Tuy không lãng mạn, thơ mộng như “phố núi ngàn hoa”, nhưng Buôn Ma Thuột cũng là vùng đất hoang sơ, hùng vĩ khiến ta thổn thức. Khách du lịch đến đây có thể khám phá một cung bậc khác của “bản nhạc” Tây Nguyên hùng vĩ, nơi bạn được cảm nhận và thăng hoa cùng những nét riêng của vùng đất cao nguyên huyền thoại.
Nếu không có thời gian, bạn cũng có thể khám phá Ban Mê với bán kính khoảng 40 km quanh thủ phủ Đăklăk. Các phượt thủ có thể tới hầu hết các điểm đến tuyệt vời ở Tây Nguyên chỉ trong 2 ngày.
Hồ Lắk
Đến với Hồ Lắk, khách du lịch Buôn Ma Thuột có thể cưỡi voi hoặc đi thuyền độc mộc để ngắm cảnh hồ. Khi lên bờ bạn có thể đi dã ngoại vào buôn làng Mơ Nông hoặc đi sâu vào trong rừng để khám phá cuộc sống của chim chóc, muông thú.
Cư dân sống xung quanh hồ chủ yếu là người Mơ Nông vẫn giữ được những nét văn hoá dân tộc truyền thống. Những nghề thủ công, lễ hội truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trồng H’gơr, chiêng, ché cổ và những ngôi nhà dài truyền thống của người Mơ Nông sẽ là điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.
Buôn Đôn
Khu du lịch Bản Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 40km về hướng Tây trên tỉnh lộ 1. Du khách đến đây cũng đừng quên cưỡi voi dạo chơi qua lưu vực dài của sông Sêrêpok, nơi dòng chảy được tách ra thành bảy nhánh và chung quanh là những khu rừng bao bọc.
Chiếc cầu tre độc đáo, được lót sàn và lan can bằng tre đều tăm tắp xuyên qua rặng si già bắc ngang dòng sông chảy xiết là hình ảnh ấn tượng về cây cầu tre ở Buôn Đôn. Dài hơn 100 m, cây cầu treo này mang đến cảm giác dập dềnh nhưng vô cùng chắc chắn cho những bước châm khá phá sông núi Buôn Đôn.
Thác Dray Sap
Thác Dray Sap sở hữu độ cao khoảng 50m, trải dài 100m, có thể nói đây là ngọn thác đẹp và hùng vỹ nhất Tây Nguyên. Theo tiếng tộc người Êđê Đray Sáp có nghĩa là thác khói. Sở dĩ thác có tên như vậy là bởi nó gắn liền với truyền thuyết nàng H’mi xinh đẹp khi đang ngồi tự tình với người yêu bên con thác thì bị quái vật nuốt chửng, biến thành những cột khói khổng lồ.
Còn chàng người yêu ngày đêm ngồi bên bờ suối than khóc nàng đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá. Thác Đray Sáp ào ào tuôn trào suốt ngày đêm bên những vách đá sừng sững - bệ bám của hàng trăm loài dây leo như những con trăn dài khổng lồ nằm vắt vẻo lưng chừng núi.
Ẩm thực Tây Nguyên
Đời sống của dân tộc thiểu số Đắk Lắk chủ yếu dựa vào núi rừng. Do đó văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây cũng sẽ mang đậm sắc thái của rừng núi. Với những nguyên liệu thô và tự nhiên như tre nứa, cá suối, thịt rừng, rau rừng... người dân nơi đây sử dụng phương pháp chế biến vô cùng đơn giản để làm tăng độ tươi và ngon của món ăn. Phương thức làm chín món ăn phổ biến nhất mà mọi người dễ dàng nhận thấy đó là nướng. Nói đến các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Đắk Lắk phải nhắc đến cơm lam và gà sa lửa.
Tổng hợp.