Chuyến đi dự kiến dài xấp xỉ 50.000 km qua 35 nước trong 2 năm của Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987, Gò Công Tây, Tiền Giang) đã bắt đầu từ 1/6.
Ai chưa một lần muốn làm Phileas Fogg liều lĩnh trong tiểu thuyết 80 ngày vòng quanh thế giới (Jules Verne) hay sống với sự gan dạ, khao khát tự do trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain)? Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng ấp ủ mộng ước về chuyến phượt “khổng lồ” vòng quanh thế giới. Với Trần Đặng Đăng Khoa, anh đã biến giấc mơ thuở nhỏ trở thành hiện thực từ những ngày đầu tháng 6.
Thế nhưng, câu chuyện sắp được kể không dừng lại ở chuyến đi bằng xe máy qua 35 nước của anh bạn 8X. Thay vào đó là câu chuyện về một người trẻ kiên trì theo đuổi đam mê, hoài bão của tuổi trẻ. “Chẳng ai đoán được tương lai, chỉ cần mỗi giây mỗi phút trôi qua đều sống hết mình, sống trọn vẹn, can đảm ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ, vậy là đủ!”, Đăng Khoa khẳng định ngày từ đầu cuộc trò chuyện.
Xuất phát từ TP.HCM, Đăng Khoa chọn cung đường bộ Campuchia, Thái Lan rồi “bay cả người lẫn xe” sang Nepal. Mục đích là tiết kiệm chi phí đắt đỏ nếu băng ngang Myanmar và để đảm bảo kịp thời hạn visa vào Pakistan. Sau đó, anh sẽ khám phá Ấn Độ, Pakistan, Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đến là hành trình du ngoạn châu Âu qua Hy Lạp, Italy, Vatican, Slovenia, Austria, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp.
Từ Paris, Khoa dự định ship xe và bay sang Kenya, Tanzania, Mozambique, Madagascar để khám phá 4 nước châu Phi. Đích đến kế tiếp của chàng trai Gò Công Tây là Nam Mỹ, quê hương của điệu tango, đi qua Argentina, Paraguay, Bolivia, Peru, Chile. Chặng về, Đăng Khoa sẽ từ Chile bay sang Australia, sau đó về lại Đông Timor, Indonesia, Malaysia, Lào và cuối cùng là trở về Việt Nam.
Để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt, Đăng Khoa đã dành hơn 20 năm cuộc đời để vun đắp và nuôi dưỡng đam mê. “Tôi thường nghĩ về việc mình sẽ được đi bất cứ nơi nào mình thích, đi hết nước này đến nước khác”, chàng trai gốc Gò Công nói.
Từ 2009, anh bắt đầu những chuyến phượt đầu tiên cùng bạn bè, qua đó rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như chạy xe khi thời tiết xấu, sửa xe, xử lý tai nạn, chuẩn bị giấy tờ… Chuyến đi bằng xe máy qua 7 nước Đông Nam Á của Đăng Khoa vào Tết 2015 cũng là động lực thôi thúc giấc mơ vòng quanh thế giới.
Anh bạn sinh năm 1987 chọn cách mò mẫm trên các diễn đàn Quốc tế để học hỏi kinh nghiệm. Theo Khoa, “mẫu số chung” cho bài toán khó này là visa và giấy thông hành xe máy quốc tế (Carnet De Passage). Sau khi tìm hiểu, Khoa biết rằng Việt Nam chưa thể cấp loại giấy này nên tìm đến sự hỗ trợ của bạn bè, nhưng không có kết quả.
Ước mơ tưởng chừng phải bỏ dở vì khó khăn giấy tờ, Đăng Khoa bất ngờ nhận được cái gật đầu từ nhà chức trách Malaysia trước Tết Âm lịch 2017. Đăng Khoa phải chạy nước rút cho tất cả giấy tờ còn lại trong 2 tháng, chủ yếu là xin visa.
Trước đó, nhờ công ty cũ, Khoa được hỗ trợ xin visa châu Âu, cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần trong 2 năm. Với visa Ấn Độ, dù được nhiều bạn bè đề nghị hỗ trợ, anh chọn cách trực tiếp đến xin tại Tổng lãnh sự quán nước này. Ban đầu, các cán bộ ở đây khá bất ngờ về trường hợp của Khoa: không đặt trước máy bay, khách sạn… Nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm và nghiêm túc của anh, họ đã chắp cánh cho anh thực hiện giấc mơ này.
Tương tự, quá trình xin visa Pakistan của Đăng Khoa cũng được giúp đỡ nhiệt tình từ Tham tán nước này. Thậm chí vị này còn mang visa vào TP.HCM để trao cho anh nhân chuyến công tác. Một số nước châu Á còn lại như Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ… cho phép đăng ký e-visa (thị thực điện tử). Khoa cũng dự định xin “cuốn chiếu” để đảm bảo hành trình suôn sẻ: xin visa Iran từ Pakistan, xin visa Argentina và các nước Nam Mỹ từ Pháp.
Riêng hành trình xin visa đã tốn không ít công sức và thời gian của Khoa. May mắn là những ngày này, anh nhận được sự ủng hộ tinh thần rất lớn từ gia đình và bạn bè. Trên Facebook cá nhân, bên cạnh những lời chúc thượng lộ bình an, nhiều bình luận bày tỏ sự nể phục dành cho tinh thần kiên trì, bền bỉ theo đuổi giấc mơ của chàng trai 8X.
“Mình vẫn luôn ước mơ được lang thang như vậy nhưng không đủ mạnh mẽ để lên một kế hoạch trọn vẹn để lên đường. Nể bạn này lắm. Ngóng chờ theo vòng bánh xe của bạn. Hy vọng có ngày được nghe các câu chuyện về các chuyến đi của bạn (như nghe 1001 đêm )”, một bạn nữ bình luận. Một người khác cũng có cùng suy nghĩ: “Chuyến đi của cuộc đời. Chúc Khoa một chuyến đi thượng lộ bình an, khám phá và trải nghiệm vùng đất mới và cung đường mới… Thật khâm phục bạn dám mơ ước dám thực hiện”.
Vậy mới cảm nhận được rằng, không phải làm những điều vĩ đại thì mới khiến người khác nể phục. Đôi lúc chỉ cần kiên trì theo đuổi hoài bão tuổi trẻ, tự tin viết quyển nhật ký thanh xuân bằng những trải nghiệm lung linh, rực rỡ là đủ để những người xung quanh trầm trồ.
Người bạn đường của Đăng Khoa trong 2 năm tới vẫn là chiếc xe đầu tiên Đăng Khoa tự sắm và là chiếc xe duy nhất anh sở hữu đến nay - Honda Wave đời 2008. Ngoài những chuyến đi, chiếc xe này đã gắn với cuộc đời chàng trai 30 tuổi qua nhiều thăng trầm trong những ngày đầu xin việc, về quê thăm gia đình, ngao du cùng bạn bè… “Nó để những vết thẹo lên người tôi. Tôi để những vết trầy xước lên người nó. Dù nhiều lần xảy ra chuyện, nó vẫn đưa tôi về nhà an toàn”, chàng trai mê Du lịch bụi chia sẻ về “xế cưng”.
Dù nhiều người khuyên mua xe mới, Khoa vẫn nhất quyết “chung tình” với chiếc xe cũ. “Xe động cơ 4 thì, làm mát tốt, chở nặng được, kể cả đi đường rừng vẫn rất ổn. Chỉ cần biết khả năng và giới hạn của nó, phân chia thời gian dừng hợp lý, chuẩn bị máy móc cẩn thận thì sẽ tốt”, anh lý giải thêm. Trước chuyến đi này, anh dành hơn 11 triệu đồng để nâng cấp phụ tùng và sửa chữa máy móc.
Anh cũng dự tính toàn bộ chi phí cho chuyến đi khoảng 45.000 USD (gần 1 tỷ đồng). Nếu không được tài trợ, anh sẽ cắt giảm chi phí.
Phượt thủ sinh năm 1987 chưa đi qua hầu hết nước nằm trong hành trình này, ngoại trừ Campuchia, Thái Lan hay vài nước châu Âu. “Tôi không chú trọng những điểm du lịch nổi tiếng. Đúng là không thể đến New Deli mà không thăm đền Taj Mahal, nhưng điều tôi thật sự cần là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, xã hội, phong tục tập quán. Người ta suy nghĩ như thế nào, người ta thích gì, ghét gì, người ta sợ gì, người ta có cảm thấy hạnh phúc không? Trẻ em đi học thế nào, được dạy dỗ ra sao?”, Đăng Khoa đáp khi được hỏi về điểm đến trong chuyến đi dài 2 năm.
Anh thích thú với nét văn hóa đặc trưng xuyên suốt 2.000 năm lịch sử của Ấn Độ, cảnh đẹp hùng vĩ của Pakistan, con người thân thiện ở Iran - vương quốc Ba Tư ngày xưa… Anh cũng dành thời gian đọc sách về văn hoá, phong tục của các nước trước khi nhập cảnh.
Theo kinh nghiệm, Khoa thấy có nhiều nơi rất đẹp nhưng không thể tìm thấy trên bản đồ hay trên Internet. Trong quá trình gặp gỡ, nói chuyện với người dân bản địa, nếu họ cảm thấy có thiện cảm thì sẽ đưa mình đi chơi. “Cứ đặt điểm đầu và điểm cuối trên Google Maps, còn đoạn giữa mình để con đường dẫn lối”, Khoa chia sẻ.
Về chuyện ăn ở, theo kế hoạch, Trần Đặng Đăng Khoa sẽ ở lần lượt một ngày khách sạn - một ngày cắm trại - một ngày couchsurfing (ngủ nhờ). Là dân trekking, anh chuẩn bị đầy đủ lều, ghế ngồi, túi ngủ, vật dụng nấu ăn… để “sống sót” khi băng ngang hoang mạc, nơi chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn. Trong trường hợp hư xe, hoặc xảy ra tai nạn nhưng không kịp di chuyển đến khách sạn hay không tìm được nơi ngủ nhờ, nghỉ lại trong lều là lựa chọn tối ưu.
Nhiều nguy hiểm sẽ rình rập Đăng Khoa trên hành trình này, cũng không ít điều khiến anh muốn bỏ cuộc. Nặng nề nhất là mỗi khi nghe tin có phượt thủ vĩnh viễn dừng lại hành trình. Chính anh luôn tự nhắc nhở rằng 600 ngày sắp đến sẽ là một đoạn đường không dễ để tiến lên, với hàng loạt vấn đề như tai nạn giao thông, cướp bóc giữa vùng hoang mạc, bị đánh cắp tiền bạc…
Mặt khác, thời điểm khởi hành (ngày 1/6) không phải lựa chọn tốt nhất, vì phượt thủ sinh năm 1987 phải trải qua đỉnh mùa hè ở vùng Iran, Pakistan và đỉnh mùa đông ở xứ sở châu Âu lạnh giá. Thế nhưng, anh không cho phép bản thân dời chuyến đi thêm nữa.
Người con trai cả trong gia đình cũng ngậm ngùi khi không ở cạnh cha mẹ trong quãng thời gian tới. May mắn là phụ huynh hiểu cho khát khao quá lớn, và ủng hộ con trai hết mình. Về phía Khoa, anh để lại phần lớn tiền tiết kiệm cho cha mẹ và dự định làm thêm để trang trải chi phí tốn kém cho chuyến đi. “Để cha mẹ lo lắng cũng là cái tội”, chất giọng hào sảng đậm phong cách miền Tây chợt gieo thêm một nốt trầm.
Với Đăng Khoa, “chuyến đi không hẹn ngày về” không có nghĩa là không trở về, chỉ là cho phép bản thân tự do phiêu lưu khắp nơi. Dẹp bỏ mác nhân viên văn phòng chăm chỉ, anh hạnh phúc khi không phải quan tâm ngày mai là thứ mấy, có phải chuẩn bị đến công ty hay không. Trong chuyến đi ấy, anh chỉ cần biết thời hạn visa còn bao lâu, và mình có thể đi xa hơn lộ trình đã đề ra hay không.
Thực hiện chuyến đi tuổi trẻ là cách Khoa mở mang kiến thức, học thêm nhiều điều mới mẻ. Tạm rời xa những mối quan hệ cũ, anh bắt đầu chuỗi ngày thú vị: thức dậy ở vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, học thêm ngôn ngữ mới, ăn những món ăn mới.
“Tôi không thấy hối tiếc bất kỳ điều gì. Có thể sau này tôi sẽ nghĩ khác, nhưng hiện tại, sự háo hức, hồi hộp, mong chờ đến ngày khởi hành đã choáng ngợp suy nghĩ. Nhiều người mơ đi vòng quanh thế giới, nhưng ít người chịu theo đuổi đến cuối cùng. Thật ra tôi cũng không biết mình đi được đến đâu, lỡ như chỉ sang đến Campuchia là dừng lại. Mà cũng không sao, miễn là đúng ngày đó tôi xuất phát - thế là mãn nguyện”, Đăng Khoa trải lòng.
Thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy thật sự rất khó. Khoa cho rằng ngoài vấn đề giấy tờ, rào cản lớn nhất là dư luận xã hội. Mỗi khi ai đó muốn làm một điều thật đặc biệt, họ lại gặp phải chỉ trích như sao không làm từ thiện, sao không ở nhà chăm sóc cha mẹ già, tại sao và tại sao… Quá nhiều câu hỏi khiến người ta nhụt chí và bỏ cuộc.
“Tôi may mắn đi được đến cùng nhờ biết cách nuôi dưỡng khát khao và từng bước hiện thực hóa chuyến đi. Với những ai còn đang dang dở, hãy cứ nuôi dưỡng ước mơ ở đó, một lúc nào đó cũng sẽ thực hiện được, như chính tôi cũng từng gác lại chuyến đi rất nhiều lần”, phượt thủ 30 tuổi kết lại.