Hà Giang không chỉ hấp dẫn du khách ở phong cảnh thiên nhiên hữu tình, những con người hồn hậu mà cả những món ăn ngon. Tận hưởng không khí trong lành vào sáng sớm tại Đồng Văn hay lắng nghe từng nhịp đập của trái tim trên đỉnh cột cờ Lũng Cú chính là những điều khó quên khi tới du lịch Hà Giang.
Núi Đôi
Núi Đôi là thắng cảnh nằm tại quốc lộ 4C, thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Giữa những núi đá trùng điệp là hai trái núi có hình dáng hệt như bộ ngực căng tròn của người thiếu nữ. Xung quanh núi Đôi là những câu chuyện thuyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Một trong số đó là câu chuyện tình đầy cảm động của nàng tiên Hoa Đào và chàng trai H'mông tuấn tú. Hai người phải lòng, nên vợ chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Nhưng chính vì sự ngăn cản của Ngọc Hoàng mà Hoa Đào đã để lại đôi nhũ của mình nơi hạ giới cho con bú. Tương truyền, nhờ dòng sữa ngọt ngào ấy mà khí hậu nơi đây vô cùng mát mẻ, rau trái luôn xanh tươi.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì là một trong những ấn tượng không thể bỏ qua khi tới Hà Giang. Cứ mỗi độ thu về, Hoàng Su Phì lại trở thành điểm hẹn của những người yêu du lịch, yêu cái đẹp mặc cho con đường tới nơi đây khá hiểm trở và khó khăn. Với hàng nghìn hecta ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải dài khắp thung lũng, Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia vào ngày 16/9/2012.
Dinh thự vua Mèo
Nằm tại thung lũng Sà Phìn, dinh thự vua Mèo chính là ngôi nhà quyền lực nhất vùng đất Hà Giang một thời. Công trình có lối kiến trúc nguy nga, bề thế ấy thuộc sở hữu của dòng họ Vương quyền quý và được xây dựng trong vòng 8 năm mới xong. Không chỉ vậy, dinh thự này còn tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên vùng đất hình Kim Quy. Toàn bộ cơ ngơi dựa vào một ngọn núi cao đằng sau, còn phía trước mặt là núi Kim Tự Tháp hay còn gọi là núi Mâm Xôi. Do vậy mà khu dinh thự không bị ảnh hưởng trong những năm chiến tranh và được giữ lại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Toàn bộ dinh thự có ba cung là tiền cung, trung cung và hậu cung bao gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc. Khu dinh thực này có tổng 64 phòng ở với gần 100 người sinh sống. Năm 1993, dinh thự vua Mèo được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó, ngôi nhà đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú chính là điểm đánh dấu cực Bắc tại đỉnh Lũng Cú hay còn gọi núi Rồng (Long Sơn). Mặc dù theo đo đạc, điểm cực Bắc còn cách nơi đây 2 km nữa nhưng với nhiều người Việt Nam, cột cờ Lũng Cú vẫn như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.
Nằm trên độ cao 1.700 m, cột cờ Lũng Cú hiện nay là kết quả sau những lần sửa chữa và xây dựng mới. Theo thiết kế mới này, cột cờ Lũng Cú có hình bát giác giống cột cờ Hà Nội với 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Để tới được đỉnh cột cờ, bạn phải vượt qua 389 bậc thang đá và 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ. Chỉ khi đó bạn mới chạm tay được tới lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 và chiêm ngưỡng được khung cảnh rộng lớn, yên bình xung quanh.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn dù không có quy mô lớn như phố cổ Hà Nội hay Hội An nhưng nơi đây vẫn mang những bản sắc riêng, hấp dẫn du khách. Phố cổ Đồng Văn có khoảng 40 nóc nhà trên dưới 100 tuổi nằm cạnh nhau dưới chân núi đá. Ban đầu, nơi đây chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống.
Do vậy kiến trúc trên mỗi ngôi nhà là sự giao thoa giữa phong cách bản địa và Trung Hoa. Đó là những ngôi nhà hai tầng lớp ngói âm dương hay những chiếc đèn lồng đỏ treo trước hiên. Điều hấp dẫn du khách nhất khi tham quan chính là chợ Đồng Văn, đây là công trình có dạng chữ U, mang đậm vẻ đẹp của cao nguyên đá.
Vào ngày 14, 15 và 16 âm lịch hàng tháng, những ngôi nhà cổ tại đây sẽ treo đèn lồng đỏ và tổ chức các hoạt động nghệ thuật như trưng bày thổ cẩm, trình diễn văn nghệ... Ghé thăm phố cổ Đồng Văn những ngày này, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đậm sắc màu dân tộc.
Cháo ấu tẩu
Cái lạnh trên cao nguyên đá khiến người bản xứ mày mò tìm ra món ăn giữ nhiệt mang tên cháo ấu tẩu. Không giống những loại cháo thông thường, cháo ấu tẩu có vị đắng ngắt nơi đầu lưỡi khiến nhiều người phải lắc đầu. Thế nhưng càng ăn, vị đắng ấy càng hấp dẫn lại khiến ai nấy đều muốn thưởng thức mãi không thôi.
Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi. Sau đó phần ấu tẩu này được trộn cùng gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn.
Ấu tẩu là loại củ có tính độc, được người Mông trồng nhiều trên núi. Loại củ này thường được ngâm rượu để thoa ngoài da trị đau lưng hay nhức xương. Trước đây, củ ấu tẩu được dùng nấu cháo để giải cảm. Sau này cháo mới được cho thêm nhiều loại gia vị khác để trở thành đặc sản nơi cao nguyên đá.
Tổng hợp.