thực tại Shangri-La và Lệ Giang khá giống nhau. Với vị đặc trưng cay và khá đậm mùi nên các món ăn đặc sản này có thể không hợp khẩu vị với một số du khách kén ăn.


Lệ Giang nổi tiếng có nhiều loại bánh hấp dẫn như bánh bao, bánh baba, bánh hoa... cùng các món ăn truyền thống Trung Quốc như há cảo, cháo, trứng luộc nước trà, bún qua cầu, các loại mì… Ngoài ra, nơi đây còn có các món lẩu đặc sắc như lẩu bò yak, lẩu dê, lẩu sườn…

Những món này khá mặn do thịt được ướp muối rồi mới nấu lẩu. Về giá cả, các món ăn này không quá đắt đỏ, tính ra một bữa ăn của chúng tôi chỉ khoảng 15-30 tệ/người.

Cách di chuyển

Có nhiều phương án lựa chọn để du lịch Lệ Giang - Shangri-La. Bạn nên cân nhắc lựa chọn nào phù hợp với túi tiền, thời gian và sức khỏe của mình. Bạn có thể chọn đi máy bay để tiết kiệm thời gian. Còn trong chuyến đi này, tôi chọn đường bộ để giảm chi phí và khám phá nhiều hơn.

Tôi luôn đặt vé trước cho các phương tiện di chuyển như tàu hỏa, xe khách để có thể chủ động nhất cho chuyến đi. Nhóm chúng tôi đặt vé trước trên trip.com/trains hoặc travelchinaguide.com/china-trains, các trang này đều có hỗ trợ tiếng Anh. Còn đối với di chuyển ngắn tại điểm du lịch thì ở Lệ Giang phương tiện di chuyển chủ yếu là taxi, minibus (6 chỗ) và bus, còn ở Shangrila thì có những xe ôm (4 bánh).

Ngoài ra, bên này cũng có xe khách để đi Ngọc Long Tuyết Sơn, giá khoảng 20 tệ/người. Do chúng tôi đi 6 người nên mặc cả được giá còn 100 tệ/xe. Đi từ cổ trấn Lệ Giang đến Shangrila, bạn sẽ bắt xe khách từ trạm busterminal hoặc bus express với giá khoảng 60 tệ/người. Trước khi lên đường, bạn nên tìm hiểu kỹ về các phương tiện ở địa phương để giúp giảm giá thành và tiện lợi hơn.

Thuê khách sạn, nhà nghỉ tại Lệ Giang

Các khách sạn và nhà nghỉ tại Lệ Giang là những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp và ấm cúng, về giá cả và dịch vụ cũng khá tốt. Bạn nên đặt khách sạn ở gần hoặc bên trong cổ trấn giúp thuận tiện cho đi lại và tham quan được thật nhiều địa điểm. Chúng tôi đặt phòng theo nhóm nên có giá rẻ hơn một chút, tính ra tầm 30-40 tệ/người/đêm.



Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Các địa điểm phượt cuối tuần mới lạ

Khi không là tín đồ của “phượt” mạo hiểm, cũng không khoái theo tour vì thiếu chủ động thì bạn có thể chọn các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn sau đây để tận hưởng ngày cuối tuần đầy thú vị nhé.

Du lịch bụi Long Hải


Long Hải cách thị xã Bà Rịa chừng 10km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km (chừng 2 giờ đến 2 giờ 30 phút đi xe máy). Có 2 hướng đi: 

Hướng thứ nhất từ trung tâm thành phố - ngã 3 Vũng Tàu - chạy một mạch tới Long Hải (hướng này dễ đi hơn). 

Hướng thứ 2 từ trung tâm thành phố - Phà Cát Lái - khu công nghiệp Nhơn Trạch - Long Hải (hướng này thì ít xe tải hơn và nhiều khung cảnh thiên nhiên đẹp).

Long Hải có bãi biển dài và rộng, cát trắng rất phù hợp cho những người yêu thích tắm biển. Một điều thú vị là nếu các bạn mua hải sản ngay tại chợ ở Long Hải thì sẽ vô cùng ngạc nhiên vì mức giá rẻ và độ tươi ngon. Tốt nhất nên mua tầm từ 7 - 9 giờ sáng (sau đó có thể đi vào khu di tích núi Minh Đạm, tại đây có dịch vụ nấu thức ăn cho khách mà không bán thức ăn).

Thác Mai hoang sơ


Thác Mai là một trong những thắng cảnh của sông La Ngà trên con đường hợp dòng với sông Đồng Nai, là một địa danh mang vẻ đẹp hoang sơ, nằm sâu trong rừng nguyên sinh bạt ngàn, cách TP.HCM khoảng 170km.

Thác Mai trải dài trên đoạn sông hơn 4km với quần thể đá được tạo dáng với nhiều hình thù kỳ thú nối dài, trải rộng hai bên bờ và kết nối giữa dòng nước. Hai bên bờ sông có nhiều hang động với những hòn đá chông chênh. 

Muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thượng nguồn của thác, du khách có thể trèo lên đỉnh Voi Phục: một hòn đá khổng lồ hình con voi đang nằm giữa sông. Trong địa phận Lâm trường Tân Phú, trên đường vào thác Mai còn có suối Đá Bàn và nước nóng thiên nhiên gần đó, với nhiệt độ từ 50 đến 600C, trữ lượng lớn, rất có lợi cho sức khỏe.

Đường đi: Từ TP.HCM ra Biên Hòa, đi tiếp về ngã ba Dầu Giây, rồi rẽ trái theo quốc lộ 20 về Định Quán - Đồng Nai. Đi đến km 120, qua sông La Ngà khoảng 7-9km, vào địa phận huyện Định Quán sẽ có cái bảng to ghi chữ Định Quán màu xanh, phía tay phải sẽ thấy một con đường nhựa chạy vào trong. Chạy khoảng 5km bạn sẽ gặp một nhánh rẽ không phủ nhựa thì rẽ trái đi tiếp tới Thác Mai.

Từ quốc lộ 20 chạy vào tới Thác Mai, bạn phải đi 23km đường xuyên rừng (khoảng 8-9 km là đường nhựa, còn lại là đường đất, bụi), chạy khoảng 10km bạn sẽ phải mua vé vào trong với giá 10.000VND/người. Ở đây, sẽ có hai nơi để bạn đi: suối nước nóng và Thác Mai. Nên đi theo nhóm nhiều người vì đường rừng vắng vẻ hoang sơ.

Ăn trái cây và tham quan các di tích


Từ TP.HCM đi theo quốc lộ 1A chừng 80km về hướng đông bắc, qua khỏi đèo Mẹ Bồng Con là tới Long Khánh (Đồng Nai), bạn sẽ được tận hưởng không gian trong lành và nếm đủ các loại trái cây nơi đây.

Suối Tre


Cách thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh chừng 3km về hướng tây bắc là khu văn hóa Suối Tre. Đây vốn là nơi nghỉ mát của người Pháp, thuộc các đồn điền cao su Đông Dương (SIPH) được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Suối Tre ở giữa những rừng cao su mát dịu, xen lẫn là những ngọn đồi nhấp nhô và cổ thụ xòe tán, cảnh quan như một Đà Lạt thu nhỏ, gợi nét đẹp riêng.

Từ Xuân Lộc ngược về phía tây nam khoảng 5km là đến một di tích kiến trúc cổ, mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phương Nam, đó là ngôi mộ cổ Hàng Gòn (còn gọi là mộ Cự Thạch, hay mả Ông Đá). Đây là một kiến trúc độc đáo nằm trong lòng đất, có niên đại cách đây hơn 2.500 năm. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1927 và được trùng tu vào năm 1992.

Di tích là một hầm mộ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn, lắp ghép theo hình hộp chữ nhật, chiều dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m, bề mặt được bào khá nhẵn. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa các tấm đá nhờ vào hệ thống rãnh dọc, trông đơn giản nhưng thật vững chắc. Chung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, đầu khoét lõm hình yên ngựa.


Cách TP.HCM 150km, đi xe máy mất từ 3-4 tiếng. Có thể đi từ TP.HCM theo Quốc lộ 51 khoảng 100km đến thị xã Bà Rịa, từ đây rẽ trái theo hướng Quốc lộ 55 khoảng 55km sẽ đến Bình Châu thuộc xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Hoặc đi bằng xe du lịch từ bến xe miền Đông đến bến xe khách Vũng Tàu, bến xe huyện Xuyên Mộc rồi bắt xe buýt đi Bình Châu, đi xe ôm hoặc có thể liên lạc với dịch vụ đưa đón (có thu phí) của khu du lịch bạn lưu trú. Xe buýt đi Bình Châu có đi ngang qua ngã ba vào Hồ Cốc (từ ngã ba đi vào Hồ Cốc khoảng 8km).

Khám phá đảo Ó - Ðồng Trường


Ðảo Ó và đảo Ðồng Trường là hai hòn đảo nằm giữa lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai). Là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi sông nước, rừng, cây, hoa lá, đặc sản.

Từ TP.HCM, theo quốc lộ 1A hướng về Ðồng Nai, đến ngã ba Trị An thì rẽ trái, đi 8km nữa đến trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) rồi đến bến thuyền Ðồng Trường. Sau 30 phút thưởng thức thú ngồi thuyền rong chơi trên hồ Trị An, bạn sẽ đặt chân lên đảo Ó.

Nằm giữa lòng hồ, cách đất liền không xa, nhưng đảo Ó như một ốc đảo tách biệt. Ở đây có một máng trượt nước cao 15m cho những ai thích tìm cảm giác mạnh. Ngoài ra, còn có các trò vui chơi như đi canô, mô tô nước, phóng phi tiêu, đánh cờ… Tại đây có đặc sản: cá lăng nấu canh chua và cá lăng kho tộ.​

Nguồn 2banh

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Kinh nghiệm phượt Phú Yên của kiến trúc sư 9X

Đến Phú Yên 2 lần nhưng chàng trai Hà Nội cho biết sẽ còn quay lại vùng đất này thêm nhiều lần nữa vì Phú Yên ấn tượng không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.


Đức Nguyễn - kiến trúc sư 23 tuổi ở Hà Nội chia sẻ với Zing.vn hành trình khám phá Phú Yên để vừa tiết kiệm lại vừa trải nghiệm được nhiều nhất.

Đi Phú Yên mùa nào?


Mình đi Phú Yên vào tháng 6 - mùa khô rơi vào tháng 1-8, mùa mưa tháng 9-12. Về ưu điểm, đến Phú Yên thời gian này rất phù hợp bởi thời tiết ít mưa, dễ dàng sắp xếp lịch trình và thuận lợi di chuyển giữa các điểm tham quan. Tuy nhiên, nhược điểm là các điểm du lịch hot như ghềnh Đá Đĩa hay bãi Xép khá đông người vào trưa hoặc chiều tối. Nên các bạn chịu khó đi tham quan sớm để tránh đông người và tránh nắng nóng. Hơn nữa, vào buổi sáng, ánh nắng mặt trời không gắt sẽ giúp bạn dễ dàng chụp được những bức ảnh đẹp.



Di chuyển

Mình chọn phương tiện di chuyển là máy bay, theo đường bay Hà Nội - Tuy Hòa, với giá vé gần 1,5 triệu đồng. Bạn có thể đặt mua vé máy bay giá rẻ của Vietjet Air để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi. Hoặc bạn có thể di chuyển bằng tàu hỏa từ ga Hà Nội. Tàu SE3 khởi hành lúc 23h và 20h30 tối hôm sau sẽ đến ga Phú Yên.

Khi đến Phú Yên, bạn sẽ dễ dàng thuê xe máy với giá 100.000-150.000 đồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê xe đạp để đạp vòng quanh Phú Yên. Đó cũng là trải nghiệm khá thú vị.


Nghỉ đêm ở Phú Yên

Trong 2 lần đến Phú Yên, mình đều ở lại 3 ngày. Do đi một mình nên mình hay nghỉ tại July’s Homestay, ở phòng dorm giá 130.000 nghìn đồng/ngày. Homestay còn cho thuê xe đạp, xe máy và cho mượn bếp nấu ăn, rất tiện lợi.

Ấn tượng tại Phú Yên

Phần quan trọng nhất khi đến Phú Yên là bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá rất nhiều địa điểm đẹp như: cầu Ông Cọp, đập Đồng Cam, vịnh Vũng Rô, nhà thờ Mằng Lăng, ghềnh Đá Đĩa, ghềnh Đèn, tháp Nhạn, bãi Xép, hải đăng Đại Lãnh, đầm Môn,…




Đối với mình, ấn tượng nhất là trải nghiệm đón bình minh ở cực Đông - mũi Điện. Bạn sẽ cảm nhận sự thiêng liêng và hùng vĩ khi đón những tia nắng đầu tiên của Việt Nam tại điểm cực Đông của Tổ quốc.


Cả 2 lần đến đây mình đều cố gắng thức dậy lúc 3h sáng để chạy xe từ Tuy Hòa ra mũi Điện. Chạy xe trong đêm với một bên là núi, một bên là biển cảm giác rất thú vị. Và sau đó, bạn sẽ phải gửi xe, bắt đầu hành trình leo núi hơn 1 km. Bạn sẽ được ngắm nhìn phong cảnh hoang sơ và tươi đẹp trên đường lên núi.


Thưởng thức ẩm thực

Ẩm thực cũng là đặc điểm nổi bật của du lịch Phú Yên. Ẩm thực Phú Yên rất phong phú, đa dạng và mang hương vị đặc trưng riêng của miền đất Nam Trung Bộ. Đặc biệt, giá cả rất rẻ, bạn có thể ghé thăm và thưởng thức các món đặc sản như: cháo hàu (373 Nguyễn Huệ), chả Dông (90A Nguyễn Công Trứ), mắt cá ngừ đại dương Bà Tám (293C Lê Duẩn), bánh xèo (303 Lê Duẩn), bánh canh hẹ Năng Nở (ngã tư Điện Biên Phủ - Trường Chinh),…

Chi phí cho chuyến đi

Tổng kết lại, chi phí cho chuyến đi Phú Yên trong 3 ngày của mình khoảng 1,5 triệu đồng (chưa kể tiền vé máy bay). Trong đó, 390.000 đồng tiền thuê phòng homestay (130.000 đồng/đêm), ăn uống khoảng 700.000 đồng, vé tham quan các địa điểm khoảng 100.000 đồng và thuê xe 360.000 đồng.

Trong những nơi mình đã từng khám phá, Phú Yên là một trong những địa điểm ấn tượng nhất. Không chỉ phong cảnh thiên nhiên mà con người nơi đây cũng rất thân thiện, đặc biệt Phú Yên có rất nhiều đặc sản miền Bắc không có. Chắc chắn một điều rằng không chỉ 2 lần mà mình sẽ còn quay lại Phú Yên thêm nhiều lần nữa.

Khám phá 4 điểm du lịch hè 2018 từ Bắc vào Nam

Thay vì lựa chọn những địa điểm du lịch quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long…, bạn có thể tìm đến những địa điểm du lịch mới lạ, hoang sơ, thú vị để khám phá cùng người thânbạn bè trong dịp hè 2018 này.

Đà Lạt xứ Bắc” - Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La)


Hấp dẫn du khách với không khí mát mẻ, trong lành, khung cảnh yên bình, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được nhiều du khách ưu ái đặt tên “Đà Lạt xứ Bắc”. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách “trốn nóng” trong những ngày hè oi ả sắp đến gần.

Với những du khách từ miền Nam ra Bắc, chắc hẳn nhiều bạn sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh mang đậm chất Tây Bắc như động Sơn Mộc Hương, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông, hang Dơi… Nếu yêu thích cắm trại, picnic, du khách có thể đến rừng thông trên những đồi thấp có quang cảnh đẹp và yên tĩnh. Khu rừng nằm trong thị trấn, đường đi lại thuận tiện.

Bên cạnh việc chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên, du khách còn có thể tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại đây. Du khách có thể đến khu Lóng Luông (xã Lóng Luông), Vân Hồ (xã Vân Hồ) của dân tộc Mông, và khu bản Áng (xã Đông Sang), bản Vặt (xã Mường Sang) của dân tộc Thái và tham gia ngày hội văn hóa của người Mông vào ngày 30/8 - 2/9 hàng năm.

Bãi biển Nhật Lệ cát trắng, nắng vàng (Quảng Bình)


Thuộc TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, biển Nhật Lệ tọa lạc tại cửa sông Nhật Lệ. Bãi biển Nhật Lệ được thiên nhiên ban tặng bãi cát trắng và nước biển trong xanh, còn mang vẻ hoang sơ. Với hàng dương lâu năm được trồng trên bờ tạo nên cảnh thi vị cho biển.

Địa hình bãi tắm nơi đây thoai thoải sâu và rất an toàn. Dạo chơi trên bãi cát trắng mịn và sạch sẽ chắc chắn sẽ mang lại cảm giác thú vị cho du khách khi từng đợt sóng dạt vào bờ, vuốt ve bàn chân rồi nhẹ nhàng rút đi sau khi đã xóa sạch những vết hằn một cách tài tình.

Khám phá đảo ngọc Lý Sơn (Quảng Ngãi)


Với địa chất, địa hình và cảnh quan nơi đây thì quả không ngoa khi nói đảo Lý Sơn được coi chính là đảo Jeju của Việt Nam vì theo những nhà khoa học cho hay thì đảo Lý Sơn được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa các đây hàng triệu năm…. Vào thời tiết ngày hè oi bức, khó chịu thì Lý Sơn chính là một trong những lựa chọn tuyệt vời nhất dành cho du khách. Đây cũng là khoảng thời gian thời tiết trên đảo đẹp nhất với nắng vàng và gió biển mát lộng.

Những bãi biển trên đảo Lý Sơn cũng rất đẹp với bãi cát dài trắng, nước biển trong veo… Ngoài ra với những dụng cụ lặn biển, du khách còn có cơ hội ngắm đàn cá tung tăng bơi lội, san hô màu sắc sặc sở, bắt ốc…. Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là một cảnh tượng hùng vĩ, một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông. Sẽ thật là tuyệt nếu bạn đến đây vào mùa trăng. Ngồi trên núi Thới Lới thưởng trăng, ngắm biển lung linh kì ảo ánh trăng, gió dịu dàng mang về hương đồng nội thơm ngát.

“Rủ nhau đi trốn” ở Mũi Né (Bình Thuận)


Khách du lịch Mũi Né ví nơi đây là nàng công chúa ngủ trong rừng. Địa danh Mũi Né đồng nghĩa với hình ảnh những cồn cát có một không hai các trong địa điểm du lịch Việt Nam. Mũi Né còn có nhiều bãi biển hoang sơ nguyên thủy, chưa có sự khai thác của con người, cảnh quan hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong lành, như bãi ông Địa, bãi Trước và bãi Sau.

Ngoàí các bãi biển và cồn cát, khu vực này còn có nhiều cảnh đẹp như suối Tiên, lầu ông Hoàng, tháp Chàm Pô-Sha-Nư… Dọc bãi cát ven biển là các làng du lịch, các khách sạn, biệt thự và nhiều công trình thể thao, giải trí.

Nguồn dantri

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Những cao nguyên đẹp mê hồn ở Việt Nam

Nếu muốn tận hưởng không khí trong lành và bình yên, hãy ghé thăm những cao nguyên đẹp nhất Việt Nam. Trải dài từ vùng cao phía Bắc đến miền đất đỏ Tây Nguyên hoang sơ, vùng cao nguyên sẽ là nơi cả đất trời hòa hợp và khiến bạn có một chuyến đi đáng nhớ.

Cao nguyên Đồng Văn


Cao nguyên Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.600 m so với mực nước biển. Đồng Văn là một trong những cao nguyên đẹp ở nước ta với 80% diện tích đá vôi với vô vàn mẫu hóa thạch có tuổi đời từ 400-600 triệu năm, rất có ích trong nghiên cứu khảo cổ.

Nằm cách thị xã Hà Giang 132 km, cao nguyên đá Đồng Văn thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Đồng Văn hấp dẫn bởi sự xanh mướt của núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở, và vô vàn mẫu hóa thạch có tuổi đời từ 400 - 600 triệu năm. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng, độc đáo trong bản sắc văn hóa do có đến 17 dân tộc thiểu số sinh sống tại đây.

Trập trùng những ngọn núi hiểm trở, ngút mắt những cánh đồng hoa đẹp ngỡ ngàng, choáng ngợp trước những thửa ruộng bậc thang mênh mông,… Cao nguyên đá vôi Đồng Văn chính là vùng đất mang cảnh sắc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam, chứa đựng dấu ấn về lịch sử hình thành và phát triển của vỏ trái đất.

Hãy chuẩn bị thật kỹ máy ảnh của mình trước khi đặt chân đến đây vì chắc chắn, bạn sẽ ấn tượng trước vẻ đẹp hùng vĩ của Đồng Văn và không nỡ bỏ qua bất kỳ góc chụp nào.

Cao nguyên Mộc Châu


Cao nguyên Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200 km, là một trong những điểm đến đẹp được nhiều du khách yêu thích bởi khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ.

Đến Mộc Châu bất kỳ thời điểm nào trong năm bạn cũng có thể được ngắm những cánh đồng hoa trải dài đến hút mắt. Mỗi mùa trong mang vẻ đẹp khác nhau tùy theo mùa của từng loại hoa nở nên bạn còn phải ghé thăm Mộc Châu nhiều lần nữa mới khám phá được hết cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc.

Đến Mộc Châu ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng, du khách còn được thưởng thức các đặc sản của người dân tộc miền núi như bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, khoai sọ mán, cải mèo,… ăn một lần là nhớ mãi.

Cao nguyên Lâm Viên


Cao nguyên Lâm Viên là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở Tây Nguyên bởi phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ.

Nơi đây có khá nhiều điểm dừng chân thú vị cho du khách như thành phố Đà Lạt với hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, các đỉnh núi cao như Lang Biang, Bi Doup… hay những ngọn thác lớn như thác Prenn, Gù Gà, thác Voi, thác Cam Ly…

Hàng năm vào tháng 11-12, mùa hoa dã quỳ nở rộ càng tô điểm thêm sắc vàng rực rỡ cho vùng cao nguyên xinh đẹp.

Cao nguyên Bắc Hà


Cao nguyên Bắc Hà hay còn gọi là cao nguyên trắng, nằm giữa 2 tỉnh Lào CaiHà Giang với diện tích trải dài ra các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần và Hoàng Su Phì.

Cao nguyên có độ cao trung bình 1.000 mét, cao nhất là đỉnh Kiều Liêu Ti. Cũng giống như Đồng Văn, cao nguyên Bắc Hà là cao nguyên đá vôi, nổi tiếng với giống mận Bắc Hà do đồng bào miền núi trồng. Nơi đây cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nổi bật là các phiên chợ Bắc Hà đầy màu sắc.

Ngoài ra, chợ phiên với đầy đủ những sản vật của đồng bào miền núi cũng là một điểm đến thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi có dịp đến đây.

Cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng)


Cao nguyên Lang Biang với độ cao trung bình khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Phía nam cao nguyên chính là thành phố Đà Lạt thơ mộng.

Cao nguyên Lang Biang sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng mà ai đến với Đà Lạt đều đã từng ghé qua như đỉnh núi Lang Biang, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, suối Vàng, thác Cam Ly, thác Prenn,…

Do đa dạng về địa hình, sinh học, dịch vụ du lịch chất lượng và khí hậu mát mẻ quanh năm, cao nguyên Lang Biang luôn khiến nhiều du khách đã đến đây đều muốn hẹn dịp trở lại lần nữa. Thời điểm lý tưởng để tham quan cao nguyên Lang Biang là vào cuối năm – đầu xuân để được “mãn nhãn” với ngàn hoa khoe sắc thắm.

Cao nguyên Di Linh


Cao nguyên Di Linh là một trong 2 cao nguyên bao phủ diện tích của tỉnh Lâm Đồng. Tuy không nổi tiếng như cao nguyên Lang Biang, nhưng nơi này mang trọn vẻ đẹp mộc mạc, chân chất của miền quê vùng cao vẫn chưa được du lịch hóa. Cao nguyên Di Linh có khí hậu mát mẻ, đồi núi trập trùng cùng những con đường quanh co, uốn lượn.

Đất đỏ bazan màu mỡ là điều kiện thuận lợi để trồng cà phê, chè cùng ruộng bậc thang. Vào mùa dã quỳ, đoạn qua đèo Phú Hiệp là một trong những cung đường được nhiều bạn trẻ đến săn ảnh.

Theo Vietnamnet