Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Phượt Tây Bắc với hành trình hơn 2.000 km bằng xe máy

Tròn một tháng kể từ ngày trải nghiệm chuyến Tây Bắc đáng nhớ trong đời sinh viên, những hình ảnh và cảm xúc vẫn mãi còn, như mới hôm qua vậy.


Chuyến đi nửa tháng với biết bao kỷ niệm, mặc dù còn nhiều nơi đoàn mình chưa có thời gian khám phá hết. Mình được ngủ nhà sàn, uống rượu cần và tham gia lửa trại của người Thái ở Mai Châu, đứng giữa đồi chè trái tim và đồi hoa cải ở Mộc Châu sống ảo. Trong hình là cảnh núi rừng hùng vĩ ở Lào Cai, đoạn đi từ Lào Cai qua Hà Giang.


Cả đoàn bắt gặp con thác tuyệt đẹp trên đường đi đoạn từ Si Ma Cai (Lào Cai) - Xín Mần - thị trấn Vinh Quang (Hà Giang). Thật sự ngày hôm đó cung đường của nhóm là đi từ Sa Pa - TP.Hà Giang nhưng đã đi lạc sang đường TL178 và TL177 (khu vực biên giới giáp Trung Quốc), vì vậy mới có cơ hội bắt gặp những cảnh rất đẹp như thế này.


Cảnh vật hoang sơ trên đường đi bộ tới tháp truyền hình Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đoạn đi tới tháp truyền hình khá vất vả (hơn 1.000 bậc), có thể nhìn bao quát xuống toàn cảnh thị trấn.


Miền Bắc rất khác với miền Nam, cả về cách làm Du lịch cũng như văn hóa sống. Tây Bắc thật sự là vùng đất khắc nghiệt và thách thức ý chí con người. Bọn mình kịp ghi lại cảnh những cô gái dân tộc trên đường làm nương về ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vào buổi chiều.


Một đêm lửa trại đáng nhớ với người Thái ở Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Cả đoàn được uống rượu cần, xem và hòa mình theo các điệu múa của người dân tộc Thái rất đẹp và đậm bản sắc văn hóa. Hôm đó rất vui. Chúng tôi cảm nhận con người dân tộc rất hiền và thân thiện.


Hình chụp trên đường đi từ thị trấn Bắc Yên đến Tà Xùa. Đoạn đường chỉ khoảng 10 km nhưng rất khó đi (mất hơn một tiếng mới tới). Đoàn mình đi từ 17h15. Hoàng hôn buông xuống, mọi người dừng xe giữa đèo và cùng tận hưởng bầu trời vàng rực sắp tắt dần.


Tranh thủ check-in giữa đồi chè trái tim ở Mộc Châu, Sơn La. Vì đang là mùa chè nên cảnh sắc ở đây rất tươi mát và an nhiên.


Những đứa trẻ đi học về, đoạn đường đến đỉnh Tà Xùa.


Hoàng hôn phủ bóng trên đèo Ô Quy Hồ, nơi mệnh danh là vua đèo miền Tây Bắc.


Mình tận hưởng ly cà phê sáng tại homestay ở tại bản Cát Cát, thị trấn Sa Pa. Ở chỗ uống cà phê này, mình có thể nhìn trực tiếp cảnh đồi núi và dãy Hoàng Liên Sơn được mây mù che phủ.


Thác Bạc là con thác nổi tiếng ở Sa Pa. Không khí miền Bắc dễ làm người ta mê mẩn: mát mẻ, hoang sơ và địa hình đầy thách thức. Bạn sẽ bắt gặp những cảnh vật mà chỉ có trên TV hay trong những giấc mơ của chính mình.


Điểm dừng chân trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đoàn mình có dịp thưởng thức món cơm lam với xiên thịt heo cải xanh ở đỉnh đèo. Trời khá lanh, tầm 10-13 độ C. Cơm lam dẻo và thơm, còn thịt heo được người dân tộc ướp hạt mắc khén nên ăn rất lạ miệng.


Biển mây bao phủ trên đỉnh Ô Quy Hồ.


Khung cảnh tấp nập trong phiên chợ Bắc Hà - chợ phiên lớn nhất vùng Tây Bắc.


Nụ cười vô tư của những đứa trẻ ở Xí Mần, Hà Giang. Một chuyến đi hay, và mở mang ra rất nhiều điều cho bản thân. Tuy nhiên, mình cảm thấy chưa trải nghiệm đủ đã và sâu ở đây, và nhất định mình sẽ quay lại.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Chuyến phượt đến vùng đất huyền thoại Bokor

Núi Tà Lơn mà người Campuchia gọi là Bokor từ lâu đã nổi tiếng về tâm linh với những ai tín ngưỡng huyền thuật ở khu vực Đông Nam Á.


Bokor cách thành phố Kampot khoảng 10km về hướng Tây Nam được hình thành từ ba quả núi, chóp núi luôn được bao phủ bởi những đám mây, càng tạo nên sự huyền bí. Chúng tôi đã một lần chiêm nghiệm bằng xe máy để có cái cảm nhận rõ ràng nhất về vẻ đẹp và lắng nghe những huyền thoại nơi đây.

Ngọn núi này được đặt tên Bokor bởi hình dạng của nó tựa như cái gù trên lưng con bò (Bokor theo tiếng Khmer có nghĩa là cái gù của con bò). Cao 1.079m, Bokor là đỉnh cao nhất của quần thể núi Tà Lơn trong Công viên quốc gia núi Bokor.

Theo truyền thuyết của người Khmer, núi Bokor được cai quản bởi một vị nữ thần tên là Veang Kh'mau (người Việt gọi là bà Mau). Trước đây, người quanh vùng chỉ biết hái lượm. Nhờ nàng Mau dạy trồng lúa nước nên cuộc sống không còn đói kém. Người dân tôn thờ nàng Mau trở thành thánh nữ đại diện cho lòng nhân ái mang lại hạnh phúc cho người dân Campuchia.


Đầu những năm 1920, Bokor được thực dân Pháp cho xây dựng hàng loạt các công trình: nhà thờ, bưu điện, trường học và hệ thống giải trí phức hợp gồm khách sạn và casino dành cho giới thượng lưu Pháp muốn tránh xa cái nóng của thủ đô Phnompenh. Những năm 50 và 60, giới Hoàng tộc như vua Sihanouk và giới thượng lưu Campuchia cũng chọn Bokor là nơi nghỉ mát và thư giãn.

Đây có thể được coi như một thời hoàng kim vàng son của Bokor trước khi bị bỏ hoang và trở nên điêu tàn vì sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên. Sự điêu tàn thể hiện rõ rệt trên những công trình, bức tường vôi vữa mục nát còn sót lại của Bokor ngày nay.

Du lịch đến Bokor là một trong những tour phổ biến nhất khi đến Kampot. Với khí hậu mát mẻ dao động từ 16 – 22 độ, Bokor được người dân Việt ví von như một “Đà Lạt của Campuchia”. Đến Bokor vào những ngày mưa, sương mù có thể dày đặc đến nỗi chỉ cách xa chừng 5-6m thì không gian trước mặt đã trở thành khoảng không mờ mờ ảo ảo.

Xem thêm: Du lịch Đầm Vân Long Ninh Bình


Để vào Công viên quốc gia Bokor, mỗi xe máy phải đóng phí là 2.000 riel và 15.000 riel cho xe ôtô được qui định rõ ràng. Từ chân núi lên đỉnh Bokor, du khách phải vượt đường đèo quanh co hơn 30km được xây dựng kiên cố bởi chính phủ Campuchia. Từ những con đường ấy, bạn có thể nhìn ngắm xa xa Vịnh Thái Lan và hòn đảo ngọc Phú Quốc của Việt Nam với những màn sương mù bao phủ thoắt ẩn thoắt hiện một cách kỳ diệu.

Vượt khoảng 16km đường đèo, bạn sẽ bắt gặp tượng nữ thần Veang Kh'mau cao khoảng 20m. Bất kỳ người dân mộ đạo nào khi hành hương lên đây điều ghé ngang để dâng hương hoặc khấn niệm cầu mong sự bình an và hạnh phúc với lòng tôn kính.

Điểm đến tiếp theo là Bokor Hill Station (trạm dừng chân đồi Bokor) do người Pháp xây dựng lừng lẫy một thời và đã bị chìm vào quên lãng sau những năm 70. Tận năm 1993, Công viên quốc gia Bokor mới được vua Monodom Sihanouk chú ý và cải tạo nơi đây thành khu du lịch sinh thái hàng đầu Campuchia.


Đặt chân đến Bokor Hill Station, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ với những phế tích đã nhuốm màu thời gian. Tâm điểm của Bokor Hill Station chính là phức hợp giải trí khách sạn và casino Bokor Palace Hotel.

Cách Bokor Palace Hotel không xa là ngôi chùa cổ Wat Sampov Pram mà những người cao niên mộ đạo gọi là chùa Năm Thuyền hoặc Nam Thiên. Theo tương truyền, ngôi chùa này ban đầu là một cái am nhỏ mà nhà vua Monivong xây dựng năm 1924 dành cho Hoàng tử Pre Thoong tu đạo.

Trong dự án xây dựng lại Công viên quốc gia Bokor, chính phủ Campuchia đã cho xây dựng Thansur Bokor Highland một chuỗi giải trí phức hợp gồm: casino, nhà hàng và khách sạn thay thế cho Bokor Palace Hotel mà Pháp đã xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Bokor phục vụ du khách ngoại cả ngày lẫn đêm cùng các dịch vụ cao cấp.

Xem thêm: Vẻ đẹp mộng mị trên hồ Nam Kar


Trên đường xuống núi, chúng tôi men theo bảng chỉ dẫn khoảng 4.8km về hướng Đống Bắc từ Bokor Hill Station đến với thác nước Povokvil gắn liền với những huyền thoại. Thác Povokvil vào mùa mưa, nước chảy rất mạnh và xoáy nên được khuyến cáo rất kỹ khi đến gần bờ của thác. Quang cảnh xung quanh thác là một tổ hợp của các dãy đá chất chồng lên nhau xen kẽ các loài thực vật xanh um tùm làm du khách phải trầm trồ trước cảnh đẹp hoang sơ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng nơi đây.

"Âm u, huyền bí nhưng vẫn đẹp đến nào lòng", đó là những gì mà người ta cảm nhận được khi đặt chân đến Bokor để rồi khi ra về, tạm biệt mảnh đất này trong lòng vẫn đầy vương vấn, nuối tiếc.

Độc giả JL Hạt Cà Phê

Theo Infonet, Zing

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Vẻ đẹp mộng mị trên hồ Nam Kar

Mang vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí cùng khí hậu quanh năm mát mẻ, hồ Nam Kar (Đắk Lắk) đang là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách tới khám phá.


Hồ Nam Kar nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên cùng tên, khu rừng đặc dụng của tỉnh Đắk Lắk.
Nhờ nét hoang sơ, huyền bí, Nam Kar đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách khám phá... đặc biệt là những du khách nước ngoài yêu thích tour du lịch sinh thái - văn hoá - dã ngoại. 


Đây cũng là hồ chứa nước của công trình thuỷ điện buôn Tua Srah. Hồ trải dài từ xã Nam Ka, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắk đến xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.


Khí hậu vùng này mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho việc tổ chức các tour du lịch sinh thái. Sương phủ kín hồ vào sáng sớm tạo nên khung cảnh mộng mị, bí ẩn.



Khi nước hồ dâng cao, làm cây chết khô, tạo nét đặc trưng riêng, là nguồn cảm hứng cho những ai thích chụp ảnh.


Khá nhiều phượt thủ đã tới đây ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp của hồ Nam Kar. Bình yên của một nhà bè buổi sáng sớm.

Theo zing

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Du lịch Đầm Vân Long Ninh Bình

Khu đất ngập nước Vân Long Ninh Bình

Nằm cách Hà Nội khoảng 80km, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Khu bảo tồn này nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.


Đầm Vân Long có một hệ sinh thái vô cùng phong phú và độc đáo. Nơi đây là nơi cư trú của nhiều hệ động thực vật, là nhà, là nơi kiếm ăn của Cá, Chim, Cò, trong đó phải kể đến sự sinh sống của hơn 40 loài Vooc mông trắng. Chúng sống trong các hang đá và ngày ngày ra ngoài kiếm ăn trên các ngọn núi đá cao, khuất tầm mắt của con người.


Ngoài các giá trị về hệ động thực vật học, Vân Long còn sở hữu những bức tranh phong cảnh thủy mặc đẹp tuyệt vời. Ngồi trên chiếc thuyền tre cũ, thong dong đi xuyên qua những khe núi, hai bên là những vạt cỏ cao, chen giữa là làn nước. Phong cảnh bình dị khiến mỗi con người đều cảm thấy thư thái và yên bình.

Xem thêm: Lịch trình phượt Nha Trang – Đà Lạt 5 ngày 4 đêm


Sau khi đi xuyên qua những ngọn núi bạn sẽ được ghé vào Hang Cá, một trong những hang đẹp nhất ở đây. Hang nằm dưới chân núi, xuyên thủng ngọn núi, sau khi đi qua hang sang bên kia thì bạn sẽ thấy một khung cảnh nên thơ hiện ra. Một thung lũng nhỏ, với núi bao quanh, bạn có thể thấy vài chú Vooc đang ngồi trên cây.

Nên đi Đầm Vân Long vào thời gian nào?


Thời gian thăm thú khu vực sinh Thái Vân Long khoảng 1 tiếng – 1,5 tiếng. Tùy vào tốc độ chèo của lái thuyền. Do thời gian thăm chỉ vào 1 buổi nên bạn có thể sắp xếp tùy theo lịch trình của bạn. Nếu đi vào chiều (khoảng 15h30 – 16h30) thì cơ hội được thấy Vooc và Cò bay về là cao hơn đi buổi sáng.

Đi đến Khu du lịch Đầm Vân Long như thế nào?

Từ Hà Nội bạn có thể đi xe khách ở bến xe Giáp Bát, tàu hỏa từ Ga Hà Nội. Nếu đi xe khách thì tới ngã 3 rẽ đi Vườn Quốc Gia Cúc Phương bạn bảo lái xe cho xuống xe, từ đây bạn phải đi xe ôm hoặc taxi để vào khu Vân Long. Đường đi vào Vân Long đều có biển chỉ dẫn cụ thể, nên nếu bạn tự lái xe thì cũng dễ dàng nhìn thấy.


Vân Long đi trong 1 buổi sáng hoặc chiều, do đó bạn có thể kết hợp đi với điểm Suối Khoáng Nóng Kênh Gà, hoặc Bái Đính. Ví dụ đi Bái Đính xong thì ăn trưa, chiều đi Vân Long. Hoặc đi Vân Long xong thì ăn trưa, chiều đi Kênh Gà (cũng chỉ là tắm khoáng thôi, không có gì hay khác).

Xem thêm: Tận hưởng cảm giác phượt đến cùng đỉnh núi Chứa Chan


Ngoài ra gần Khu ngập nước Vân Long có 1 resort mà nhiều gia đình hay ở là Emeralda, nếu bạn ở resort thì có thể đi Vân Long dễ dàng (đi bộ hoặc xe ôm). Tuy nhiên từ khu Emeralda này đi tới các điểm du lịch khác thì khá xa.

Giá vé thắng cảnh Vân Long


Giá vé trọn gói cả vé đò và vé tham quan năm 2014 là 45.000đ. Vé gửi xe máy là 5.000đ.
Lưu ý thêm:
Bạn nên mang theo Ô (dù) mũ nón. Vì đi trời nắng sẽ rất oi bức, nhất là trẻ em nếu không có mũ áo thì về dễ ốm.
Nên đi thuyền 3 – 4 người, đi nhiều hơn sẽ không an toàn. Trên thuyền sẽ không có áo phao, nên nếu bạn cần áo phao thì hỏi chỗ quầy bán vé trước khi lên thuyền.
Vui vẻ với lái thuyền, vì họ sẽ giúp bạn đi đủ các điểm trong khu Vân Long. Khi đi về nên tips cho họ khoảng 40.000 – 50.000/thuyền.

Theo Toidi

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Hành trình 6 ngày lang thang Myanmar của cô bạn 9x

Cùng lắng nghe cô bạn Nguyễn Bảo Hoài (sinh năm 1992) chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Myanmar tự túc cùng nhóm bạn trong 6 ngày.


Cô bạn Nguyễn Bảo Hoài vừa qua đã có chuyến du lịch tới Myanmar cùng 2 người bạn của mình. Chuyến đi 6 ngày tới các điểm Yangon, Bagan và hồ Inle quả thực để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ.

Cùng theo chân cô bạn Bảo Hoài để khám phá hành trình du lịch Myanmar đầy thú vị. Trong những chia sẻ của mình, Bảo Hoài cũng ghi lại rất nhiều kinh nghiệm du lịch Myanmar hữu ích cho các bạn muốn tự thực hiện chuyến đi của mình trong tương lai.


Chuẩn bị trước chuyến đi

– Các bạn không cần lo lắng về bất đồng ngôn ngữ, vì tất cả những người cung cấp dịch vụ ở Myanmar đều nói tiếng Anh tốt.

– Đồ ăn uống và giá dịch vụ ở Myanmar nhìn chung rẻ hơn ở Việt Nam, đặc biệt là giá taxi rất rẻ. Vì vậy nếu thấy mức giá nào cao ngang Việt Nam hoặc cao hơn thì tức là bạn đang bị nói thách.

– Riêng giá khách sạn ở Myanmar lại đắt hơn ở Việt Nam khá nhiều. Đối với các phòng giá 1 triệu/đêm ở Myanmar chỉ tương đương mức giá 450.000VND/đêm ở Việt Nam. Ở Myanmar cũng có hostel, nếu muốn tiết kiệm chi phí bạn có thể lựa chọn loại hình này.

– Tỉ giá 1 kyat myanmar = 17,75 đồng Việt Nam. 1.000 kyat =17.500VND. Bạn đổi trước tiền Việt sang đô, rồi khi sang sân bay ở Myanmar thì đổi từ đô ra kyat.

– Bạn nên đặt trước khách sạn tại các địa điểm. Lựa chọn các khách sạn bao gồm ăn sáng để tiết kiệm chi phí hơn.

– Nên mang mũ nón, kem chống nắng vì ở Myanmar buổi trưa khá nắng.

– Mặc dù đến nơi bạn đặt vé xe bus cũng được nhưng theo mình bạn nên đặt trước để có chỗ tốt hơn (ở Myanmar hay đi JJ express). Có nhiều loại giá tương ứng với xe giường nằm hoặc ghế ngồi, dao đồng từ 12.000 – 22.000kyat/người.

– Nên mang một cái áo khoác vì trên xe và sáng sớm ở Myanmar rất lạnh.

– Nên mặc váy dài, quần dài quá gối, không mặc quần rách… Nếu không sẽ không được vào chùa.



Lịch trình 6 ngày tới 3 địa điểm ở Myanmar: Yangon – Bagan – Inle

Ngày 1: Yangon

Đây là thành phố lớn nhất ở Myanmar. Ở đây hệ thống xe bus khá cũ kĩ, nên đi taxi là an toàn nhất. Vì vậy, sau khi làm thủ tục nhập cảnh và đổi tiền thì bọn mình tìm một chú tài xế biết tiếng Anh. 3 đứa quyết định thuê xe trọn gói cả buổi chiều luôn để chú chở đi chơi quanh Yangon.


Ở Yangon, nhóm mình chỉ đi thăm chùa và đi siêu thị mua quà. Ngôi chùa nổi tiếng và đẹp nhất ở Yangon là Shwedagon Pagoda. Bạn nên đi chùa Shwedagon lúc chiều tối, khoảng 5h30-6h30 để ngắm hoàng hôn, nghe cầu nguyện trong tiếng chuông chùa âm vang. Đó đều là những khoảnh khắc cực đẹp và ý nghĩa.

Khoảng 7h tối, bọn mình ra bến xe Aung Migalar để đi Bagan bằng xe khách ban đêm.

Tổng chi phí ngày 1 là: 113400kyat/3người.

Ngày 2,3: Bagan

Từ Yangon đến Bagan đi mất khoảng 10 tiếng ô tô, bọn tớ ngủ trên ô tô luôn. Sáng hôm sau xe tới Bagan. Khi xuống xe bạn nhớ vào quầy vé để mua vé đi hồ Inle luôn, hoặc mua vé điểm tiếp theo nếu lịch trình của bạn khác.

Bọn mình ở khách sạn Sky view Hotel, phòng ở sạch đẹp, nhân viên dễ thương. Ở đây cũng có sẵn xe đạp và xe điện cho thuê luôn. Vậy là thuê xe và lên đường khám phá Bagan thôi.


Bagan là thành phố cổ của Myanmar. Trước kia, nơi đây có đến trên 10.000 ngôi chùa, nhưng giờ chỉ còn khoảng 3.000. Thành phố Bagan rất nhỏ, thuê xe điện chạy loanh quanh một hồi là hết. Khác với những ngôi chùa hoành tráng dát vàng ở Yangon, các ngôi chùa ở Bagan khá nhỏ nhưng lại mang đến vẻ đẹp cổ kính, yên bình rất riêng.

Bagan với không khí êm ả tuyệt vời. Trong 3 thành phố của Myanmar mà mình ghé thăm lần này thì mình thích Bagan nhất. Cảm giác chạy xe điện khắp các con đường ngoằn ngoèo, tự do đi bất cứ nơi đâu mình thích mà chẳng cần lên kế hoạch trước. Bất chợt, ở vài ngã rẽ bạn lại phát hiện ra một ngôi chùa cổ xinh đẹp. Khi đã mệt, bạn có thể ghé vào lán ngồi nghỉ. Ở Bagan có rất nhiều những lán nghỉ như thế này. Lán nằm ngay dưới tàng cây râm mát, có cả nước sạch miễn phí để uống ngay cạnh.


Trong một lần đi loanh quanh thám hiểm Bagan, bọn mình đã gặp em Song Song (tên em theo tiếng Myanmar nghĩa là bài hát). Em ở trong một ngôi nhà lụp xụp cạnh ngôi chùa đánh số 1778. Song Song rất hiền và dễ thương. Em đã tình nguyện dẫn cả 3 đứa đi loanh quanh Bagan cả ngày. Nếu đến Bagan mà muốn có tour guide dễ thương hiền lành, mọi người thử tìm em ấy nhé. Nhớ mang bánh gạo tặng em ấy vì Song Song rất thích ăn món này.

Buổi trưa Song Song dẫn bọn mình vào một quán ăn tên là Yanpri, gần chùa Ananda. Tầm chiều tối thì bọn tớ đến chùa Trắng (White Pagoda) để ngắm hoàng hôn.


Ngày thứ 2 ở Bagan, bọn mình đã định dậy sớm ngắm bình minh nhưng buổi sáng hôm đó trời mưa khá lớn. Thời tiết tháng 10 ở đây là vậy, tối và sáng sớm nhiều mây và mưa to, còn đến 10h trời lại nắng rất đẹp. Bọn mình tiếp tục thuê xe máy điện chạy lòng vòng và khám phá cho hết Bagan. Đến Bagan, các bạn cũng nên tự khám phá để có những trải nghiệm bất ngờ và khó quên như mình.

Chi phí 2 ngày ở Bagan: 92800kyat/3 người.

Ngày 4,5: Hồ Inle

Đi từ Bagan đến Inle cũng mất 10-12 tiếng, các bạn lên xe ngủ một giấc là sáng hôm sau tới nơi. Tại Inle, bọn mình ở Inle Apex Hote. Khách sạn có dịch vụ tốt, nhân viên cũng dễ thương. Bữa sáng khách sạn kiểu buffet, có cả đồ Tây và đồ ăn truyền thống Myanmar. Ở khách sạn cũng cho thuê thuyền kèm người chở luôn. Bọn mình thuê một thuyền giá 35000kyat/3 người cho cả ngày.


Hồ Inle rất đặc biệt, tại đây phần lớn cư dấn sống trên các đảo nổi giữa hồ. Xung quanh, nước mênh mông, rộng bát ngát. Người ta làm nhà, dựng chùa ở trên sông nên di chuyển đều bằng thuyền bè. Thậm chí họ còn buôn bán ở trên thuyền như chợ nổi ấy. Bọn mình được dẫn đi chùa, tham quan các làng nghề về gỗ, dệt vải, đồ bạc, làm giấy… Các sản phẩm thủ công vô cùng xinh xắn, mình cũng đã mang về được kha khá đồ dù giá không rẻ lắm.

Buổi trưa bọn mình ăn ở một nhà hàng trên sông. Món mình thích nhất ở đây là cá sốt cà chua, rất tươi ngon. Ngoài ra, đồ ăn còn có mỳ Shan kiểu Myanmar hoặc cơm Shan, súp kiểu Myanmar, đồ nướng… Mỗi thứ bọn mình thử một chút, cũng thấy ẩm thực của Myanmar đa dạng, nhưng thực sự vẫn không bằng đồ ăn Việt Nam.

Ngắm hoàng hôn trên hồ Inle là một cảm giác khác hẳn với ngắm hoàng hôn ở Bagan. Nếu Bagan là vẻ cổ kính u trầm thì Inle lại là cảm giác thoáng đãng mát mẻ. Nhìn ánh chiều buông xuống mặt hồ mênh mộng quả thực đẹp không kể xiết.


Hôm sau bọn mình thuê xe đạp đi lên đồi Red Mountain (Núi Đỏ) và Cầu Dài. Các bạn có thể hỏi nhân viên khách sạn chỉ đường.

Cảm giác khó tả khi lần đầu tiên đạp xe tới 20 cây số đối với một con bé chỉ quen đi lại bằng xe máy như mình. Chân mỏi nhừ, hơi thở dồn dập, nhất là những lúc lên dốc, đổi lại cảm giác vô cùng tuyệt vời bởi cảnh đẹp nơi đây. Lên tới trang trại rượu vang Núi Đỏ, bọn mình nếm thử rượu, ngắm cảnh rồi tiếp tục hành trình.

Sau khi xuống đồi, bọn mình tự thưởng cho bản thân một bữa no nê rồi lại tiếp tục đạp xe tới Cầu Dài. Tại đây, chúng mình đi thuyền sang bên kia sông rồi lại đạp xe về khách sạn. Như vậy là đã thực hiện được một vòng quanh Inle. Tuy nhiên do không đủ thời gian đi thuyền, nên mình phải thay đổi kế hoạch chỉ chơi một lúc rồi đạp xe về khách sạn theo đường cũ.

Đúng 17h, xe đón cả 3 đứa về lại Yagon. Chi phí 2 ngày ở Inle là 84900kyat/3 người.


Ngày 6: Yangon

Sau hành trình 12 tiếng, bọn mình quay trở lại Yangon. Cả nhóm tới siêu thị để mua đồ về làm quà. Mình lựa chọn mua khá nhiều gia vị vì các loại gia vị ở đây rất đa dạng (giống Ấn Độ) và rẻ.

Khoảng 10h, bọn mình bắt taxi ra sân bay để làm thủ tục check in. 13h lên máy bay về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình 6 ngày đáng nhớ.

Cả chuyến đi mình tiêu hết hơn 6 triệu (tiền tiêu chung chia ra 5 triệu/người và còn lại là tiền quà bánh). Ngoài ra vé máy bay khứ hồi 4 chặng, Hà Nội – TP HCM và TP HCM – Yangon là 2,5 triệu. Như vậy tổng chuyến đi là 8,5 triệu.

Những kinh nghiệm du lịch Myanmar của cô bạn Bảo Hoài quả thực vô cùng thú vị. Mảnh đấy Myanmar ẩn chứa nhiều điều huyền bị hấp dẫn, không chỉ bởi những công trình cổ kính mà còn cả văn hóa và con người. Nếu cũng yêu đất nước này như Bảo Hoài, bạn có thể thực hiện chuyến đi cho riêng mình. Thời điểm du lịch Myanmar đẹp nhất là từ tháng 11 tới tháng 2 năm sau với thời tiết mát mẻ và không có mưa nhiều.







Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Tận hưởng cảm giác phượt đến cùng đỉnh núi Chứa Chan

Vì Chứa Chan là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời tại đây.


Cựa mình, thấy người đau ê ẩm, 2 chân mỏi rã rời, mắt nhắm mắt mở quơ tay tìm chiếc điện thoại tôi bỗng giật mình vì chạm phải thứ gì đó mát lạnh. Ngồi bật giậy, vội vã kéo roẹt một đường khóa thật dài trên tấm lều, một cơn gió buốt lạnh phả vào mặt, một đám sương trắng xóa cũng ùa theo sau. Thì ra cả đêm qua, chúng vởn quanh chiếc lều làm ướt đẫm cả bề mặt chỉ chực chờ chúng tôi thức giấc và đón lấy.


Sau khoảng 3 giờ đồng hồ lặn lội trong bóng tối, dầm mình dưới cơn mưa phùn và len lỏi qua những bụi lau, rừng trúc rậm rạp, đúng khoảng 12h đêm nhóm chúng tôi cũng đặt chân lên đến đỉnh của ngọn núi cao thứ 2 Đông Nam Bộ - núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Xem thêm: Lịch trình phượt Nha Trang – Đà Lạt 5 ngày 4 đêm


Chứa Chan là ngọn núi không còn mấy xa lạ đối với dân “phượt”, dân leo núi. Tuy nhiên chính vì nó là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều những trải nghiệm tuyệt vời tại đây. Thay vì leo ban ngày, nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình của mình vào khoảng 21h, vừa lúc trời mát, có chút mưa và đặc biệt trên những chặng dừng chân, có thể ngắm thị trấn lung linh ánh đèn như một bầu trời sao dưới mặt đất.


Lần theo đường cột điện chúng tôi có mặt trên đỉnh núi vào đúng khoảng 12h đêm. Mệt rã rời, đói quay quắt, nhưng ai cũng vui mừng hớn hở vì đã chinh phục được đích đến. Người phát quang, tìm chỗ trống để dựng lều, người nhóm bếp, chuẩn bị đồ ăn, chẳng mấy chốc mà một bữa tiệc đêm “thịnh soạn” trên đỉnh núi với gà nướng, rượu vang, vài cây xúc xích, quả trứng gà... đã sẵn sàng.


Tiếng than nổ lép bép, ấm áp, mùi gà nướng thơm lừng, ngụm rượu vang nồng nàn. Chúng tôi quên đi những mệt mỏi ban ngày, quên đi phút giây nhộn nhịp thường ngày ở phố xá mà “say” với bạn bè, với thiên nhiên trong lành, tuyệt diệu. Không gì tuyệt vời bằng cảm giác buổi sáng được thức giấc ở một nơi thật xa. Đứng ở đỉnh núi với độ cao 840 m, hơn 7h rồi mà vẫn chưa thấy mặt trời.


Thế nhưng những màn sương dày đặc, trắng muốt cứ thoắt ẩn thoắt hiện, mơn man trên những đám cỏ lau xanh biếc, thi thoảng lại có cơn gió thu lạnh, rùng mình lướt qua mà khoan khoái thấy lạ. Cũng do đêm qua lên núi trễ mà cả nhóm phải leo lên vị trí cao nhất mới có chỗ để dựng lều, cuối tuần nên có nhiều nhóm leo núi khá đông, kết quả là sáng mai mở mắt, cả một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời hiện ra trước mặt.


Giờ đang là mùa mưa, cỏ cây vì thế cũng tốt tươi và xanh mướt hơn, sương giăng giày hơn, gió lạnh hơn và cảm giác cũng thích thú hơn... Tìm đến một tảng tá thật to, len giữa những đám cỏ bông lau rậm rạp, chúng tôi tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất nơi đây.


Đêm qua còn ít than sót lại sau khi nướng gà, nhóm dồn cẩn thận vào góc đá, thêm vài nắm gạo, chai nước lọc mang theo, “chị nuôi” của nhóm đã chuẩn bị một nồi cháo gà nóng hổi được hầm nguyên đêm cho bữa sáng. Để tạo không khí “sang chảnh’, chúng tôi bày biện một chiếc bàn ăn bằng đá, đặt lên đó ly rượu vang, trái táo, rồi bữa sáng còn có thêm cả bánh mì và trứng ốp la ngon lành.

Xem thêm: Đến Bình Liêu để chạm tay vào 'cột mốc thiên đường'


Người dùng chén nhựa, người dùng nắp xoong hay chiếc chảo nhỏ để ăn, vừa ăn vừa tám chuyện, cười khúc khích, đó là một trong số những bữa ăn đặc biệt của chúng tôi, bữa ăn đáng nhớ của tuổi trẻ ở một nơi thật cao và thật xa... Ăn sáng xong cả nhóm thu gom đồ đạc, lều võng gấp gọn gàng, rác, túi nilon, chai nhựa đều được chúng tôi gom lại và quảy mang theo trên hành trình xuống núi.


Dân leo núi Chứa Chan có câu quen thuộc: “Lên cột, xuống chùa”, chỉ việc lúc leo lên thì đi đường cột điện, còn khi xuống sẽ men theo con đường cỏ lau rậm rạp rồi ngang qua chùa Bửu Quang, theo các bậc thang đi xuống Lâm Sơn Cổ Tự, nơi có cây đa 3 gốc 1 ngọn cổ thụ linh liêng. Xuống đến chùa cũng vừa đến chân núi. Do vừa đi vừa nghỉ ngơi, thưởng ngoạn nên lúc này trời cũng đã nhá nhem, chúng tôi vội vã trở về điểm gửi xe, chuyến đi kết thúc tốt đẹp hơn cả mong đợi.

Theo Thanh Sơn Thủy / Infonet