Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

15 đặc sản Hà Giang làm mê lòng dân phượt

Thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn hay mật ong bạc hà là những món ăn khiến phượt phủ mê đắm ở vùng đất Hà Giang.

Xem thêm: Những trải nghiệm mới Hà Giang ngoài ngắm hoa Tam giác mạch

Đến Hà Giang, người ta không chỉ truyền tai nhau về cao nguyên đá, về những cánh đồng tam giác mạch hay những cung đường phượt mà còn về những món ăn khó quên.

Thắng dền

Thắng dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì vớt ra. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc, ăn ngon nhất khi vừa vớt ra, khói bay nghi ngút.

Bát bánh Thắng dền nóng hổi, thơm ngon. Ảnh: Quế Lan

Rêu nướng

Rêu nướng không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang. Món ăn là đặc sản Hà Giang lạ miệng, ăn ngon lại bổ. Rêu được lấy ở những khe đá dưới suối, rêu tươi được họ đem rửa sạch, vò hết nhớt, xé tơi và tẩm gia vị, sau đó gói trong những chiếc lá dong xanh tươi, gói lại chặt bằng dây lạt tre. Gói rêu sẽ được nướng cho tới khi chín thơm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Rêu nướng, món ăn hấp dẫn nhiều người. Ảnh: Tặng Đào

Trâu gác bếp

Cũng giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang. Miếng thịt trâu to để thớ dài, xiên vào que to treo lên gác bếp. Trước đó, thịt đã được tẩm gia vị ớt, gừng và mắc khén. Ăn miếng thịt trâu khô gần giống như thịt bò khô dưới xuôi nhưng ngọt đậm đà hơn, ban đầu thấy vị hơi lạ nhưng càng ăn càng nghiền. Chính bởi thế mà khách du lịch Hà Giang thường mua về làm quà.

Trâu gác bếp ngọt, thơm, mùi vị lạ nhưng dễ nghiện

Mật ong bạc hà

Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp các nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá là lúc những bầy ong cao nguyên đá đua nhau đi lấy mật về tổ. Mật ong bạc hà được người H'mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Thức uống có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng, có vị ngọt của mật ong nhưng lại man mát của bạc hà, rất đặc trưng.

Mật ong bạc hà không dễ mua vì khá hiếm. Ảnh: Hagiangonline

Xôi ngũ sắc

Hà Giang có rất nhiều món ăn nổi tiếng, một trong số đó là món xôi ngũ sắc dẻo thơm. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân tộc. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh, tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, được hoà hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt, thường được người dân tộc mang theo để ăn mỗi khi đi làm nương rẫy.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc, người dân đã dùng các thành phần nhuộm màu tự nhiên: màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau.




Xôi ngũ sắc bắt mắt.


Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, song lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn rất tốt cho sức khỏe.

Bản chất ấu tẩu rất độc, muốn khử hết chất độc và chế biến thành món ăn ngon phải có bí quyết riêng. Củ ấu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất trong vòng 4 tiếng cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu, thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị vừa đủ. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi, tía tô mới thành một bát cháo hoàn hảo.

Bát cháo ấu tẩu hầm cùng chân giò có vị đặc trưng của người Hà Giang. Ảnh:Tapchimonngon

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách nhỏ, khi bắt, người dân thường kẹp trọn được chúng ở nách nên có tên gọi như vậy. Nó lai giữa lợn rừng và lợn Mường, được nuôi thả, không chuồng trại, ăn rau củ dại trong rừng nên thịt chắc, nạc, không mỡ nhiều như lợn dưới xuôi.

Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến theo nhiều cách như nướng, hấp, kho tùy sở thích. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.

Lợn cắp nách là món ăn ngon, dễ ăn. Ảnh: Eastbound88

Phở chua

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở một mình Hà Giang nhưng lại là một trong những món dễ ăn nhất cho du khách tới đây du lịch. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc trước đây được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.

Nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh phở tươi ngon, nước dùng chua ngọt làm từ một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay. Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm cùng tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở Hà Giang mà còn ở hầu hết các tỉnh vùng biên

Bánh cuốn Đồng Văn

Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên. Ngoài bánh cuốn truyền thống, du khách tới Đồng Văn sẽ mê mẩn bánh cuốn hấp dẫn nơi phố cổ.

Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Thêm vài miếng chả, một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ tạo nên mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.

Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, song bánh ở đây trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Ảnh: Quế Lan

Cơm lam Bắc Mê

Đây là món ăn nổi tiếng ở vùng đất này, những ai tới Hà Giang mà không được thưởng thức món ăn này thì quả thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu.

Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.

Cơm lam Bắc mê thơm ngọt. Ảnh: Hagiangonline

Cam sành Bắc Quang

Cam Bắc Quang là loại trái cây ngọt lành bổ dưỡng, ở Hà Giang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang.

Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của cam sành. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng. Đã từ lâu, cam sành đã trở thành thứ đặc sản nức tiếng, là thứ quà quý mà mỗi người đi xa muốn nhớ về quê hương. Có được hương vị đặc trưng, thơm ngon này cũng là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào.

Rượu ngô

Rượu ngô của Hà Giang được biết đến là rượu của người dân tộc Mông, được nấu từ thứ ngô bản địa của cao nguyên đá, cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô. Đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống không bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao, trung bình khoảng từ 25 - 30 độ. Sau những ngày vất vả, ngày Tết, ngày lễ, đặc biệt là ngày chợ, người Mông thường háo hức rủ nhau xuống chợ. Người ta cùng quây quần bên những gùi rượu, bàn rượu để dốc bầu tâm sự, rất tình cảm.

Chè Shan Tuyết cổ thụ


Chè Shan Tuyết là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc theo từng chùm trên cành. Không giống như loại chè khác ở Thái Nguyên hay Tuyên Quang chỉ là cây nhỏ thấp vừa tâm với, còn người dân làm chè Shan Tuyết đều phải trèo lên thân cây cao hoặc với lên những cây cao quá người để thu hoạch. Loại chè này còn có cây cổ thụ đến 100 tuổi, vài trăm tuổi.

Trà Shan Tuyết còn là bài thuốc tự nhiên để phòng trách một số bệnh nan y. Uống trà này thường xuyên sẽ tốt cho sức khoẻ của bạn, chống những căn bệnh khó chữa như ung thư, giải độc nhẹ, giúp cho tuổi thọ cao hơn và làm đẹp da.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch Ảnh: Hagiangonline

Nhắc tới Hà Giang là nhắc tới những cánh đồng hoa tam giác mạch đã trở nên rất nổi tiếng những năm gần đây. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của cây, bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.

Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố.

Thắng cố

Thắng cố, món ăn phiên chợ Đồng Văn. Ảnh: Dulichhagiang

Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.

Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
(Theo NgoiSao)