Du lịch về với cố đô Huế thường chúng ta sẽ nhắc đến Hoàng Thành cổ kính hay Lăng Cô mộng mơ. Tuy nhiên, nếu xuôi theo dòng Đông Ba, sẽ bắt gặp một khu phố cổ mang tên Bao Vinh, thương cảng sầm uất của chốn kinh kỳ đóng vai trò là cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong của các chúa Nguyễn thời bấy giờ.
Sơ lược về khu phố cổ
Cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh là một thương cảng cổ sầm uất của Đàng Trong. Khu cảng ra đời trên phần đất thuộc hai làng cổ Minh Hương và Địa Linh, thuộc xã Hương Vinh, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Đông Bắc, trên bờ sông Hương.
Nơi này bắt đầu sầm uất từ đầu thế kỷ XVII, khi các thương thuyền Trung Quốc, Ma Cao cũng như một số nước châu Âu đến đây buôn bán, trao đổi hàng hoá. Dấu tích còn lại của một thời hưng thịnh ấy là những ngôi nhà cổ đã gần 200 năm tuổi xen kẽ mang nhiều kiểu kiến trúc khác nhau nằm xem kẽ. Khi là kiểu nhà thấp ba gian thời phong kiến, khi là kiểu nhà tứ giác thời Pháp thuộc. Tất cả kết hợp hài hòa tạo nên một khu phố bình dị, mộc mạc đến lạ.
Đình làng Bao Vinh
Đến thăm Bao Vinh, các phượt thủ đừng nên bỏ qua ngôi đình cổ xưa nằm ngay con dốc phía trước đường dẫn vào làng với hai cây đa sừng sững, uy nghiêm. Đã không ai còn nhớ rõ ngôi đình được xây dựng từ khi nào, chỉ biết rằng nó được xây dựng để thờ Ngài khai canh họ Phạm, cũng là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong làng.
Hằng năm, vào mùng 7 tháng Chạp âm lịch, dân làng đều tụ hội về đây dâng bái, tổ chức những sự kiện vô cùng linh đình. Lúc này, khoảng sân rêu phong buồn bã bỗng khoác lên mình một nét long trọng, và náo nhiệt. Mái đình cổ xưa phảng phất làn khói hương nghi ngút, tạo nên một cảm giác bồi hồi cho bất cứ ai đặt chân đến.
Những bến đò ngang
Hình ảnh những chiếc đò ngang tưởng chừng chỉ còn tồn tại trong thơ ca, ấy mà vẫn còn hiện hữu thường nhật trong lòng phố thị. Sở dĩ gọi là bến đò ngang bởi khách lên đò chỉ qua lại giữa Bao Vinh với làng Sình, làng Phú Mậu, làng Thanh Tiên,… ở bên kia sông. Họ thường gánh những thúng rau rau cải mơn mởn hay những món đặc sản từ làng bên sang Bao Vinh để trao đổi hàng hóa. Cứ thế đều đặn mỗi ngày, dần dần tạo nên một nghĩa tình sâu nặng đối với nơi này.
Khi đến thăm những khu chợ, bạn sẽ có cái nhìn rõ nét nhất về nếp sống của những dân cư Bao Vinh. Chợ nhỏ, không nhiều gian hàng, không nhiều khách vào ra, nhưng lại vô cùng đa dạng về chủng loại sản phẩm. Đặc biệt vào dịp cận Tết, khắp nơi tràn ngập những sản phẩm của các làng nghề truyền thống gần đó, như hoa giấy thờ cúng của làng Thanh Tiên bên kia sông, như tượng ông Táo của làng Địa Linh,… thấm đượm truyền thống xứ Huế.
Thiên Giang Tự
Nằm ở điểm cuối của phố cổ, ngôi chùa này đã trải qua bao biến cố thăng trầm trong lịch sử đất nước ta thời phong kiến. Không thể xác định được chính xác thời gian xây dựng nhưng theo các tư liệu còn sót lại thì ngôi chùa cũng đã hơn 200 năm tuổi.
Thiên Giang Tự mang nét kiến trúc thời Lý Trần. Bên trong chùa hiện vẫn còn bức tượng Phật bằng đất nung được điêu khắc đậm nét thuần Việt, bên phải là miếu Thành hoàng, bên trái là miếu Âm linh. Tại đây không có bất kỳ tăng lữ nào sinh sống, mà chỉ được trông nom bởi một ban hộ tự lão thành. Tuy khá đơn sơ, nhưng Thiên Giang Tự vẫn còn duy trì “hũ gạo tình thương” để giúp đỡ cho những đồng bào gặp hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.
Những mảnh đời trầm lặng
Vẻ đẹp ở đây không chỉ ở những công trình cổ xưa mà còn ở những con người hiền hòa, đôn hậu. Dù cuộc có phần nhọc nhàn, vất vả những họ vẫn giữ được trên môi nụ cười lạc quan cùng tính cách cởi mở đáng quý. Mỗi một ngày trôi qua, đối với người dân Bao Vinh là mỗi một ngày ý nghĩa, họ sẵn sàng giúp đỡ và trân trọng mọi thứ đang hiện hữu trước mắt.
Nguồn Tổng hợp