Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Bốn mùa phiêu du

Nếu bạn là một người lữ hành đúng nghĩa, là người đi chỉ vì được đi như Che Guevara nói thì sẽ có được những trải nghiệm bất ngờ trên đường xa vạn dặm, nhưng bạn cũng có thể mất đi những điều đẹp nhất ở nơi bạn đến vốn chỉ diễn ra trong vài ngày hay một mùa nhất định.

Có lẽ vì lý do đó mà mùa hè tại các bãi biển luôn chật kín người trong khi mùa xuân người ta lại ngồi ngắm hoa anh đào rơi lãng mạn đến nao lòng. Bạn có thể đi miền Tây quanh năm nhưng đẹp nhất vẫn là mùa nước nổi. Đó, đôi khi việc lên kế hoạch cho bốn mùa phiêu du lại rất quan trọng để có được một chuyến đi trọn vẹn.

Mùa Xuân

Sự khác biệt về vị trí địa lý khiến cho một nửa đất nước từ Huế trở ra miền Bắc là có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong khi phần còn lại của phía Nam chỉ có mùa mưa và mùa khô. Mùa xuân vốn được xem là mùa của sự sống, mùa của sắc màu trên những cánh đồng hoa nở rực sau khi trải qua một mùa đông dài. Vì thế, mùa xuân bạn hãy ra miền Bắc mà cụ thể là Hà Giang, Mộc Châu hoặc đâu đó Sìn Hồ, Bắc Hà để cảm nhận rõ nét nhất sự tuyệt diệu của thiên nhiên cũng như con người nơi đây. Dĩ nhiên, cũng có hàng trăm lễ hội được tổ chức vào mùa xuân để bạn có thể đắm mình trong đó.

Nếu bạn lên mảnh đất địa đầu tổ quốc Hà Giang vào mùa xuân, chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được những phiên chợ với phút giây bẽn lẽn của cô gái khi tiếng khèn réo rắt của chàng trai H’mong vang khắp núi rừng. Hay bà cụ ngồi dệt vải lanh trước thềm nhà, đúng hơn là ngôi nhà trình tường với mái ngói âm dương đã ngả màu theo thời gian, vẳng bên bờ rào đá tiếng kèn môi như muốn níu chân người lữ khách. Dăm ba đứa trẻ má hồng túm tụm lại chơi cù, chơi cầu lông với chiếc vợt được đục đẽo từ tấm gỗ thừa, có tiếng mõ trâu vui nhộn trên những sườn núi đầy cỏ xanh.


Chẳng có mùa xuân nào đẹp như xuân ở Hà Giang, vạn vật đất trời như được thay màu áo mới với sắc đỏ của đào, sắc trắng của mận mơ, sắc hồng của tam giác mạch cuối vụ, hay cả vạt núi bừng lên rực rỡ của những triền cúc cam, thun tu. Bà mẹ trẻ đang khom mình giữa vườn cải vàng ươm trong nắng chiều, sương mù đã ít đi để hương rượu nồng bay khắp bản làng. Dường như tất cả những sắc màu của tạo hóa đều được phơi bày hết trên những ngôi nhà, con đường của mảnh đất Hà Giang trong mùa xuân. Mà cũng thật khéo khen cho đôi bàn tay bao đời của bà con người H’mong, người Dao… khi trồng xen lẫn mận, đào, lê, cải… ngay trong mỗi khu vườn nhà bên cạnh bờ rào đá xám xịt để vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp mỗi độ xuân về.

Mộc Châu cũng là cái tên đáng lưu ý cho mùa xuân, không có những bờ rào đá hay núi đá hùng vĩ như Hà Giang nhưng mảnh đất này lại sở hữu cả thung lũng mận, đào rộng mênh mông. Những triền đồi đầy cải trắng xen lẫn chút sắc vàng của dã quỳ cuối mùa bên cạnh váy áo sặc sỡ của cô gái H’mong đi hội. Đỉnh Hua Tát vẫn là nơi hẹn hò của tình yêu đôi lứa như bao đời nay vẫn thế.

Mùa xuân cũng là “mùa con ong đi lấy mật” với những đồi cà phê nở trắng cả góc trời như ướp hương cho cả mảnh đất Tây Nguyên lộng gió. Đừng bỏ lỡ những con đường đầy nắng với rất nhiều phong tục, nét văn hóa nguyên sơ của mảnh đất tiềm năng này. Từ Đà Nẵng bạn ngược lên Kon Tum, xuôi về biển Hồ trước khi ghé Buôn Mê Thuột để hòa nhịp với tiếng cồng chiêng rộn rã bản làng mỗi khi xuân về. Từ đây có thể thẳng xuống Đà Lạt mộng mơ hay đi về phía Đông để ra những bãi biển tuyệt đẹp của miền Trung.

Tips: Mùa xuân trên cao nguyên đá Hà Giang

+ Lộ trình cơ bản: Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Hà Giang – Hà Nội.

+ Đi lại: Từ Đà Nẵng, Sài Gòn hay các địa phương khác bạn phải di chuyển (bằng máy bay, tàu, xe khách, xe máy, ôtô cá nhân…) về Hà Nội để từ đó lên Hà Giang. Thời gian đi Hà Giang đẹp nhất là khoảng cuối tháng 12 đến tháng 2 vì thế vé máy bay bạn có thể đặt trước đó từ 2-3 tháng hoặc đặt vào các đợt khuyến mãi của các hãng bay để có được vé rẻ nhất.

Những con đường lên miền đá Hà Giang giờ đây đã được mở rộng hơn trước, đèo Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, đèo Mã Pì Lèng danh trấn giang hồ cũng không còn quá khó đi như trước. Từ Hà Nội lên Hà Giang bạn có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ xe máy, ôtô cá nhân hay xe khách đều được. Nếu đi bằng ôtô bạn nên đi theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến điểm rẽ IC4 (đi Tam Đảo) thì rẽ ra từ đó cắt thẳng theo QL32C để lên Sơn Dương rồi Tuyên Quang và Hà Giang, không nên đi theo đường qua Việt Trì vì khá đông đúc và chậm hơn.

Nếu di chuyển bằng xe khách, hàng ngày có rất nhiều chuyến xe giường nằm xuất phát từ bến xe Mỹ Đình từ khoảng 8h – 9h tối để sáng sớm hôm sau (khoảng 4h-5h) tới TP.Hà Giang. Từ đây bạn thuê xe máy, ôtô hoặc xe khách tới các điểm tham quan trên cao nguyên đá.


+ Lưu trú: Hà Giang đã được đầu tư rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác ở Homestay, bạn có thể ở tại: Bản Hạ Thành, bản Nậm Đăm, Auberge de Meovac, Giấc Xưa.

+ Mua sắm, ẩm thực: Muốn hòa mình vào các phiên chợ thì bạn nên đi vào cuối tuần, chợ Quyết Tiến ở Quản Bạ họp vào sáng thứ 7, chợ Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật, chợ Sà Phìn họp vào ngày Tỵ và Hợi, chợ Phố Cáo họp vào ngày Thìn và Tuất, chợ Lũng Phìn họp vào ngày Dần và Thân… Một số món ăn bạn nên thử khi tới cao nguyên đá Hà Giang là thắng cố, rượu ngô, mèn mén, bánh bao ngô, xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch, thịt trâu gác bếp, cải mèo…

+ 3 ngày ở Hà Giang

3 ngày cuối tuần là khoảng thời gian vừa đủ để bạn thăm thú miền đá, tuy nhiên với những người có quỹ thời gian dư giả có thể lang thang mảnh đất cổ tích này cả tháng trời cũng không biết chán.

Ngày 1: Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn (155km). Các điểm tham quan chính trên chặng đường này là Cổng trời Quản Bạ, Núi đôi Tam Sơn, Hang Lùng Khúy, Dốc Bắc Sum, Rừng thông Yên Minh, Phố Cáo, Thung lũng Sủng Là với nhà của Pao, Sà Phìn với dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình, Khu phố cổ Đồng Văn.

Ngày 2: Đồng Văn – Lũng Cú – Đồng Văn – Mèo Vạc (100km). Các điểm tham quan chính là: Cột cờ Lũng Cú – cực Bắc của tổ quốc, Lùng Táo, Ma Lé, Sà Phìn, đèo Mã Pì Lèng, Mèo Vạc.

Ngày 3: Mèo Vạc – Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang (150km) hoặc Mèo Vạc – Niêm Sơn – Bảo Lâm – Bắc Mê – Hà Giang. Bạn cũng có thể mở cung để sang Cao Bằng thăm thác Bản Giốc bằng cung đường Mèo Vạc – Niêm Sơn – Bảo Lạc – Tĩnh Túc – Cao Bằng – Bản Giốc – Hà Nội (bạn sẽ phải thêm 1 – 2 ngày nếu đi cung này).

Mùa Hạ

Thiên đường mùa hạ có lẽ luôn là những bãi biển dài phẳng mịn với trời xanh, cát trắng và nắng vàng. Tạo hóa đã rất ưu ái khi cho nước Việt một nửa đường biên giới giáp biển với những bãi tắm thơ mộng và hàng chục hòn đảo đẹp như thiên đường. Những buổi chiều hè, nằm thả mình trên chiếc ghế băng hay đung đưa với chiếc võng nghe sóng biển vỗ rì rào như đang hát bài tình ca, gió mặn mòi cùng những bữa tiệc hải sản tươi ngon luôn là lẽ thường tình mỗi khi bạn đi biển.

Dự đoán rằng, hòn đảo Cô Tô vẫn là điểm hút du khách các tỉnh phía Bắc trong mùa hè này bởi phong cảnh hoang sơ, biển luôn xanh và bãi cát thì trắng mịn vô bờ. Thêm nữa, Cô Tô chỉ là đích đến cuối cùng, trên chặng đường từ bến thuyền ra tới đảo là một trải nghiệm thú vị, bạn sẽ được lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long, qua quần thể danh thắng vịnh Hạ Long tuyệt đẹp trước khi cập bờ ở một thiên đường giữa biển xanh.


Theo đường thiên lý, xuôi về miền Trung với Lăng Cô như một nét chấm phá xuất sắc dưới chân đèo Hải Vân đẹp đến nao lòng, ẩm thực cung đình Huế luôn mang lại cho thực khách nhiều cảm xúc. Đà Nẵng hiền hòa với bán đảo Sơn Trà xanh ngút mắt vươn mình ra biển hay ghé bãi An Bàng hoang sơ trước khi lắng đọng ở Hội An cũng là một chặng đường thú vị. Đảo Lý Sơn chắc chắn sẽ vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch trong năm tới với những thắng cảnh cổng Tò Vò, bãi Bụt, cùng nước biển xanh ngắt và đặc sản tỏi cô đơn cũng là sự lựa chọn của nhiều người.

Bạn cũng có thể thoải mái lựa chọn hàng chục bãi biển từ Quảng Ngãi tới Vũng Tàu với vẻ đẹp hoang sơ và chưa bị du lịch hóa nhiều. Nét văn hóa đặc trưng của những làng chài ven biển cũng sẽ khiến hành trình của bạn thú vị vô cùng. Đắm mình trong không gian nghệ thuật của làng Bích họa Tam Thanh với hàng chục bức tranh đa sắc màu trên mảng tường của những ngôi nhà bình dị ven biển. Ngắm bình minh trên Gành Đá Dĩa có thể khiến bạn mê đắm biển hơn bao giờ hết. Hoặc chạy xe trên con đường đẹp như thiên đường ở Hồ Tràm, La Gi hay Quy Nhơn như một “kẻ lữ hành đúng nghĩa”.

Nếu là người ưa phiêu lưu, thích lênh đênh trên những con thuyền thì hãy theo những ngư dân đi biển để cảm nhận chân thực nhất cuộc sống nhọc nhằn đầy nắng gió. Bạn cũng có thể khám phá đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cồn Cỏ, đảo Thổ Chu hay những hòn đảo tiền tiêu của đất nước ở Trường Sa – luôn là niềm mơ ước thiêng liêng của mỗi người con đất Việt.


Tips: Mùa Hạ ở Lý Sơn

+ Lịch trình cơ bản: Hà Nội (hoặc Sài Gòn) – cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) – Lý Sơn.

+ Đi lại: Nếu đi bằng máy bay thì bạn tới sân bay Chu Lai thuộc Quảng Nam, sau đó di chuyển bằng taxi hoặc bus về cảng Sa Kỳ. Nếu bạn bay tới Đà Nẵng (chặng này có rất nhiều vé giá rẻ) thì bắt xe khách đi Quảng Ngãi hoặc thuê xe máy, ôtô tự lái để có thể kết hợp tham quan Hội An luôn. Bạn cũng có thể đi tàu hỏa, xe khách giường nằm để tới Quảng Ngãi trước khi đi Lý Sơn, thông thường sẽ ngủ đêm ở Quảng Ngãi hoặc cảng Sa Kỳ để hôm sau đi chuyến tàu sớm ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi cách cảng Sa Kỳ khoảng 20km). Tàu ra đảo thường chạy vào buổi sáng từ 7 – 8h, vì thế bạn nên bố trí thời gian hợp lý, việc mua vé có thể được thực hiện ngay tại bến tàu hoặc đặt trước qua điện thoại.


+ Lưu trú: Hiện nay, Lý Sơn đã có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay mọc lên để phục vụ du khách. Khách sạn Lý Sơn nằm ngay gần cầu cảng, tiện đi lại, có thể thuê xe máy ngay tại khách sạn. Nhà nghỉ Viễn Đông, kết hợp cả nhà hàng với sân vườn rộng rãi, có dịch vụ đưa đón ra cầu cảng miễn phí, dịch vụ cho thuê xe. Nhà nghỉ Hoa Biển nằm sát mép biển nên thuận lợi cho ngắm bình minh với đầy đủ các dịch vụ cho du khách…

+ Các điểm tham quan chính: Chùa Hang, Hải Đăng, núi Thới Lới, chùa Đục, cổng Tò Vò. Nếu có thời gian hãy ghé thăm đảo Bé (cách đảo lớn khoảng 5 hải lý) với những thuyền chở hàng của người dân đi qua đó, nếu đi nhóm đông bạn có thể đặt luôn một thuyền. Đảo bé chưa được khai thác du lịch nhiều nên còn rất hoang sơ.

+ Ẩm thực: Một số quán ăn gợi ý cho bạn là Hoàng Khuyên, Sơn Thủy, Thủy Tiên… với các món đặc sản như ốc xà cừ, rong biển, súp nhím, mực nướng… Bạn có thể mua tỏi cô đơn để mang về làm quà cho bạn bè người thân.

Mùa Thu

Nếu mùa hạ qua đi mà bạn đã bỏ lỡ phút giây diện bikini trên biển thì cũng đừng vội cất chúng đi vì mùa thu tới, bạn vẫn có thể thỏa sức vùng vẫy giữa làn nước trong xanh trên biển Phú Quốc. Từ khoảng cuối tháng 9 đến tháng 3 luôn là mùa du lịch ở xứ đảo phía Nam của đất nước bởi mùa mưa đã qua, những đợt nắng vàng như mật đang trải xuống hòn đảo xinh đẹp này. Đừng bỏ qua làng chài cổ Hàm Ninh, bãi Sao, bãi Khen, suối Tranh hay mũi Gành dầu…nhớ ghé nhà thùng sản xuất nước mắm, khu trồng tiêu, trải nghiệm lặn biển, câu mực đêm để có những kỉ niệm đáng nhớ.


Còn không, hãy lên núi mùa thu để thấy sự ấm no hiện rõ lên mỗi mái nhà của xứ Mù Cang Chải, Y Tý, Hoàng Su Phì với mênh mang ruộng bậc thang vàng rực trong nắng. Nắng vàng, lúa vàng, váy áo cô gái H’mong sặc sỡ, tiếng lao xao gặt lúa rộn rã, tiếng đập thóc nhịp nhàng khiến bạn như muốn quên đi thời gian mà ngồi lại ngắm, hít hà mùi lúa mới thơm phức. Từ bàn tay ngàn đời của bà con dân tộc H’mong, Dao, La Chí đã tạo nên thắng cảnh độc nhất như nét chấm phá cho bức tranh miền núi trở nên hoàn mỹ.

Nếu bạn ở khu vực phía Nam, Đà Lạt mùa thu cũng được xem là điểm đến không thể bỏ qua. Hàng thông reo vi vút bên những con đường Dã Quỳ vàng rực cả cây số, nhánh mimosa khoe sắc e thẹn, thung lũng tình yêu đầy sắc hoa hay ngồi trên đoàn tàu đặc biệt để tới Trại Mát. Dù là mùa mưa, nhưng những cơn mưa nhanh chóng ở xứ sở mộng mơ này luôn mang lại nhiều cảm xúc cho du khách. Trời se lạnh, phảng phất chút sương mờ, quán nhỏ bên đường, tách cà phê ấm nóng, ngắm nhìn hồ Xuân Hương lãng đãng hay bông hoa anh đào nở sớm cũng khiến cuộc đời “nhẹ tênh”.

Tips: Mùa thu vàng Tây Bắc (Mù Cang Chải, Y Tý, Sa Pa)

+ Lộ trình cơ bản: Hà Nội – Thanh Sơn – Văn Chấn – Tú Lệ – Mù Cang Chải – Hà Nội hoặc đi tiếp lên Than Uyên – Sa Pa – Y Tý – Lào Cai – Hà Nội.

+ Đi lại: Bạn có thể du ngoạn cả cung đường này bằng các phương tiện khác nhau từ xe máy, xe khách hay xe ôtô cá nhân. Nếu chỉ đi Mù Cang Chải thì bạn chỉ cần khoảng 3 ngày là đủ thời gian, còn đi cả cung lên Y Tý, Sa Pa nữa thì khoảng 4 – 6 ngày.


+ Hành trình 3 ngày đi Mù Cang Chải

Ngày 1: Từ Hà Nội, di chuyển theo QL32 tới Thanh Sơn, thăm thú đồi chè rồi di chuyển lên Thu Cúc vượt đèo Khế tới Văn Chấn, từ Văn Chấn rẽ vào Suối Giàng (12km) để thưởng thức món chè shan tuyết với những cây chè cổ thụ cả người ôm, di chuyển tiếp lên Nghĩa Lộ và ngủ đêm tại Tú Lệ với quãng đường khoảng 250km. Ở Tú Lệ có nhiều khách sạn, nhà nghỉ hay homestay, tuy nhiên nếu đi vào đúng vụ lúa thì nên đặt trước. Một số món ăn đặc sản nên thưởng thức khi tới đây là cá suối, xôi nếp, rượu táo mèo, các món ăn từ rắn (Nghĩa Lộ)… Bạn có thể tắm suối nước nóng trên đường đi với một số điểm như bản Hốc (Văn Chấn), bản Bon (Nghĩa Lộ) hay ngay tại thị trấn Tú Lệ.

Ngày 2: Từ Tú Lệ, bạn di chuyển tới thung lũng Cao Phạ hoặc lên đèo Khau Phạ để ngắm toàn bộ thung lũng lúa rất đẹp mắt, từ đó đi tiếp lên ngã ba Kim để lên La Pán Tẩn, Chế Cu Nha… là những nơi có ruộng lúa đẹp nhất, ruộng bậc thang mâm xôi nằm cách cầu Ba Nhà khoảng 300m, bạn có thể đi bộ hoặc có xe máy ở ngay cầu chở lên. Sau đó bạn trở về bằng cách đi ngược lại để ngủ đêm ở Nghĩa Lộ.

Ngày 3: Đi từ Nghĩa Lộ về Hà Nội (khoảng 210km).

Nếu bạn chỉ có 2 ngày thì ngày thứ nhất đi thẳng lên Mù Cang Chải và nghỉ đêm tại đây, ngày thứ hai sẽ về ngược lại lúc đi với tổng quãng đường khoảng 600km. Mù Cang Chải cũng có khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ phục vụ lưu trú nhưng bạn cũng nên đặt trước.

+ Hành trình 4 ngày cho cung Mù Cang Chải – Sa Pa – Y Tý – Lào Cai

Ngày 1: Hà Nội – Tú Lệ như hành trình ở trên.

Ngày 2: Tú Lệ – Khau Phạ – La Pán Tẩn – Mù Cang Chải – Than Uyên – Ô Quy Hồ – Sa Pa. Buổi sáng bạn tham quan hết các điểm lúa chín ở Cao Phạ, Mù Cang Chải sau đó di chuyển tiếp lên Than Uyên, đón hoàng hôn ở đèo Ô Quy Hồ và nghỉ đêm tại Sa Pa. Buổi tối dạo quanh thị trấn Sa Pa với các món ăn thú vị như hạt dẻ nướng, cá hồi, gà, trứng nướng, các loại bánh, thắng cố, rượu…

Ngày 3: Nếu là lần đầu tiên tới Sa Pa thì bạn có thể dành ngày thứ 3 này để tham quan rất nhiều điểm hấp dẫn ở đây như bản Tả Van, Tả Phìn, thung lũng Mường Hoa, thác Bạc, núi Hàm Rồng, hoặc đi cáp treo lên đỉnh Fansipan… Nếu bạn đã đi Sa Pa rồi thì sẽ dành buổi sáng tham quan cánh đồng Mường Hoa nơi có lúa chín rất đẹp, ăn trưa xong sẽ khởi hành đi Y Tý theo đường đèo Can Quy Hồ qua Mường Hum. Tối ngủ Y Tý.

Ngày 4: Y Tý – A Mú Sung – Lũng Pô – Lào Cai – Hà Nội. Trên đường từ Y Tý qua A Lù, A Mú Sung về Lũng Pô có nhiều triền núi vàng rực bởi lúa chín rất đẹp, bạn ghé qua nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt trước khi về Lào Cai và đi theo đường cao tốc để về Hà Nội (nếu là ôtô) hoặc đi xe khách, tàu hỏa về lại Hà Nội. Nếu đi xe máy thì ngày này có thể ngủ ở Lào Cai hoặc Yên Bái đều được.


Trên đây là lộ trình ngắn và nhanh nhất cho chặng đường khám phá mùa thu vàng ở Tây Bắc, nếu có thời gian bạn có thể dừng chân lâu hơn ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Y Tý hay đi tiếp qua Hoàng Su Phì, Hà Giang để tận hưởng mùa thu đẹp bình dị của miền núi phía Bắc nước Việt.

Mùa Đông

Nếu làm một cuộc hành trình dọc miền đất nước vào mùa đông thì bạn sẽ cảm nhận được đủ sắc vị của xứ nhiệt đới. Từ Sa Pa, Mẫu Sơn lạnh giá có thể xuất hiện cả băng tuyết xuôi về miền Trung tới Đà Nẵng, Hội An mùa tháng mười hai mát vẻ rất thuận lợi cho việc tản bộ trên những con đường của phố Hội. Nếu muốn điều mới lạ, hãy tới suối nước nóng Bang ở Lệ Thủy, Quảng Bình với những rừng cây hoang sơ và bí ẩn, bãi tắm lộ thiên được hình thành từ việc chắn và dẫn hai dòng nước của suối Ban nóng và suối Ban lạnh. Nhiệt độ của bể nước nóng luôn dao động ở mức 40 – 45 độ C, rất thích hợp cho việc ngâm tắm, thư giãn và chữa bệnh.


Dọc theo những cung đường ven biển của miền Trung đầy nắng gió, về Sài Gòn hoa lệ trước khi tới miền Tây sông nước. Đó là điểm đến rất đáng để đi trong mùa đông nếu bạn ghét lạnh giá, muốn một không gian mênh mông sông nước cùng những nét văn hóa đậm chất bản địa. Nếu miền Tây mùa nước nổi là những món ăn đặc sản như cá Linh, bông Điên Điển hay cảnh lũ lên xuống cùng hàng chục loại quả thì miền Tây “mùa đông” tức là khoảng tháng 12 đến tháng 1 lại đầy sắc màu của hoa.

Hãy tới Sa Đéc vào dịp gần Tết cổ truyền để hòa mình vào những chiếc thuyền hoa xuôi ngược trên dòng sông Tiền. Thành phố nhỏ xinh nằm bên sông, nơi những cánh đồng hoa với hàng chục loại khác nhau đang nở rộ để chuẩn bị trang hoàng cho dịp Tết. Lang thang trên những con đường nhỏ, thưởng thức hàng chục loại đặc sản hay ghé thăm ngôi nhà của “Người Tình” Huỳnh Thủy Lê để nghe lại câu chuyện đầy lãng mạn của thế kỷ trước giữa một chàng trai Sa Đéc và cô gái Pháp. Câu chuyện được chuyển tải thành phim với tên gọi L’Amant đã giành được nhiều giải thưởng trên thế giới. Cũng đừng quên ghé thăm vùng quýt Lai Vung nơi được mệnh danh là “vương quốc quýt hồng” để tản bộ giữa vườn quýt vàng rực hoặc ngồi trên ghe nhỏ đi giữa kênh với hai bên là những cành quýt đang trĩu quả sà cả vào mái chèo.


Từ Đồng Tháp về Kiên Giang, lên hồ Tà Pạ trong xanh hay xuyên qua rừng U Minh xanh ngắt để đến đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam thiêng liêng của tổ quốc. Một hành trình trọn vẹn cho “mùa đông không lạnh” khi lênh đênh trên những con thuyền dọc miền sông nước, hòa mình vào phiên chợ nổi đầy thú vị, thưởng thức món ăn đặc sản hay ngồi trên ghe nghe đờn ca tài tử.

Thời gian chẳng chờ đợi một ai, bạn không quay lại tuổi hai mươi để thơ dại thêm một lần nào nữa nhưng hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi trong những dịp nghỉ lễ suốt cả bốn mùa trong năm bởi “Du lịch chính là được sống”.

Tips: Mùa đông giữa muôn hoa Sa Đéc và quýt Lai Vung

+ Thời điểm: Thời gian đẹp nhất để đi cung này là khoảng giữa tháng 12 cho tới tháng 1. Lúc này, những hộ dân ở đây sẽ có cuộc thi trang trí hoa quanh nhà nên cảnh sắc rất đẹp mắt, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh trên bến dưới thuyền đều là hoa sặc sỡ, cảnh người xếp hoa, cảnh thuyền hoa ngược xuôi…

+ Đi lại: Từ Sài Gòn bạn theo QL1A qua cầu Mỹ Thuận rồi rẽ phải vào Sa Đéc với quãng đường hơn 140km, từ các địa phương khác thì có thể bay thẳng vào Cần Thơ hoặc Sài Gòn rồi từ đó di chuyển tới các tỉnh miền Tây trong đó có Đồng Tháp. Vựa hoa lớn nhất của Sa Đéc nằm ở làng Tân Quy Đông bên bờ sông Tiền cách trung tâm khoảng 5km. Bạn có thể di chuyển bằng xe khách rồi thuê xe máy để du ngoạn. Sau khi tham quan ở vựa hoa Sa Đéc bạn có thể lên đường đi tới “thiên đường quýt” Lai Vung qua phà Vàm Cống hoặc lên Hồng Ngự hay tham quan nhiều nơi khác.

+ Lưu trú: Sa Đéc, Cần Thơ, Cái Bè… đều có rất nhiều khách sạn nhà nghỉ để bạn lưu trú, bạn cũng có thể ngủ ở homestay của người dân bản địa.

+ Đặc sản: Một số món đặc sản của vùng như hủ tiếu, lẩu cua đồng, bò leo núi, bánh ướt, bún mắm, bánh canh, các loại ốc và hải sản, hàng chục loại trái cây tươi ngon, nem Lai Vung, bánh phồng Sa Giang…

+ Hành trình 3 ngày tham quan Sa Đéc

Ngày 1: Sài Gòn – Cái Bè, thăm thú chợ nổi Cái Bè cũng như thăm các cù lao, vào các xưởng làm kẹo dừa, trà, đồ thủ công mỹ nghệ, miệt vườn… để tham quan, sau đó di chuyển tới Sa Đéc và ngủ đêm tại đây.

Ngày 2: Tham quan làng hoa Sa Đéc, thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (trong phim Người Tình), thăm vựa hoa tuyệt đẹp và lên đường tới Lai Vung.

Ngày 3: Thăm vườn quýt Lai Vung và trở về Sài Gòn, có thể ghé Cần Thơ hoặc đi tiếp xuống Kiên Giang, An Giang, Cà Mau