Cũng có vài cuộc tranh luận trên các diễn đàn mạng để trả lời câu hỏi: Phượt là gi? Nguồn gốc từ đâu ra? Tiêu chí xác định mức độ phượt?… Nhưng các cuộc tranh luận ấy đều chỉ mang tính chất tương đối và chưa đem lại câu trả lời xác đáng. Để hiểu thế nào là "phượt", chúng ta phải nhắc lại các khái niệm đi lại, nghỉ dưỡng trong hoạt động du lịch.
Một vài hình thức du lịch
Đi tham quan là đi xem tận mắt để học hỏi. Địa điểm và thời gian luôn được xác định trước như là: tham quan lăng Bác, thành Cổ Loa từ sáng đến chiều, hay đi chùa Hương 2 ngày; thậm chí đối với một số người là được đi tham quan học tập mô hình XYZ ở nước ngoài một vài tháng… Đặc trưng tiêu biểu nhất của hình thức này là có tổ chức, chi phí thấp, xem tận mắt, sờ tận tay với mục đích để biết, để học hỏi.Đi du lịch là rời khỏi nơi thường trú của mình, đi đến vùng đất khác để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, cảm nhận những giá trị văn hóa ở nơi xa lạ. Trước kia khi đời sống còn khó khăn, chưa ai nghĩ đến việc đi du lịch vì nó cùng nghĩa với sự tốn kém và xa xỉ. Nhưng khi trình độ phát triển kinh tế xã hội đạt những tầm cao mới, đời sống người dân được nâng cao, đây là một nhu cầu tất yếu của con người sau những tháng ngày làm việc căng thẳng. Khái niệm du lịch rộng hơn khái niệm tham quan. Đi du lịch có thể đi theo nhóm, có thể đi một mình nhưng khác cơ bản với tham quan là chủ động thời gian, không gian và chi phí; mục đích chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Đi nghỉ dưỡng là đến một chỗ sang trọng tiện nghi hơn bình thường để thăm thú và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Đi nghỉ dưỡng là bậc cao nhất của du lịch và chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhu cầu bản thân. Nếu như đi du lịch nước ngoài vẫn phải tuân theo những lịch trình nhất định của công ty lữ hành tổ chức, thì đi nghỉ dưỡng có thể ngủ vùi 10 ngày không ra khỏi giường trong một khu resort sang trọng mà không bị ai làm phiền. Vài năm trở lại đây, một số tầng lớp trên của xã hội đã rời xa khái niệm "đi du lịch" và dịch gần về khái niệm "đi nghỉ"
Mỗi loại hình thường phù hợp với một đối tượng khách nhất định. Tham quan thường được tổ chức cho các em học sinh tiểu học, phổ thông; du lịch theo tour dành cho đại đa số dân cư trong xã hội có mức thu nhập trung bình; nghỉ dưỡng với chi phí khá cao chỉ phù hợp với tầng lớp trên của xã hội.
Phượt là gì?
Nhưng giới trẻ hiện nay lại thường đánh giá nhau thông qua một loại hình "nghỉ dưỡng khổ sai" mà họ gọi là "Phượt". "Phượt" trong tiếng Anh được gọi là backpacking; và những "phượt gia" được gọi là backpacker-chỉ những người năng đi lại, dịch chuyển. "Phượt" không phải là từ lóng trong du lịch. Phượt vượt ra khỏi tầm kiểm soát của du lịch.Theo giải thích của một vài người trên các diễn đàn thì: Khi người ta đã chán mọi thứ tròn trịa cũ kỹ, chán sự tiện nghi chăn ấm nệm êm, chán cuộc sống buồn tẻ lặp đi lặp lại, chán cái ngột ngạt của cuộc sống đô thị thì chuyển sang "phượt". Phượt là những chuyến đi khá vất vả đến nơi "thâm sơn cùng cốc", không định hướng và đôi khi không xác định thời gian; mục đích lớn nhất mà "phượt" đem lại là giải thoát tinh thần trong những chuyến đi xa.
Xét về bản chất thì "đi phượt" là một dạng của đi du lịch, nhưng không có nghĩa "phượt" chỉ đơn thuần là du lịch. Nếu "đi phượt" bạn sẽ tự chọn cho mình phương tiện và lộ trình riêng, bằng thời gian không hạn chế, lúc đó bạn có cơ hội khám phá những địa điểm mới lạ, thậm chí còn chưa có trên bản đồ du lịch, đến những nơi mà chưa có tour du lịch nào có thể đặt chân tới.
"Phượt" cũng có thể hiểu như một kiểu du lịch "Tây ba lô" nhưng đôi khi không theo một lịch trình cụ thể, không theo một không gian và thời gian nào hết. Phượt có nghĩa là "thích là đi".
Nói đi nói lại để thấy rằng có rất nhiều cách để giải thích ý nghĩa của từ phượt, nhưng phượt thực sự là gì? những người thích phượt họ là ai?
Những người đi phượt…
Họ tự nhận mình là những con người bình thường, họ ẩn trong vỏ bọc thường nhật của những người bình dị. Đó có thể là 1 doanh nhân, 1 chủ cửa hàng, 1 kiến trúc sư, 1 nhà báo, một người lao động chân tay, một sinh viên… Nhưng tựu chung lại họ đều mang trong mình một niềm đam mê bất tận đó là niềm đam mê với những cung đường.Những người thích phượt là những người thích xê dịch, thích đi đây đi đó. Ngồi một chỗ là họ sẽ cảm thấy chồn chân. Họ có thể đi năm châu bốn biển, có thể đi tới những nơi mà ít có người nghĩ đến và biết đến. Những chuyến đi ấy có thể được thực hiện bằng máy bay, tàu hỏa, ô-tô, xe máy, xe đạp hoặc thậm chí chỉ đơn giản nhất là bằng đôi chân trần. Chỉ miễn là làm sao có thể thoả cái chí phượt đó đây.
Nuôi sống niềm vui phượt?
Vậy thì bằng cách nào họ có thể nuôi sống niềm vui phượt của họ? Như đã nói ở trên, dân phượt thường là những người bình dị. Họ cũng sống cuộc sống như bao người khác; hàng ngày đi làm, đi học, đi chơi... Nhưng khác với mọi người, những người yêu phượt họ lại luôn dành dụm những đồng tiền kiếm được đổ vào cái đam mê với phượt. Họ dùng tiền mình làm ra được để mua sắm, trang bị cho mình chiếc xe tốt nhất, phù hợp nhất với những chuyến đi phượt, rồi họ luôn nghĩ tới việc phải sắm thật đầy đủ phụ kiện cho những chuyến đi như ba-lô thật lớn, chiếc lều gấp, những bộ giáp bảo vệ, những chiếc máy ảnh xịn... để cố ghi lại những khoảnh khắc, những cảnh đẹp, những gì là thân yêu của đất nước, con người.Đi phượt họ đạt được những gì?
Vì cái thú vui xê dịch của những người đi phượt mà không ít người cho rằng họ là những người ham chơi, rảnh rỗi, vô công rỗi nghề... còn những người đã từng đi phượt cũng có nhiều người cho rằng phượt khiến họ mất khá nhiều thứ như: Ít thời gian ở nhà bên người thân, bạn bè, cứ cuối tuần là biến mất cùng chiếc xe. những ngày nghỉ cũng không có mặt ở nhà với bất kỳ lý do gì đi nữa... Nói chung là mất khá nhiều thứ, hy sinh nhiều thứ. Nhưng tại sao họ lại chấp nhận điều đó? Bởi đơn giản theo họ thì những thứ họ nhận được cũng nhiều không kém.Thứ nhất, họ được thỏa mãn niềm vui và những ước muốn khám phá, còn gì thích hơn là được tới những chỗ mà bao lâu nay thèm thuồng mà chỉ được ngắm nhìn qua những bức ảnh trên báo hoặc các diễn đàn . Họ được cảm nhận sự bao la, rộng lớn của đất trời khi một mình đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ra bốn phía. Họ được cảm nhận rõ nhất cảm giác vượt qua chính bản thân mình, vượt qua sức cản, sức ì của xã hội để đạt tới đỉnh đam mê...
Đối với chúng tôi ham muốn phiêu lưu để trải nghiệm không bao giờ tắt… (Ảnh: danviet.vn)
Thứ hai, những người yêu phượt họ thường có quan điểm "tứ hải giai huynh đệ". Họ là những người có cơ hội đi nhiều, tiếp xúc nhiều, gặp đủ, chơi đủ với mọi kiểu người nên họ được học cách sàng lọc, được luyện tập sự va chạm, tiếp xúc. Qua đó họ sẽ có những người bạn mới ở khắp mọi nơi.
Thứ ba là kinh nghiệm và sự từng trải là những gì họ thu nhận được sau mỗi chuyến đi. Qua mỗi một chuyến đi sẽ giúp cho họ có thêm cho mình những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm va chạm tiếp xúc, kinh nghiệm đi đường, kinh nghiệm nhìn người, chọn bạn... phải nói là được rất nhiều!
Kết phượt là...
Hiên nay vẫn còn khá nhiều những tranh luận về phượt về cách định nghĩa, giải thích đúng đắn nhất về phượt và thậm chí còn có những câu hỏi về việc có hay không những giới hạn mà dân phượt nên tự đặt ra với bản thân cũng như cộng đồng của mình. Thường thì trong một xã hội có rất nhiều quan điểm suy nghĩ, mỗi một lứa tuổi, một tầng lớp xã hội sẽ có những cách nghĩ khác nhau về phượt, nhưng trên hết trong một xã hội văn minh thì chúng ta nên biết lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng cách sống và cách suy nghĩ của người khác... Và những quan điểm, nội dung trong bài viết này cũng chỉ thể hiện dưới một khía cạnh, một góc nhìn của một người đã có những đam mê với phượt, yêu phượt.Mong rằng qua bài viết này cũng như sự chia sẻ với các bạn độc giả để chúng ta cùng nhau hiểu thêm một phần về khái niệm phượt.
Tham khảo 10 kỹ năng của Phượt thủ