Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Phượt Côn Đảo - rong chơi thiên đường nơi trần gian

Là quần đảo duy nhất nằm ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc cách Vũng Tàu 180 km, Côn Đảo ngày nay được biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng nơi trần gian khi sở hữu hơn 200km đường bờ biển với những tắm đẹp và hoang sơ, làn nước trong xanh, những rạng san hô đầy màu sắc. Tuy nhiên Côn Đảo còn có nhiều hơn thế để khám phá.

1. Thời gian thích hợp cho chuyến phượt Côn Đảo

Côn Đảo có khí hậu nhiệt đới: từ tháng 11 tới tháng 4 là mùa khô ở Côn Đảo, trời có gió mùa Đông Bắc; từ tháng 5 tới tháng 10 là mùa mưa có gió mùa Tây Nam. Từ tháng 10 đến hết tháng 2 là thời gian biển động, đi lại khó khăn và các chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo khá đắt đỏ. Bạn nên đi bằng máy bay nếu muốn đến Côn Đảo vào thời gian này.


Từ tháng 3 đến tháng tháng 9 là thời gian đẹp để phượt Côn Đảo (đẹp nhất là từ tháng 3 tới tháng 5) vì thời gian này biển êm sóng, có mưa nhưng thời gian mưa ngắn, chỉ 1 vài tiếng trong ngày. Nếu đến Côn Đảo vào thời gian này có thể đi máy bay hoặc tàu.

2. Phương tiện đến Côn Đảo


Nằm cách Vũng Tàu 180 km đường biển, Côn Đảo là đảo ngoài khơi xa nên chỉ có 2 cách đưa bạn tới Côn Đảo:

Đi bằng máy bay

Từ TpHCM: sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Cỏ Ống, Côn Sơn (Côn Đảo). Thời gian bay khoảng 45 phút của hãng Vasco hoặc Airmekong, Vietnam Airlines. Bạn cũng có thể đi từ sân bay Nội Bài/ sân bay Cần Thơ đi Côn Đảo.

Đi bằng tàu

Để tiết kiệm chi phí cho chuyến phượt bạn có thể tới Côn Đảo bằng tàu khách. Hiện có 2 tàu chở khách ra Côn Đảo: Tàu Côn Đảo 09 có sức chứa khoảng 238 giường, là những phòng tập thể trên 30 giường/phòng. Tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường. Phòng từ 6 giường đến 10 giường. Tàu chỉ hoạt động trong điều kiện thời tiết tốt.

Nếu bị say tàu bạn nên mua vé nằm tầng hầm dưới khoang giữa dù hơi ngột ngạt nhớ nằm nghiêng và co người lại. Tàu CD09 chở hàng thì tàu ít lắc lư hơn tàu CD10. Căn-tin nhỏ trên tàu chỉ phục vụ các loại nước uống đóng chai, mì tôm và các loại bim bim nên cần chuẩn bị sẵn đồ ăn tối.

Tàu thường khởi hành lúc 17h00 từ cảng Cát Lở, Tp.Vũng Tàu, chạy đến 5h00 sáng hôm sau thì đến cảng Bến Đầm, Côn Đảo và ngược lại. Từ cảng Bến Đầm đi vào trung tâm thị trấn Côn Sơn còn khoảng 12km nữa.

3. Phương tiện di chuyển trên Côn Đảo


Di chuyển từ bến tàu/sân bay vào trung tâm đảo Côn Lôn, nếu đi đông theo nhóm, bạn có thể thuê taxi cho rẻ.

Nếu đi bằng tàu thủy, bạn có thể mang theo xe máy lên tàu (trên đảo an ninh rất tốt nên không lo mất xe), khi tới đảo dùng xe máy làm phương tiện di chuyển, các đoàn phượt cũng thường đi theo cách này. Lưu ý nếu bạn mang xe máy lên tàu thì phải tháo hết xăng xe ra trước khi cho lên boong và cột dây xe chắc chắn an toàn (yên tâm lúc hạ xe xuống bến bạn sẽ được trả lại xăng).

Nếu không bạn có thể thuê xe máy để đi tự do chỉ với trên dưới 120.000/ngày/xe hoặc 30.000/giờ. Vì cả đảo chỉ có 1 cây xăng nên bạn cần kiểm tra kĩ bình xăng trước khi lên đường . Nếu đi một mình bạn cũng có thể thuê xe ôm theo tuyến bạn chọn họ sẽ phục vụ bạn với giá khoảng 300.000 nghìn/ngày. Ngoài ra ở Côn Đảo cũng có dịch vụ cho thuê xe đạp với giá khoảng 30.000 nghìn/ngày. 

Côn Đảo còn có các hòn đảo xung quanh bạn có thể khám phá bằng cách thuê thuyền hoặc cano với giá thuê khoảng 5 triệu đồng cho một chiếc thuyền chở 20 người sáng đi chiều về. Nếu muốn qua đêm tại các đảo bạn có thể thỏa thuận thêm.


4. Những địa điểm tham quan thú vị cho chuyến phượt Côn Đảo


Để chuyến phượt Côn Đảo thêm hiệu quả và ý nghĩa, bạn có thể lên trước lịch trình khám phá Côn Đảo trong thời gian từ 2 – 3 ngày gắn liền với việc khám phá các địa danh:

- Dinh Chúa Đảo: Dinh Chúa Đảo là phòng trưng bày của bảo tàng Côn Đảo. Ở đây bạn sẽ được nhận huy hiệu của di tích, nghe thuyết minh về hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo. Sau đó lần lượt đến tham quan từng điểm di tích nổi bật: Trại Phú Hải: trại giam lớn nhất và cổ nhất; Chuồng Cọp Pháp - Mỹ: trại giam nổi tiếng khắc nghiệt nhất; khu biệt lập Chuồng Bò - di tích bãi sọ người: hầm tra tấn - nghĩa địa đầu tiên trên đảo; viếng nghĩa trang Hàng Dương - Mộ Cụ Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu; thăm An Sơn Miếu - nơi thờ Thứ Phi Hoàng Phi Yến vợ Chúa Nguyễn Ánh

- Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh: một chiếc cầu chứng kiến về việc lao động khổ sai của người tù

- Khám phá rừng nguyên sinh Sở Rẫy - Bãi Ông Đụng với những âm thanh khung cảnh diệu kì của thiên nhiên Côn Đảo. Hoạt động khám phá rừng nguyên sinh khá thú vị, bạn nên chuẩn bị giày cao cổ nếu muốn vào tham gia. Nên chuẩn bị thuốc chống dị ứng, các loại thuốc cá nhân hay dùng, một số đồ ăn liền để nạp thêm năng lượng do mua sắm ở Côn Đảo khá mất công, bạn nên mang theo để chủ động.

- Leo núi Thánh: với độ cao 577m lên Núi Thánh bạn sẽ ngắm được toàn cảnh Côn Đảo và thưởng thức không khí cực kỳ mát mẻ trên này. Bạn có thể lên núi được bằng xe gắn máy. Đây cũng là hoạt động khiến cho chuyến phượt Côn Đảo của bạn trở nên thú vị hơn.

- Tắm biển tại Bãi Đầm Trầu, bãi tắm hoang sơ đẹp nhất Côn Đảo với biển đẹp thơ mộng, thiên nhiên hùng vĩ (trước khi đến Bãi Đầm Trầu bạn có thể ngang qua Miếu Cậu, thờ Hoàng Tử Hội An con của Chúa Nguyễn Ánh và Thứ Phi Hoàng Phi Yến)

- Tham quan khu vực Cảng Bến Đầm với các địa danh Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu, Bãi Nhát (bãi vượt ngục)

- Bạn có thể thuê thuyền ra đảo xem san hô, tắm biển, câu cá, xem rùa: Hòn Cau - Bảy Cạnh - Vịnh Đầm Tre - Hòn Tài

Các hoạt động vui chơi về đêm ở Côn Đảo còn ít và khá hạn chế. Nếu đi tập thể, tối đến các bạn có thể giao lưu lửa trại, văn nghệ tại bãi biển ở trung tâm; hoặc có thể giao lưu với đoàn viên thanh niên của đảo hoặc với các lính đảo. Nếu phượt một mình bạn có thể dành thời gian nghỉ ngơi khám phá Côn đảo còn rất hoang sơ.

5. Ăn uống tại Côn Đảo


Dịch vụ ăn uống tại Côn Đảo khá đắt, quán ăn cũng không có nhiều. Quán ăn nổi tiếng thì có quán Tri Kỷ (Khu 5, đường Nguyễn Đức Thuận) và quán Thu Ba (ngay chợ Côn Đảo - Võ Thị Sáu), một đĩa Ốc vú nàng ở đây giá rơi vào khoảng 120 đến 150 nghìn. Bạn cũng có thể tham khảo quán ăn bình dân như quán Gia Đình đường Trần Phú, quán Dê Lang Thang đường Võ Thị Sáu, một vài quán ăn trên đường Nguyễn Huệ.

Ăn tối bạn có thể đến với khu chợ đêm Côn Đảo có khá nhiều hàng quán đã được mở với bún phở hải sản…giá chỉ rơi vào khoảng 20.000 đến 50.000/suất tùy món ăn. Nếu muốn ăn cơm bụi, bạn có thể tới khu vực chợ Côn Đảo. Dù là chi phí ăn uống đắt đỏ nhưng có một đặc điểm là các quán ăn Côn Đảo đều cho trà đá miễn phí.

Đặc sản Côn Đảo thì có ốc vú nàng và mứt hạt bàng. Ốc vú nàng có thể nướng, luộc, ăn gỏi đều ngon tuyệt vời. Ốc vú nàng ở Côn Đảo có quanh năm và nhiều nhất vào những ngày trăng tròn. Mứt hạt bàng là một món ăn độc đáo làm từ hạt của cây bàng – loài cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người Côn Đảo. Vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng ở đầu lưỡi, mang đến một món mứt vừa ngon lại rất lạ rất đặc trưng Côn Đảo.

Côn Đảo không phong phú về các món ăn hải sản như các nơi khác nhưng cũng không ít các món ngon và nguồn hải sản đặc biệt tại xứ đảo như cá khô xủng sỉnh, ghẹ, cua mặt trăng, nghêu Côn Đảo, tôm hùm, tôm mú ni, cá mú sao đỏ, mú đen, cá thu, mực tươi, mực một nắng, mực dẻo, cá thu một nắng…

Nếu bạn đi theo nhóm đông, khách sạn có cho mượn đồ để nấu nướng, bạn có thể mua mực tươi về tự chế biến. Buổi sáng chịu khó dậy sớm ra cầu tàu du lịch ở đối diện nhà khách Phi Yến hoặc khu bãi biển trước Côn Đảo Camping để săn các tàu câu mực ban đêm họ về đậu ở đây. Giá cả rẻ hơn mấy chục nghìn mà lại được mua mực tươi "chính chủ".

Nguồn: Theo Nắng Mai – Mytour

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Khám phá Kê Gà – Ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

Cách thành phố Phan Thiết khoảng 20 km về phía Nam, mũi Kê Gà mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình với biển xanh, nắng vàng khiến các “phượt thủ” không thể ngồi yên.


Mũi Kê Gà thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nếu bạn là một người đam mê du lịch bụi, hành trình bằng xe máy bạn sẽ cảm thấy cực “phiêu” với cung đường đầy nắng gió, một bên là biển một bên là núi, bên là rừng điều và thanh long. Từ TP.HCM, có 2 cách để đến Mũi Kê Gà: đi QL1A rồi rẽ vào đường tỉnh 712 (trạm thu phí Sông Phan); đến TP.Bà Rịa, theo Quốc lộ 55, rẽ vào đường tỉnh 719.


Trên đường, bạn có thể ghé vài chỗ tham quan khá thú vị như dinh Thầy Thím, suối nước nóng Bình Châu, Khu du lịch núi Tà Cú… Bên cạnh đó, bạn sẽ được thỏa mãn mắt nhìn với khung cảnh đặc trưng của Bình Thuận. Này là những dải đồi cát nối tiếp nhau, kia là vườn thanh long dài tít trong nắng gắt.


Đến mũi Kê Gà, các bạn có thể cảm nhận vẻ bao la, hùng vĩ của thiên nhiên. Cảnh vật trước mắt không ngừng biến đổi: từ rừng cây um tùm chuyển thành những bụi thanh long sum suê, xanh mướt, thẳng hàng thẳng lối bên sườn đồi đến dãy núi phủ đầy cát trắng. Biển Kê Gà yên bình với từng cơn gió trong lành và hương vị mằn mặn từ biển cả.


Màu xanh dứa dại, màu xanh của biển cả hòa với màu xanh của mây trời. Điểm xuyết trong những sắc xanh còn có các áng mây trắng lãng đãng trôi, bờ cát trắng mịn và bãi đá hoa cương lấp lánh sắc màu.


Từng con thuyền của ngư dân như tô điểm thêm cho cảnh sắc nơi đây thêm quyến rũ.


Điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Mũi Kê Gà là ngọn hải đăng Kê Gà. Ngọn hải đăng này do người Pháp xây dựng năm 1897, khánh thành năm 1899 – được xem là ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.

Ngọn hải đăng nằm trên đảo Kê Gà, cách đất liền không xa, các bạn có thể thuê thuyền để ra đây. Ngọn hải đăng có dáng đứng mạnh mẽ, cao vút vươn mình trong nền trời xanh ngắt, hòa cùng sắc vàng của tầng lớp đá hoa cương mang đến vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ.


Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Có giả thiết cho rằng, sở dĩ hải đăng này có tên gọi Khe Gà hay Kê Gà là vì mũi đất nơi đây có khe giống đầu mỏ của con gà.


Mũi Kê Gà hầu như không nằm trong các tour du lịch, nơi đây chủ yếu nằm trong “tầm ngắm” của dân mê du lịch bụi. Không ồn ào, náo nhiệt, nhưng chính vẻ đẹp bình dị, hoang sơ là điểm thu hút của biển trời nơi đây.

Nơi ấy, chỉ có “biển một bên và em một bên”, đẹp diệu kỳ… Hơn nữa, để chuyến đi thêm ý nghĩa, hãy có một hành trình thật xanh bạn nhé, đừng để lại gì ngoài những dấu chân và thật nhiều bức ảnh.

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Phượt về Côn Đảo tháng 7

Côn Đảo là một trong những địa danh mà tôi xác định phải đến thăm ít nhất một lần trong đời. Giữa tháng 7 năm 2012, ước mơ của tôi đã thành hiện thực, một chuyến đi với rất nhiều cảm xúc thú vị.


Chỉ mất khoảng 30 phút bay từ TP.HCM, chúng tôi đã có mặt ở Côn Đảo – nơi được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới năm 2011. Cũng vào cuối năm 2011, đại gia đình Angelina Jolie - Brad Pitt đã chọn nơi đây để nghỉ dưỡng.

Hòn đảo này còn khá hoang sơ với chỉ khoảng 6.000 dân, phần lớn sống tập trung quanh khu vực thị trấn Côn Đảo. Dân cư thưa thớt nên môi trường tự nhiên ở đây còn rất trong lành. Những đợt gió biển nhè nhẹ tươi mới lùa vào người tạo cảm giác mát rượi sảng khoái. Hòn đảo du lịch này có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp với nước biển trong xanh ôm lấy bờ cát trải dài trắng mịn.


Chính vì những lợi thế đó, Côn Đảo được xem là thiên đường nghỉ dưỡng.


Trên đảo còn có hồ nước ngọt rất rộng với nhiều hoa sen. Sen ở đây gồm cả loại sen thường và một loại mà theo tôi được biết là rất quý hiếm. Đó là loài sen dại có hoa nhỏ li ti như đầu ngón tay. Loại sen này chỉ còn sót lại ở một số ít nơi. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho những người mê chụp ảnh.

Phương tiện tốt nhất để khám phá Côn Đảo là xe gắn máy. Để chắc ăn hơn, bạn có thể nhờ “thổ địa” trên đảo dẫn đường. Được cái, giá cả sinh hoạt ở đây khá bình dân và cũng không lo bị chặt chém.

Tuy nhiên, Côn Đảo tháng 7 với tôi và nhiều du khách Việt còn có một ý nghĩa khác ngoài việc nghỉ dưỡng. Nhiều người dân địa phương nói rằng, hàng năm cứ vào tháng 7 khách du lịch tề tựu về đây rất đông vì nó gắn liền với ngày thương binh liệt sĩ 27.7 thiêng liêng. Nhiều người là thân nhân các liệt sĩ, cựu tù, cựu chiến binh… đến với Côn Đảo để ôn lại một thời hào hùng “không thể nào quên”. Cũng có không ít người trẻ đến đây để hiểu thêm về những chiến tích lịch sử oanh liệt của cha ông, để thêm yêu quê hương đất nước.

Một người làm trong ngành bảo tàng ở TP.HCM nói với tôi rằng: “Côn Đảo là một trường học lớn. Đi du lịch nơi đây vừa được chơi vừa được học”.


Người làm du lịch ở đây có câu “chưa thăm nhà tù, chưa viếng mộ Cô Sáu là coi như chưa tới Côn Đảo". Thật vậy, nhà tù Côn Đảo là một di tích nổi tiếng thế giới, nơi ghi dấu tội ác chiến tranh, nơi có tới khoảng 20.000 người Việt đã hy sinh dưới các đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù.

Ngoài nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương nơi có mộ chị Võ Thị Sáu cũng thu hút một lượng người đến viếng đông không kém. Nghĩa trang trồng rất nhiều cây xanh và hoa tạo cho du khách mới đến lần đầu một cảm giác vừa trang nghiêm vừa nên thơ đến bất ngờ.

Trong những ngày tháng 7 này, gần như lúc nào cũng có người đến viếng nghĩa trang và thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ.

Mỗi bia mộ được tạo hình như một cột trụ, phía trên sơn màu đỏ và có hình ngôi sao 5 cánh. Chúng tôi liên tưởng mỗi bia mộ là một cột mốc biên giới. Và những người đã ngã xuống nơi đây chính là để bảo vệ từng cột mốc biên giới ấy.

Trong khuôn viên nghĩa trang, có một nơi rất đông người đến viếng đó là mộ chị Võ Thị Sáu. Đến đây và nghiêng mình trước mộ, bạn mới cảm được hết tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của người thiếu nữ anh hùng năm nào.


Người dân ở đây bảo rằng, Côn Đảo mùa nào cũng đẹp nhưng nó vẫn đẹp nhất vào những ngày tháng 7, mùa của những tình cảm chân thành dành lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương.


Phượt thủ Chí Nhân

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

50 gạch đầu dòng của dân phượt chuyên nghiệp

Cẩm nang dưới đây là top những khác biệt văn hoá đặc sắc nhất ở khắp mọi nơi trên thế giới được cộng đồng du lịch chuyên nghiệp truyền lại. Khi bạn đi du lịch ở những nơi có trong danh sách này, hãy áp dụng nhé!

Châu Á


- Chữ ‘s’ trong từ LAOS trong tiếng Anh không được phát âm.

- Ở châu Á, khi nhận lời mời dùng bữa hay được tặng quà, hãy lịch sự từ chối 2 lần và nhận lời khi được mời lần thứ 3.

- Ở Việt Nam, khi qua đường, hãy đi chậm rãi và tự tin. Bạn sẽ từ từ qua được đường thôi.

- Còi ở châu Á không có nghĩa là gây sự chú ý, nó mang ý nghĩa “Hey, tôi sẽ cắt ngang đường của bạn ngay bây giờ đây”.

- Ở Ấn Độ và một số nước, bạn vứt giấy vệ sinh sau khi sử dụng vào thùng rác chứ không vứt thẳng vào bồn.

- Ở Sri Lanka, gật đầu có nghĩa là “không” và lắc đầu nghĩa là “có”.

Châu Âu


- Biết tên ít nhất 8 đền đài, nhà thờ ở châu Âu. Ví dụ: St. Peter’s Basilica (Vatican), St. Paul’s Cathedral (London), Notre Dame (Paris), Duomo (Milan), Basilica di Santa Maria del Fiore (Florence), York Minster (York), St. Stephen’s Basilica (Paris), St. Vitus Cathedral (Prague).

Những nhà thờ, đền đài này đều là những công trình kiến trúc đồ sộ lâu đời đấy nhé!

- Đứng bên phải khi đi tàu điện ngầm.

- Biết tên ít nhất 4 loại xúc xích Đức: Bratwurst (thịt heo và bò bằm), Blutwurst (xúc xích đỏ), Bockwurst (thịt bê và bò), Weisswurst (xúc xích trắng làm từ thịt bê và thịt heo muối).

- Ở Tây Ban Nha, có một khoảng thời gian vào buổi trưa mọi thứ sẽ đóng cửa để người dân đi ngủ (tất nhiên là trên lý thuyết). Người Tây Ban Nha rất xem trọng khoảng thời gian này. Bạn nên biết các cửa hàng và shops sẽ đóng cửa từ 2pm – 5pm, bar và nhà hàng sẽ đóng cửa từ 4pm - 8pm.

- Luôn để lại tiền lẻ khi vào toilet.

- Ở Ý, cappuccino luôn được uống trước buổi trưa.

- Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu bạn muốn nói KHÔNG, đừng lắc đầu. Thay vào đó, nhướng lông mày và hếch đầu lên.

- Người Nga không trộn vodka với các loại rượu khác.

Châu Mỹ


- Ở Mỹ hay Canada, bạn tips cho người phục vụ và lái xe 1-3 USD nếu họ xách hành lý cho bạn, tips cho nhân viên phục vụ nhà hàng, quầy bar và tài xế taxi từ 15-20% số tiền trong hoá đơn.

- Ở Las Vegas, khi check-in ở quầy tiếp tân, bạn nhét tờ $20 cho lễ tân cùng với thẻ tín dụng và hỏi người này có thể nâng hạng phòng ở không. Nếu có, bạn sẽ được nâng hạng miễn phí. Nếu không có, họ sẽ trả lại tờ $20 cho bạn.

- Luôn phải bỏ giày trước khi vào nhà người Canada.

- Ở Argentina, Senora tương đương với Mrs. trong tiếng Anh. Bạn không nên dùng từ này để gọi nữ hầu bàn. Để an toàn, hãy gọi họ là senorita hoặc chica.

- Nếm thử vị của pisco sour (một loại cocktail) và các biến thể của nó.

- Biết cách đi vệ sinh mà không cần ngồi trong khi vẫn đeo balô to ở phía sau.

- Ở Nam Mỹ, không gian cá nhân nhỏ hơn ở Bắc Mỹ.

- Ở Cuba, nếu muốn chỉ hướng, hãy nhăn môi về hướng bạn muốn đến.

- Ở Argentina và Chile, bạn phải dùng tay trái để rót rượu.

Châu Phi


- Người châu Phi khá “dây thun”, bạn nên có một thái độ thoải mái hơn về thời gian và sự đúng giờ đối với họ.

- Không sử dụng phần mu bàn tay để vẫy gọi người khác.

- Ở châu Phi, nụ cười Xhosa không phải là biểu tượng cảm xúc mà là món thịt nướng phổ biến làm từ đầu dê.

- Ở châu Phi, Trung ĐôngẤn Độ, bạn phải dùng tay phải để ăn. Tay trái dùng cho việc vệ sinh thân thể.

- Không được dùng ngón trỏ để chỉ trỏ. Đó được xem là thô lỗ và bất lịch sự. Ở Maasai và một số dân tộc ở Đông Phi, họ dùng cằm và nhìn về phía họ muốn chỉ đến.

- Ở một số vùng ở châu Phi, bạn không nên nhìn thẳng vào mắt đối phương khi nói chuyện. Hành động này được xem là thiếu tôn trọng. Thay vào đó, bạn có thể nhìn đi chỗ khác.

Hậu cần


- Thuộc lòng quy trình check-in và kiểm tra an ninh tại sân bay như là bản năng của bạn vậy.

- Biết tận dụng mọi khoảng trống trong vali.

- Bạn nên có một tài khoản Foursquare để tìm mật khẩu wifi được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội này.

- Bookmark các trang web tổng hợp thông tin chuyến bay toàn cầu trên máy tính của bạn.

- Mang theo bút để hoàn thành tờ khai thủ tục hải quan ngay trên máy bay.

- Nếu bạn có quá nhiều đồ đạc, hãy mặc đồ nhiều túi. Chúng có thể giảm bớt được cân nặng từ hành lý xách tay của bạn.

- Thuộc lòng số hộ chiếu của bạn.

- Thuộc lòng và đổi ngoại tệ nhanh chóng ngay trong đầu mà không cần máy tính.

- Biết phương pháp gấp quần áo tiết kiệm diện tích nhất là cuộn tròn chứ không phải gấp chúng lại.

Tips có thể áp dụng được ở bất cứ chỗ nào


- Nắm rõ thông tin các nước bạn có thể và không thể uống trực tiếp nước máy.

- Bạn có thể giả vờ bỏ đi khi trả giá, bạn sẽ bất ngờ vì mẹo này có thể giúp bạn mua được những món rất hời.

- Dân du lịch chuyên nghiệp thường có những câu hay hỏi nhau như “Bạn từ đâu tới, bạn đang đi đâu, bạn đã đi được những đâu rồi”.

- Biết cách nói từ “Lối ra”, “Sân bay”, “Siêu thị” bằng 8 thứ tiếng khác nhau.

- Biết tên của ít nhất 15 hệ thống tàu điện ngầm.

- Thông thường, phương tiện giao thông địa phương càng rẻ tiền thì tài xế người bản xứ càng thân thiện.

- Khi vào nhà hàng, hãy liếc nhanh qua bảng giá bia và nhanh chóng so sánh mắc rẻ.

- Biết nói “cám ơn” bằng 15 thứ tiếng.

- Bạn có thể gặp người Australia và người Hoa ở khắp mọi nơi trên thế giới.

- Biết cách nâng ly bằng ít nhất 10 thứ tiếng khác nhau.

- Du lịch một mình có thể không hề cô đơn chút nào.

- Và cuối cùng, cho dù bạn đi nhiều đến đâu, biết nhiều như thế nào, luôn có một người khác biết nhiều hơn bạn. Hãy học hỏi lẫn nhau và cùng chia sẻ niềm vui khi khám phá những vùng đất mới và những nền văn hoá khác biệt.

Gaby (Tổng hợp)

Chàng trai Việt dự định đi vòng quanh thế giới bằng xe máy

Chuyến đi dự kiến dài xấp xỉ 50.000 km qua 35 nước trong 2 năm của Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987, Gò Công Tây, Tiền Giang) đã bắt đầu từ 1/6.


Ai chưa một lần muốn làm Phileas Fogg liều lĩnh trong tiểu thuyết 80 ngày vòng quanh thế giới (Jules Verne) hay sống với sự gan dạ, khao khát tự do trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain)? Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng ấp ủ mộng ước về chuyến phượt “khổng lồ” vòng quanh thế giới. Với Trần Đặng Đăng Khoa, anh đã biến giấc mơ thuở nhỏ trở thành hiện thực từ những ngày đầu tháng 6.


Thế nhưng, câu chuyện sắp được kể không dừng lại ở chuyến đi bằng xe máy qua 35 nước của anh bạn 8X. Thay vào đó là câu chuyện về một người trẻ kiên trì theo đuổi đam mê, hoài bão của tuổi trẻ. “Chẳng ai đoán được tương lai, chỉ cần mỗi giây mỗi phút trôi qua đều sống hết mình, sống trọn vẹn, can đảm ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ, vậy là đủ!”, Đăng Khoa khẳng định ngày từ đầu cuộc trò chuyện.


Xuất phát từ TP.HCM, Đăng Khoa chọn cung đường bộ Campuchia, Thái Lan rồi “bay cả người lẫn xe” sang Nepal. Mục đích là tiết kiệm chi phí đắt đỏ nếu băng ngang Myanmar và để đảm bảo kịp thời hạn visa vào Pakistan. Sau đó, anh sẽ khám phá Ấn Độ, Pakistan, Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đến là hành trình du ngoạn châu Âu qua Hy Lạp, Italy, Vatican, Slovenia, Austria, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp.



Từ Paris, Khoa dự định ship xe và bay sang Kenya, Tanzania, Mozambique, Madagascar để khám phá 4 nước châu Phi. Đích đến kế tiếp của chàng trai Gò Công Tây là Nam Mỹ, quê hương của điệu tango, đi qua Argentina, Paraguay, Bolivia, Peru, Chile. Chặng về, Đăng Khoa sẽ từ Chile bay sang Australia, sau đó về lại Đông Timor, Indonesia, Malaysia, Lào và cuối cùng là trở về Việt Nam.


Để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt, Đăng Khoa đã dành hơn 20 năm cuộc đời để vun đắp và nuôi dưỡng đam mê. “Tôi thường nghĩ về việc mình sẽ được đi bất cứ nơi nào mình thích, đi hết nước này đến nước khác”, chàng trai gốc Gò Công nói.


Từ 2009, anh bắt đầu những chuyến phượt đầu tiên cùng bạn bè, qua đó rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như chạy xe khi thời tiết xấu, sửa xe, xử lý tai nạn, chuẩn bị giấy tờ… Chuyến đi bằng xe máy qua 7 nước Đông Nam Á của Đăng Khoa vào Tết 2015 cũng là động lực thôi thúc giấc mơ vòng quanh thế giới.

Anh bạn sinh năm 1987 chọn cách mò mẫm trên các diễn đàn Quốc tế để học hỏi kinh nghiệm. Theo Khoa, “mẫu số chung” cho bài toán khó này là visa và giấy thông hành xe máy quốc tế (Carnet De Passage). Sau khi tìm hiểu, Khoa biết rằng Việt Nam chưa thể cấp loại giấy này nên tìm đến sự hỗ trợ của bạn bè, nhưng không có kết quả.

Ước mơ tưởng chừng phải bỏ dở vì khó khăn giấy tờ, Đăng Khoa bất ngờ nhận được cái gật đầu từ nhà chức trách Malaysia trước Tết Âm lịch 2017. Đăng Khoa phải chạy nước rút cho tất cả giấy tờ còn lại trong 2 tháng, chủ yếu là xin visa.


Trước đó, nhờ công ty cũ, Khoa được hỗ trợ xin visa châu Âu, cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần trong 2 năm. Với visa Ấn Độ, dù được nhiều bạn bè đề nghị hỗ trợ, anh chọn cách trực tiếp đến xin tại Tổng lãnh sự quán nước này. Ban đầu, các cán bộ ở đây khá bất ngờ về trường hợp của Khoa: không đặt trước máy bay, khách sạn… Nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm và nghiêm túc của anh, họ đã chắp cánh cho anh thực hiện giấc mơ này.

Tương tự, quá trình xin visa Pakistan của Đăng Khoa cũng được giúp đỡ nhiệt tình từ Tham tán nước này. Thậm chí vị này còn mang visa vào TP.HCM để trao cho anh nhân chuyến công tác. Một số nước châu Á còn lại như Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ… cho phép đăng ký e-visa (thị thực điện tử). Khoa cũng dự định xin “cuốn chiếu” để đảm bảo hành trình suôn sẻ: xin visa Iran từ Pakistan, xin visa Argentina và các nước Nam Mỹ từ Pháp.

Riêng hành trình xin visa đã tốn không ít công sức và thời gian của Khoa. May mắn là những ngày này, anh nhận được sự ủng hộ tinh thần rất lớn từ gia đình và bạn bè. Trên Facebook cá nhân, bên cạnh những lời chúc thượng lộ bình an, nhiều bình luận bày tỏ sự nể phục dành cho tinh thần kiên trì, bền bỉ theo đuổi giấc mơ của chàng trai 8X.

“Mình vẫn luôn ước mơ được lang thang như vậy nhưng không đủ mạnh mẽ để lên một kế hoạch trọn vẹn để lên đường. Nể bạn này lắm. Ngóng chờ theo vòng bánh xe của bạn. Hy vọng có ngày được nghe các câu chuyện về các chuyến đi của bạn (như nghe 1001 đêm )”, một bạn nữ bình luận. Một người khác cũng có cùng suy nghĩ: “Chuyến đi của cuộc đời. Chúc Khoa một chuyến đi thượng lộ bình an, khám phá và trải nghiệm vùng đất mới và cung đường mới… Thật khâm phục bạn dám mơ ước dám thực hiện”.

Vậy mới cảm nhận được rằng, không phải làm những điều vĩ đại thì mới khiến người khác nể phục. Đôi lúc chỉ cần kiên trì theo đuổi hoài bão tuổi trẻ, tự tin viết quyển nhật ký thanh xuân bằng những trải nghiệm lung linh, rực rỡ là đủ để những người xung quanh trầm trồ.

Người bạn đường của Đăng Khoa trong 2 năm tới vẫn là chiếc xe đầu tiên Đăng Khoa tự sắm và là chiếc xe duy nhất anh sở hữu đến nay - Honda Wave đời 2008. Ngoài những chuyến đi, chiếc xe này đã gắn với cuộc đời chàng trai 30 tuổi qua nhiều thăng trầm trong những ngày đầu xin việc, về quê thăm gia đình, ngao du cùng bạn bè… “Nó để những vết thẹo lên người tôi. Tôi để những vết trầy xước lên người nó. Dù nhiều lần xảy ra chuyện, nó vẫn đưa tôi về nhà an toàn”, chàng trai mê Du lịch bụi chia sẻ về “xế cưng”.

Dù nhiều người khuyên mua xe mới, Khoa vẫn nhất quyết “chung tình” với chiếc xe cũ. “Xe động cơ 4 thì, làm mát tốt, chở nặng được, kể cả đi đường rừng vẫn rất ổn. Chỉ cần biết khả năng và giới hạn của nó, phân chia thời gian dừng hợp lý, chuẩn bị máy móc cẩn thận thì sẽ tốt”, anh lý giải thêm. Trước chuyến đi này, anh dành hơn 11 triệu đồng để nâng cấp phụ tùng và sửa chữa máy móc.

Anh cũng dự tính toàn bộ chi phí cho chuyến đi khoảng 45.000 USD (gần 1 tỷ đồng). Nếu không được tài trợ, anh sẽ cắt giảm chi phí.

Phượt thủ sinh năm 1987 chưa đi qua hầu hết nước nằm trong hành trình này, ngoại trừ Campuchia, Thái Lan hay vài nước châu Âu. “Tôi không chú trọng những điểm du lịch nổi tiếng. Đúng là không thể đến New Deli mà không thăm đền Taj Mahal, nhưng điều tôi thật sự cần là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, xã hội, phong tục tập quán. Người ta suy nghĩ như thế nào, người ta thích gì, ghét gì, người ta sợ gì, người ta có cảm thấy hạnh phúc không? Trẻ em đi học thế nào, được dạy dỗ ra sao?”, Đăng Khoa đáp khi được hỏi về điểm đến trong chuyến đi dài 2 năm.


Anh thích thú với nét văn hóa đặc trưng xuyên suốt 2.000 năm lịch sử của Ấn Độ, cảnh đẹp hùng vĩ của Pakistan, con người thân thiện ở Iran - vương quốc Ba Tư ngày xưa… Anh cũng dành thời gian đọc sách về văn hoá, phong tục của các nước trước khi nhập cảnh.

Theo kinh nghiệm, Khoa thấy có nhiều nơi rất đẹp nhưng không thể tìm thấy trên bản đồ hay trên Internet. Trong quá trình gặp gỡ, nói chuyện với người dân bản địa, nếu họ cảm thấy có thiện cảm thì sẽ đưa mình đi chơi. “Cứ đặt điểm đầu và điểm cuối trên Google Maps, còn đoạn giữa mình để con đường dẫn lối”, Khoa chia sẻ.


Về chuyện ăn ở, theo kế hoạch, Trần Đặng Đăng Khoa sẽ ở lần lượt một ngày khách sạn - một ngày cắm trại - một ngày couchsurfing (ngủ nhờ). Là dân trekking, anh chuẩn bị đầy đủ lều, ghế ngồi, túi ngủ, vật dụng nấu ăn… để “sống sót” khi băng ngang hoang mạc, nơi chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn. Trong trường hợp hư xe, hoặc xảy ra tai nạn nhưng không kịp di chuyển đến khách sạn hay không tìm được nơi ngủ nhờ, nghỉ lại trong lều là lựa chọn tối ưu.

Nhiều nguy hiểm sẽ rình rập Đăng Khoa trên hành trình này, cũng không ít điều khiến anh muốn bỏ cuộc. Nặng nề nhất là mỗi khi nghe tin có phượt thủ vĩnh viễn dừng lại hành trình. Chính anh luôn tự nhắc nhở rằng 600 ngày sắp đến sẽ là một đoạn đường không dễ để tiến lên, với hàng loạt vấn đề như tai nạn giao thông, cướp bóc giữa vùng hoang mạc, bị đánh cắp tiền bạc…

Mặt khác, thời điểm khởi hành (ngày 1/6) không phải lựa chọn tốt nhất, vì phượt thủ sinh năm 1987 phải trải qua đỉnh mùa hè ở vùng Iran, Pakistan và đỉnh mùa đông ở xứ sở châu Âu lạnh giá. Thế nhưng, anh không cho phép bản thân dời chuyến đi thêm nữa.

Người con trai cả trong gia đình cũng ngậm ngùi khi không ở cạnh cha mẹ trong quãng thời gian tới. May mắn là phụ huynh hiểu cho khát khao quá lớn, và ủng hộ con trai hết mình. Về phía Khoa, anh để lại phần lớn tiền tiết kiệm cho cha mẹ và dự định làm thêm để trang trải chi phí tốn kém cho chuyến đi. “Để cha mẹ lo lắng cũng là cái tội”, chất giọng hào sảng đậm phong cách miền Tây chợt gieo thêm một nốt trầm.


Với Đăng Khoa, “chuyến đi không hẹn ngày về” không có nghĩa là không trở về, chỉ là cho phép bản thân tự do phiêu lưu khắp nơi. Dẹp bỏ mác nhân viên văn phòng chăm chỉ, anh hạnh phúc khi không phải quan tâm ngày mai là thứ mấy, có phải chuẩn bị đến công ty hay không. Trong chuyến đi ấy, anh chỉ cần biết thời hạn visa còn bao lâu, và mình có thể đi xa hơn lộ trình đã đề ra hay không.

Thực hiện chuyến đi tuổi trẻ là cách Khoa mở mang kiến thức, học thêm nhiều điều mới mẻ. Tạm rời xa những mối quan hệ cũ, anh bắt đầu chuỗi ngày thú vị: thức dậy ở vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, học thêm ngôn ngữ mới, ăn những món ăn mới.

“Tôi không thấy hối tiếc bất kỳ điều gì. Có thể sau này tôi sẽ nghĩ khác, nhưng hiện tại, sự háo hức, hồi hộp, mong chờ đến ngày khởi hành đã choáng ngợp suy nghĩ. Nhiều người mơ đi vòng quanh thế giới, nhưng ít người chịu theo đuổi đến cuối cùng. Thật ra tôi cũng không biết mình đi được đến đâu, lỡ như chỉ sang đến Campuchia là dừng lại. Mà cũng không sao, miễn là đúng ngày đó tôi xuất phát - thế là mãn nguyện”, Đăng Khoa trải lòng.


Thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy thật sự rất khó. Khoa cho rằng ngoài vấn đề giấy tờ, rào cản lớn nhất là dư luận xã hội. Mỗi khi ai đó muốn làm một điều thật đặc biệt, họ lại gặp phải chỉ trích như sao không làm từ thiện, sao không ở nhà chăm sóc cha mẹ già, tại sao và tại sao… Quá nhiều câu hỏi khiến người ta nhụt chí và bỏ cuộc.


“Tôi may mắn đi được đến cùng nhờ biết cách nuôi dưỡng khát khao và từng bước hiện thực hóa chuyến đi. Với những ai còn đang dang dở, hãy cứ nuôi dưỡng ước mơ ở đó, một lúc nào đó cũng sẽ thực hiện được, như chính tôi cũng từng gác lại chuyến đi rất nhiều lần”, phượt thủ 30 tuổi kết lại.







Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Đảo Phú Quý, nơi lưu giữ cả trái tim phượt thủ

Trong chuyến đi bụi ở Phú Quý (Bình Thuận), tôi cảm nhận được sự chân thật của người dân đảo, hiểu được những phong tục ở đảo mà tôi chưa thấy ở bất kỳ nơi nào đã đi qua.

Tôi cùng anh bạn chung chiếc xe máy chạy xuống Phan Thiết để bắt tàu ra Phú Quý, đã đặt vé trước một tháng. 15h30 chúng tôi tới cảng Phan Thiết và chỉ cách giờ tàu chạy 30 phút, chỉ kịp ghé nhà một cụ ông ở đầu cổng gửi lại chiếc xe máy và lấy vé lên tàu. Biển động nên sóng mạnh, tôi không ngủ được nhiều nên đi ra mạn thuyền. May mắn là hoàng hôn vừa tới, đó là lần đầu tiên tôi ngắm được hoàng hôn ngay giữa biển.


Sau 4 tiếng, tàu cập bến cảng Phú Quý lúc 20h. Tôi về homestay và ngủ tới 4h30. Tôi nhanh chóng lấy xe và chạy theo bản đồ đã chuẩn bị trước, trên đường không đèn, không bóng người, tới vịnh Triều Dương để ngắm bình minh. Ngồi co ro mặc cho gió biển tạt vào mặt lạnh tê, tôi đợi mặt trời lên. Đúng 5h30, mặt trời lấp ló sau đám cỏ khô. Mây mù che khuất cả vùng trời.



Tôi chạy xe thêm một quãng nữa, tới cột cờ biển đảo Phú Quý hiên ngang nơi cao nhất. Phong cảnh từ cột cờ nhìn xuống Bãi Nhỏ. Bãi này rất đẹp và cũng có thể tắm. Tôi chạy xe máy về lại homestay, đi thả lưới với anh chủ nhà, gỡ được một thau lớn toàn cá ngát với 2 con cá tà ma. Cá ngát là họ hàng với cá trê đồng nhưng thịt trắng và thơm hơn.


Tôi quay lại vịnh Triều Dương với anh bạn, nằm trên thảm cỏ xanh rì, nghe sóng vỗ ì ầm, hít hà đầy phổi không khí trong lành của núi của biển. Không thể kể hết về vẻ đẹp của vịnh chỉ với vài tấm hình. Phong cảnh từ bãi cỏ xanh rì nhìn ra biển, dọc bờ là những vách núi đá đen xen cỏ xanh. Ở Gành Hang có những con đập cũ đủ kích cỡ. Lúc xưa, dân đảo dùng nuôi cá mực, nay người ta đã chuyển sang đánh bắt nhiều hơn và con đập để không, mặc sóng lớn đánh vào.


Tiếp cuộc hành trình khám phá đảo, chúng tôi đến thăm Đại Môn Mộ Thầy, nơi được ví là đuôi rồng. Nhìn từ đỉnh núi Cao Cát có thể thấy chùa Linh Sơn, nơi được gọi là đầu rồng. Trong hình là phía sau Mộ Thầy -đuôi rồng, xa xa là những con đập như lúc chúng tôi gặp ở Gành Hang.


Tôi và anh bạn lên chùa Linh Sơn, viếng Phật. Xung quanh, những vách núi bị gió bào mòn qua hàng triệu năm, thành những rãnh song song dọc sườn núi. Đường Nguyễn Thị Minh Khai, con đường bờ kè dọc biển được xây lên để chắn nước biển tràn vào nhà dân những mùa bão, cũng là nơi ngắm hoàng hôn thật sự lãng mạn. Mặt trời xuống dần, ánh đèn trên những con tàu bắt đầu sáng lên, bắt đầu cho buổi ra khơi câu mực, đánh lưới hay những cuộc săn cá thu.



Trong chuyến du lịch bụi ở Phú Quý, tôi chỉ cảm nhận được sự chân thật của người dân ở đảo, hiểu được những phong tục ở đảo mà tôi chưa thấy ở bất kỳ nơi nào tôi đã đi qua, được ăn những món hải sản tươi sống, món cháo nhum nóng hổi hay cua huỳnh đế hấp sả… Tôi đã hoàn thành chuyến đi an toàn, và không có gì quý bằng những tấm hình đã lưu, bằng máy ảnh và cả con tim mình.

Theo Peter Cao, Zing

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Check-in tại “thiên đường sống ảo” hot nhất Việt Nam


Nếu một lần đến với Nha Trang, đừng quên ghé thăm “Maldives Việt Nam”.



Dân phượt đặt cho Điệp Sơn biết bao cái tên mỹ miều như con đường dưới biển độc nhất vô nhị, đường độc đạo ảo diệu, đảo thiên đường hay Maldives của Việt Nam. Và chẳng biết từ bao giờ cụm từ “thiên đường sống ảo” đã gắn chặt với nơi đây.


Điệp Sơn được ví như Maldives của Việt Nam

Phải chăng vì nó khiến bất kỳ du khách nào tới đây cũng ngỡ rằng mình đang ở thế giới khác. Quả thật chẳng sai, ngay khi đặt chân tới nơi này, chúng tôi đã bị Điệp Sơn hút hồn.

Đúng 7h30 sáng, đoàn chúng tôi gồm 20 người bắt đầu xuất phát di chuyển tới Điệp Sơn bằng ô tô. Khoảng cách di chuyển ước chừng là 60km.


Đường êm như ru và chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe là tới cảng cá Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa).


Bình minh tại Điệp Sơn


Con đường giữa biển độc nhất vô nhị tại Việt Nam

Tại đây, đoàn tiếp tục thuê cano di chuyển tới đích đến cuối cùng. Sóng biển vào buổi sáng khá êm, chỉ sau 10 phút, chúng tôi đã có mặt tại “thiên đường sống ảo” tuyệt vời nhất Việt Nam.


Thời điểm lý tưởng để đến Điệp Sơn là từ tháng 12 đến tháng 6

Ai cũng hớn hở đi thay đồ bơi, đầm maxi để tận hưởng ngay cái nắng cái gió ở nơi đây, biển xanh, cát trắng, nắng vàng chẳng ngoa. Được biết, thời điểm đẹp nhất để ghé thăm Điệp Sơn là từ tháng 12 đến tháng 6 vì dòng nước khá êm và trong xanh.

Khi chúng tôi đến, có khá nhiều khách thập phương đã đang bì bõm trên đường độc đạo dưới biển dài khoảng 700m, nối liền đảo giữa và Điệp Sơn lớn. Theo tìm hiểu, tùy thuộc vào thủy triều lên xuống, thường từ 6h sáng con đường sẽ lộ ra, là dải cát màu trắng, rộng chừng 1m và nằm dưới mặt nước chưa đầy nửa mét.

Không chần chừ thêm một phút giây nào, 20 người chúng tôi túa ra biển, chọn những góc toàn cảnh rộng để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất trên đảo. Vì ham mê chụp hình quá mà chúng tôi “đốt” hết gần 2 tiếng mới đi hết con đường dưới biển.


Chòi canh ngắm biển

Những chòi canh ngắm biển trông thơ mộng biết mấy, khiến du khách liên tưởng đến thiên đường Maldives đình đám.


Chèo thuyền kayak là hoạt động hấp dẫn nhiều bạn trẻ

Nếu bạn thích mạo hiểm có thể trải nghiệm các trò chơi như đua mô-tô lướt sóng, chèo thuyền…


Làn nước trong xanh, mát lạnh

Chỗ sâu nhất cũng chỉ chạm mông những cô gái có chiều cao khiếm tốn dưới 1m60 như tôi. Khách đến đây chỉ cần xắn quần, nâng váy cũng dễ dàng qua bên kia bờ. Nhưng càng về trưa, mực nước biển càng dâng cao, thế nên các bạn đừng nên mặc quần hay váy quá dài, tránh di chuyển khó khăn.


Đi bộ trên con đường giữa biển

Khoảng 11h trưa, đoàn quay lại nhà hàng duy nhất trên đảo để tắm tráng nước ngọt và ăn trưa. Tuy Điệp Sơn còn rất hoang sơ và không phát triển dịch vụ du lịch, khách sạn nhưng đồ ăn rất vừa miệng thực khách. Đặc sắc có món canh cá nấu chua, thịt kho tàu, tôm nướng, mực xào…

Ăn trưa xong chừng 1 tiếng, chúng tôi đón cano về đất liền, trở lại cảng cá Vạn Gĩa và đi ô tô trở lại điểm xuất phát.

Tạm biệt Điệp Sơn nhưng trong lòng vẫn còn đầy lưu luyến, nhất định chúng tôi sẽ quay lại "thiên đường hạ giới "này!

Một số lưu ý khác khi tham quan Điệp Sơn là nên thoa kem chống nắng kỹ càng để tránh bị cháy đỏ da như “tôm luộc”. Các bạn cũng có thể mang theo đồ ăn, nước uống từ đất liền đến bởi thực phẩm trên đảo khá hạn chế. Đoạn cầu phao khi cano cập đảo rất chông chênh, du khách nên đi ở giữa để tránh ngã, trượt chân.


Đổ xô về phố biển Nha Trang ngắm rêu xanh

Du khách nườm nượp đổ về bãi đá dài hàng trăm mét trên bãi biển Nha Trang để chiêm ngương hiện tượng thiên nhiên kỳ...