Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Cô gái Malaysia đạp xe đi khắp thế gian

Lên đường từ năm 2014, đến nay cô gái người Malaysia Phoebe Tan đi qua Đức, CH Séc, Áo, Ý, Croatia, Montenegro, Albania, Hy Lạp, Macedonia, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...


Theo tờ The Star (Malaysia) ngày 23-3, trước khi bắt đầu hành trình du ngoạn thế giới, Phoebe Tan làm kiểm định chất lượng cho một công ty có trụ sở ở Anh. Năm 2014, nghe theo tiếng gọi của thiên nhiên, cô quyết định nghỉ việc để lên đường.

Điều trớ trêu là cho đến thời điểm đó, cô chưa từng yêu thích đi xe đạp, và chiếc xe có biệt danh Thorn cũng không phải là "chiến xa" lý tưởng khi nó là món quà anh cô tặng cô từ năm... 2006 và chủ yếu bị cất trong kho.

Ban đầu, cô đi cùng một người bạn. Họ khởi hành từ Phần Lan đến Na Uy. Do không có kinh nghiệm và cũng chưa từng tham gia khóa tập huấn nào, cô cứ cắm đầu chạy theo bạn.

Trong 3 ngày đầu, cô đạp 140km/ngày, hậu quả là khi đến nơi, cô quăng xe bên vệ đường và nằm dài dưới đất. "Tôi bị đau cơ dữ dội do đi không đúng cách", cô kể.

Người bạn sau đó trở về, còn cô tiếp tục đạp xe đi Đan Mạch. Sau đó cô đạp xe đi tiếp các quốc gia Đức, Cộng hòa Séc, Áo, Ý, Croatia, Montenegro, Albania, Hy Lạp, Macedonia, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Armenia, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Quốc gia mà tôi đi lâu nhất là Trung Quốc, tôi đã ở đó 4 tháng, sau đó là Hàn Quốc 2 tháng", cô nói.



"Nước tôi thích nhất là Tajikistan ở Trung Á. Tôi rất nhớ nơi đó với thiên nhiên đẹp hoang sơ, con người hiếu khách, những đứa trẻ tò mò, những lần đạp xe qua những con đường gồ ghề cứ như đua xe địa hình, những hôm ngủ và và thức dậy với chiếc lều và xe đạp đầy tuyết trắng...", cô tâm sự.

Cô cho biết mình không có tài trợ, toàn bộ chi phí chuyến đi là tiền cô dành dụm nhiều năm qua. Cô cũng chia sẻ một số kinh nghiệm để ít tốn kém. Đầu tiên là hạn chế thuê khách sạn hay nhà nghỉ - vừa tốn tiền vừa không thú vị.

Thay vào đó cô ở nhà dân - hoặc là nhà bạn, hoặc nhà người quen của bạn, vừa ấm cúng vừa giúp cô có được hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người dân địa phương.

Đôi khi cô căng lều ngủ để tận hưởng thiên nhiên. Chỉ khi nào cần nghỉ ngơi giữ sức hoặc thời tiết xấu hoặc phải viết blog cô mới thuê nhà nghỉ.

Để liên lạc, cô chỉ mua thẻ sim nếu định ở lại quốc gia đó hơn 1 tháng, còn lại cô dùng wifi miễn phí ở các khu nhà tập thể.


Nếu không biết tiếng địa phương? Theo cô đó không phải là vấn đề lớn. "Bạn chỉ cần học một số từ cơ bản và có ích, biết tên địa phương của nơi bạn muốn đến để dễ hỏi đường. Bạn cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể và bản đồ", cô "mách nước".

Cô cho biết mình không thường xuyên liên lạc với những người đi xe đạp từ các nước khác thông qua các nhóm trên mạng. Thường trước chuyến đi, cô chỉ đọc vài blog và tham gia một vài nhóm khi đang đi, sau đó ngưng theo dõi nhóm vì cô không có thời gian và vì cô muốn được cảm nhận thực tế nhiều hơn.

Vậy làm sao để giữ an toàn khi đi du lịch một mình? "Hãy tin vào bản năng của bạn. Nếu bạn cảm thấy có gì đó không ổn, hãy tránh xa ngay. Hãy cứng rắn và không hành xử như một nạn nhân dễ dàng buông xuôi. Đừng mang theo nhiều tiền, chỉ cần đủ sống, cũng không cất tiền ở cùng một chỗ mà để nhiều nơi khác nhau. Cũng không để lộ ra đồ đạc có giá trị ở nơi công cộng", cô khuyên.

Nếu như xe bị hư giữa đường thì sao? Cần trang bị một số kỹ năng cơ bản để có thể sửa xe - cơ bản thôi chứ không cần chuyên nghiệp như thợ sửa xe. Trường hợp không thể sửa xe, hoặc xe bị thủng lốp, hãy dẫn bộ tìm người giúp.

"Chỉ cần bạn luôn cười. Nụ cười là ngôn ngữ chung mà mọi người đều biết, và nó luôn luôn hiệu quả", cô nói.



Với những cô gái muốn một mình đạp xe đi du lịch, cô khuyên họ cứ mạnh dạn lên đường vì những lo sợ hay nguy hiểm mà mọi người thường nghĩ đến có thể không xảy ra.

Quan trọng là phải biết linh hoạt, không giới hạn mình vì kế hoạch có thể thay đổi.

"Chỉ có một quy tắc, đó là vui vẻ!", cô nói.

Theo Tuoitre