1. Lựa chọn lịch trình
– Lên lịch trình hợp lý là điều kiện tiên quyết để một chuyến du lịch xuyên Việt diễn ra trọn vẹn. Thông thường, một chuyến đi xuyên Việt nên đi qua từ 10 – 15 địa điểm, trong khoảng thời gian từ 10 – 30 ngày. Trong đó có những điểm không thể bỏ qua như: Phong Nha (Quảng Bình), Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Tây Nguyên, Đà Lạt (Lâm Đồng), TP.HCM… và những địa danh cắm mốc biên giới.
– Tuyến đường Bắc – Nam hiện có hai trục chính là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Quốc lộ 1A đi qua các đô thị chính, nhiều danh thắng nổi tiếng nhưng đông xe tải và vận tốc lưu thông thấp. Đường Hồ Chí Minh hoang sơ, băng rừng vượt núi, vắng dân cư và qua các địa danh lịch sử. Nên cân nhắc việc kết hợp đi hai đường để có thể trải nghiệm và thăm thú nhiều hơn.
– Nếu bạn đi bằng xe máy, hãy hoạch định trước xem liệu mình có tiếp tục đi xe máy chiều về hay bạn sẽ đi tàu, máy bay để tiết kiệm thời gian, sức lực.
2. Tính toán thời gian
– Dự trù thời gian cho toàn chuyến đi cũng như thời gian ở tại mỗi địa danh cụ thể. Trung bình mỗi ngày bạn chỉ nên đi xe máy khoảng dưới 200km để có thời gian thăm thú nhiều hơn. Cũng cần trừ hao thời gian cho những trường hợp phát sinh, thăm thú bạn bè người thân để dự liệu thời gian được chính xác.
Xem thêm : Cho những bạn lần đầu đi phượt
– Bạn nên khởi hành sớm và đến điểm nghỉ trước khi trời tối, tránh đi đường ban đêm. Để dự trù cho trường hợp đi đường lúc trời tối, bạn nên đổ đầy xăng ngay khi bình chỉ hơi cạn, hoặc khi gặp trạm xăng ở các thị trấn, làng mạc, tránh trường hợp hết xăng giữa chốn đồng không mông quạnh.
3. Hành lý, đồ dùng mang theo
– Không nên mang quá nhiều đồ khi đi xuyên Việt, nó sẽ khiến bạn khó di chuyển, nhưng cũng không nên sơ sài, tránh việc phát sinh gây tốn kém cũng như không sẵn có trên đường. Những đồ dùng thiết yếu bao gồm quần áo, giấy tờ, thuốc men, máy ảnh… và quan trọng nhất vẫn là tiền.
Nên chia đồ làm hai túi. Một túi với những đồ dùng quan trọng và luôn mang theo người. Túi còn lại là quần áo và những thứ có thể để lại xe mỗi khi cần đi bộ, để tránh mang vác nhiều. Những thứ quan trọng nhất như chìa khóa xe, tiền nên cất giữ kín đáo.
4. Tìm hiểu kỹ tình hình xã hội cũng như giao thông nơi đến
– Tập bản đồ hành chính Việt Nam với đầy đủ chi tiết về tuyến đường và chiều dài, sẽ giúp bạn xác định đường đi nhanh nhất. Ngoài ra, sử dụng điện thoại có bản đồ số với định vị GPS cũng là giải pháp tối ưu.
– Tìm hiểu kỹ về những địa danh nơi bạn đến, phong tục tập quán và cả những món ăn truyền thống. Có thể in thông tin thành nhiều bản giấy, tận dụng mỗi khi nghỉ ngơi mang ra đọc.
– Đừng ngại hỏi thêm thông tin từ người dân bản địa. Thái độ lịch sự, thân thiện và lễ phép sẽ khiến bạn nhận được nhiều thông tin bổ ích.
5. Địa điểm ăn nghỉ
– Nếu có người thân quen tại địa phương hãy nhờ họ tư vấn, giúp đỡ.
– Thông thường, có rất nhiều nhà nghỉ ở xung quanh các địa danh du lịch, quanh bến xe hoặc nơi trung tâm. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn nên tìm phòng trọ, nhà nghỉ bình dân ven đường quốc lộ hay bến xe. Nhớ kiểm tra phòng và hỏi giá trước khi quyết định thuê. Không nên nghỉ lại nơi an ninh thiếu an toàn, tránh xa các tệ nạn.
– Với quán ăn, khi ăn tại đường quốc lộ, bạn nên vào quán nhiều xe tải dừng ăn và hãy tránh xa nơi xe khách dừng. Dân xe tải thường biết chọn quán ăn ngon hơn là các nhà xe, vốn thường cho khách ghé vào ăn những quán thân quen để nhận tiền hoa hồng.
Xem thêm: 11 phượt thủ nổi tiếng Việt Nam
– Danh sách những quán ăn ngon ở mỗi địa phương được chia sẻ rất nhiều trên mạng, bạn có thể ghi chú lại trước khi đi sẽ giúp ích nhiều. Nên khảo sát một vòng các quán ăn trước khi quyết định và ưu tiên chọn quán đông khách. Cũng không nên ngần ngại hỏi người dân địa phương, nhiều khi bạn sẽ nhận được những lời khuyên thú vị.
Cuối cùng, chúc bạn có một chuyến hành trình đầy thú vị và nhiều may mắn!
Theo Ihay