Là quần đảo duy nhất nằm ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc cách Vũng Tàu 180 km, Côn Đảo ngày nay được biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng nơi trần gian khi sở hữu hơn 200km đường bờ biển với những tắm đẹp và hoang sơ, làn nước trong xanh, những rạng san hô đầy màu sắc. Tuy nhiên Côn Đảo còn có nhiều hơn thế để khám phá.
1. Thời gian thích hợp cho chuyến phượt Côn Đảo
Côn Đảo có khí hậu nhiệt đới: từ tháng 11 tới tháng 4 là mùa khô ở Côn Đảo, trời có gió mùa Đông Bắc; từ tháng 5 tới tháng 10 là mùa mưa có gió mùa Tây Nam. Từ tháng 10 đến hết tháng 2 là thời gian biển động, đi lại khó khăn và các chi phí sinh hoạt tại Côn Đảo khá đắt đỏ. Bạn nên đi bằng máy bay nếu muốn đến Côn Đảo vào thời gian này.
Từ tháng 3 đến tháng tháng 9 là thời gian đẹp để phượt Côn Đảo (đẹp nhất là từ tháng 3 tới tháng 5) vì thời gian này biển êm sóng, có mưa nhưng thời gian mưa ngắn, chỉ 1 vài tiếng trong ngày. Nếu đến Côn Đảo vào thời gian này có thể đi máy bay hoặc tàu.
2. Phương tiện đến Côn Đảo
Nằm cách Vũng Tàu 180 km đường biển, Côn Đảo là đảo ngoài khơi xa nên chỉ có 2 cách đưa bạn tới Côn Đảo:
Đi bằng máy bay
Từ TpHCM: sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Cỏ Ống, Côn Sơn (Côn Đảo). Thời gian bay khoảng 45 phút của hãng Vasco hoặc Airmekong, Vietnam Airlines. Bạn cũng có thể đi từ sân bay Nội Bài/ sân bay Cần Thơ đi Côn Đảo.
Đi bằng tàu
Để tiết kiệm chi phí cho chuyến phượt bạn có thể tới Côn Đảo bằng tàu khách. Hiện có 2 tàu chở khách ra Côn Đảo: Tàu Côn Đảo 09 có sức chứa khoảng 238 giường, là những phòng tập thể trên 30 giường/phòng. Tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường. Phòng từ 6 giường đến 10 giường. Tàu chỉ hoạt động trong điều kiện thời tiết tốt.
Nếu bị say tàu bạn nên mua vé nằm tầng hầm dưới khoang giữa dù hơi ngột ngạt nhớ nằm nghiêng và co người lại. Tàu CD09 chở hàng thì tàu ít lắc lư hơn tàu CD10. Căn-tin nhỏ trên tàu chỉ phục vụ các loại nước uống đóng chai, mì tôm và các loại bim bim nên cần chuẩn bị sẵn đồ ăn tối.
Tàu thường khởi hành lúc 17h00 từ cảng Cát Lở, Tp.Vũng Tàu, chạy đến 5h00 sáng hôm sau thì đến cảng Bến Đầm, Côn Đảo và ngược lại. Từ cảng Bến Đầm đi vào trung tâm thị trấn Côn Sơn còn khoảng 12km nữa.
3. Phương tiện di chuyển trên Côn Đảo
Di chuyển từ bến tàu/sân bay vào trung tâm đảo Côn Lôn, nếu đi đông theo nhóm, bạn có thể thuê taxi cho rẻ.
Nếu đi bằng tàu thủy, bạn có thể mang theo xe máy lên tàu (trên đảo an ninh rất tốt nên không lo mất xe), khi tới đảo dùng xe máy làm phương tiện di chuyển, các đoàn phượt cũng thường đi theo cách này. Lưu ý nếu bạn mang xe máy lên tàu thì phải tháo hết xăng xe ra trước khi cho lên boong và cột dây xe chắc chắn an toàn (yên tâm lúc hạ xe xuống bến bạn sẽ được trả lại xăng).
Nếu không bạn có thể thuê xe máy để đi tự do chỉ với trên dưới 120.000/ngày/xe hoặc 30.000/giờ. Vì cả đảo chỉ có 1 cây xăng nên bạn cần kiểm tra kĩ bình xăng trước khi lên đường . Nếu đi một mình bạn cũng có thể thuê xe ôm theo tuyến bạn chọn họ sẽ phục vụ bạn với giá khoảng 300.000 nghìn/ngày. Ngoài ra ở Côn Đảo cũng có dịch vụ cho thuê xe đạp với giá khoảng 30.000 nghìn/ngày.
Côn Đảo còn có các hòn đảo xung quanh bạn có thể khám phá bằng cách thuê thuyền hoặc cano với giá thuê khoảng 5 triệu đồng cho một chiếc thuyền chở 20 người sáng đi chiều về. Nếu muốn qua đêm tại các đảo bạn có thể thỏa thuận thêm.
4. Những địa điểm tham quan thú vị cho chuyến phượt Côn Đảo
Để chuyến phượt Côn Đảo thêm hiệu quả và ý nghĩa, bạn có thể lên trước lịch trình khám phá Côn Đảo trong thời gian từ 2 – 3 ngày gắn liền với việc khám phá các địa danh:
- Dinh Chúa Đảo: Dinh Chúa Đảo là phòng trưng bày của bảo tàng Côn Đảo. Ở đây bạn sẽ được nhận huy hiệu của di tích, nghe thuyết minh về hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo. Sau đó lần lượt đến tham quan từng điểm di tích nổi bật: Trại Phú Hải: trại giam lớn nhất và cổ nhất; Chuồng Cọp Pháp - Mỹ: trại giam nổi tiếng khắc nghiệt nhất; khu biệt lập Chuồng Bò - di tích bãi sọ người: hầm tra tấn - nghĩa địa đầu tiên trên đảo; viếng nghĩa trang Hàng Dương - Mộ Cụ Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu; thăm An Sơn Miếu - nơi thờ Thứ Phi Hoàng Phi Yến vợ Chúa Nguyễn Ánh
- Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh: một chiếc cầu chứng kiến về việc lao động khổ sai của người tù
- Khám phá rừng nguyên sinh Sở Rẫy - Bãi Ông Đụng với những âm thanh khung cảnh diệu kì của thiên nhiên Côn Đảo. Hoạt động khám phá rừng nguyên sinh khá thú vị, bạn nên chuẩn bị giày cao cổ nếu muốn vào tham gia. Nên chuẩn bị thuốc chống dị ứng, các loại thuốc cá nhân hay dùng, một số đồ ăn liền để nạp thêm năng lượng do mua sắm ở Côn Đảo khá mất công, bạn nên mang theo để chủ động.
- Leo núi Thánh: với độ cao 577m lên Núi Thánh bạn sẽ ngắm được toàn cảnh Côn Đảo và thưởng thức không khí cực kỳ mát mẻ trên này. Bạn có thể lên núi được bằng xe gắn máy. Đây cũng là hoạt động khiến cho chuyến phượt Côn Đảo của bạn trở nên thú vị hơn.
- Tắm biển tại Bãi Đầm Trầu, bãi tắm hoang sơ đẹp nhất Côn Đảo với biển đẹp thơ mộng, thiên nhiên hùng vĩ (trước khi đến Bãi Đầm Trầu bạn có thể ngang qua Miếu Cậu, thờ Hoàng Tử Hội An con của Chúa Nguyễn Ánh và Thứ Phi Hoàng Phi Yến)
- Tham quan khu vực Cảng Bến Đầm với các địa danh Mũi Cá Mập, Đỉnh Tình Yêu, Bãi Nhát (bãi vượt ngục)
- Bạn có thể thuê thuyền ra đảo xem san hô, tắm biển, câu cá, xem rùa: Hòn Cau - Bảy Cạnh - Vịnh Đầm Tre - Hòn Tài
Các hoạt động vui chơi về đêm ở Côn Đảo còn ít và khá hạn chế. Nếu đi tập thể, tối đến các bạn có thể giao lưu lửa trại, văn nghệ tại bãi biển ở trung tâm; hoặc có thể giao lưu với đoàn viên thanh niên của đảo hoặc với các lính đảo. Nếu phượt một mình bạn có thể dành thời gian nghỉ ngơi khám phá Côn đảo còn rất hoang sơ.
5. Ăn uống tại Côn Đảo
Dịch vụ ăn uống tại Côn Đảo khá đắt, quán ăn cũng không có nhiều. Quán ăn nổi tiếng thì có quán Tri Kỷ (Khu 5, đường Nguyễn Đức Thuận) và quán Thu Ba (ngay chợ Côn Đảo - Võ Thị Sáu), một đĩa Ốc vú nàng ở đây giá rơi vào khoảng 120 đến 150 nghìn. Bạn cũng có thể tham khảo quán ăn bình dân như quán Gia Đình đường Trần Phú, quán Dê Lang Thang đường Võ Thị Sáu, một vài quán ăn trên đường Nguyễn Huệ.
Ăn tối bạn có thể đến với khu chợ đêm Côn Đảo có khá nhiều hàng quán đã được mở với bún phở hải sản…giá chỉ rơi vào khoảng 20.000 đến 50.000/suất tùy món ăn. Nếu muốn ăn cơm bụi, bạn có thể tới khu vực chợ Côn Đảo. Dù là chi phí ăn uống đắt đỏ nhưng có một đặc điểm là các quán ăn Côn Đảo đều cho trà đá miễn phí.
Đặc sản Côn Đảo thì có ốc vú nàng và mứt hạt bàng. Ốc vú nàng có thể nướng, luộc, ăn gỏi đều ngon tuyệt vời. Ốc vú nàng ở Côn Đảo có quanh năm và nhiều nhất vào những ngày trăng tròn. Mứt hạt bàng là một món ăn độc đáo làm từ hạt của cây bàng – loài cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người Côn Đảo. Vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng ở đầu lưỡi, mang đến một món mứt vừa ngon lại rất lạ rất đặc trưng Côn Đảo.
Côn Đảo không phong phú về các món ăn hải sản như các nơi khác nhưng cũng không ít các món ngon và nguồn hải sản đặc biệt tại xứ đảo như cá khô xủng sỉnh, ghẹ, cua mặt trăng, nghêu Côn Đảo, tôm hùm, tôm mú ni, cá mú sao đỏ, mú đen, cá thu, mực tươi, mực một nắng, mực dẻo, cá thu một nắng…
Nếu bạn đi theo nhóm đông, khách sạn có cho mượn đồ để nấu nướng, bạn có thể mua mực tươi về tự chế biến. Buổi sáng chịu khó dậy sớm ra cầu tàu du lịch ở đối diện nhà khách Phi Yến hoặc khu bãi biển trước Côn Đảo Camping để săn các tàu câu mực ban đêm họ về đậu ở đây. Giá cả rẻ hơn mấy chục nghìn mà lại được mua mực tươi "chính chủ".
Nguồn: Theo Nắng Mai – Mytour