Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Top 20 cung đường đèo là ước mơ của mọi phượt thủ ở Việt Nam

Dù được coi là những cung đường hiểm trở, và là nỗi ám ảnh của các tài xế đường dài, nhưng top 20 cung đường đèo được giới thiệu dưới đây luôn hấp dẫn các phượt thủ, bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của chúng.

1. Đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang

Là một trong “tứ đại danh đèo” của miền Bắc, cái tên Mã Pí Lèng có nghĩa là “Sống mũi ngựa”. Đây là cung đường chạy dài 20km, uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Mã Pí Lèng thường được mệnh danh là vua của những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Nên cũng dễ hiểu vì sao nơi đây trở thành địa điểm yêu thích khi chụp ảnh phong cảnh của những người đam mê nhiếp ảnh.

Dưới chân đèo là dòng Nho Quế uốn lượn xinh đẹp. Ảnh: tinmoi.vn

2. Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai

Được mệnh danh là con đèo hùng vĩ bậc nhất ở miền Bắc với chiều dài gần 50km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo Ô Quy Hồ nằm trên độ cao 2.000m, uốn lượn quanh co qua những vách núi cao ngút trời và vực sâu thăm thẳm. Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ hãi và trèo lên được tới đỉnh đèo ở độ cao gần 2.000m, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cả biển trời mây bồng bềnh như cõi thần tiên. Chính bởi vậy, nó còn có cái tên là Cổng Trời.

 Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai. Ảnh: Saigoneer

3. Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu

Đèo Pha Đin nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, với hai đầu nằm ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Với tổng chiều dài 32km, con đèo này có địa thế hết sức hiểm trở, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa nổi tiếng là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển.

Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu. Ảnh: Saigoneer

4. Đèo Khau Phạ, Yên Bái

Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường vượt qua ngọn núi cao nhất ở Mù Cang Chải – đỉnh Khau Phạ. Nó còn nổi tiếng quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Con đèo này đặc biệt nguy hiểm vào những ngày sương mù vì không có rào chắn hay bất kỳ biển cảnh báo nào. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Đèo Khau Phạ – Yên Bái. Ảnh: Saigoneer

5. Đèo Mã Phục, Cao Bằng

Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đây là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh. Đặc biệt phong cảnh hai bên đèo rất đẹp, tới đây bạn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.
Đèo Mã Phục mùa lúa chín. Ảnh: Micheal Ruan/ flickr.com

6. Đèo Xá Tổng, Điện Biên

Đèo Xá Tổng nằm trong vị trí đầy hiểm trở từ Tuần Giáo ngược lên Lai Châu. Con đèo dài 25km với nhiều đoạn không có cọc tiêu lẫn gương cầu. Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo không một bóng nhà dân. Đoạn đèo đã bị bỏ hoang từ lâu, cũng không có ô tô qua lại bởi quá nguy hiểm. Hoàng hôn trên đèo rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy bởi trời sẽ tối rất nhanh mà con đường còn dài phía trước.
Xem thêm: Kiêu sa hoa ban trắng ở Điện Biên anh hùng
Hoàng hôn trên đèo Xá Tổng. Ảnh: Vnexpress

7. Đèo Pha Long, Lào Cai

Đèo được gọi như vậy có lẽ vì có đỉnh đèo chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai. Để đến với đèo, bạn phải đi xuyên qua một con đường đất hiểm trở từ Cán Cấu sang. Đường đèo cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng, chạy ngược dòng sông Chảy với chiều dài gần 20km.
Một đoạn đường đất trên đèo Pha Long. Ảnh: i-dulich

8. Đèo Bắc Sum, Hà Giang

Nằm giữa Hà Giang và Quản Bạ, đoạn đèo uốn lượn như những lọn vải xếp chồng lên nhau. Từ Hà Giang lên đường 4D, sẽ bắt gặp đoạn đường đột ngột nhỏ và vòng vèo theo chân núi, cũng là điểm bắt bắt đầu hành trình khám phá cao nguyên đá thú vị.
Đèo Bắc Sum – Hà Giang. Ảnh: Vnexpress

9. Đèo Thung Khe, Hòa Bình

Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, trên Quốc lộ 6. Con đèo đi qua những vực đá dựng đứng, không quá dài và quá dốc nhưng nổi tiếng nguy hiểm. Thung Khe buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.
Một góc đường Đèo Thung Khe. Ảnh: hivietnam.ne

10. Đèo Tam Điệp, Ninh Bình

Ba ngọn đèo nối tiếp nhau nằm trên quốc lộ 1A, thuộc dãy núi Tam Điệp, trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ, với núi đá đứng sừng sững hai bên, vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến, phòng ngự lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước.
Phong cảnh xinh đẹp nhìn từ đèo Tam Điệp. Ảnh: Phạm Ngọc Duy/flickr.com

11. Đèo Ngang – Hà Tĩnh, Quảng Bình

Đèo Ngang hay còn có tên gọi khác là Hoàng Sơn Quan, thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 75km về hướng Nam. Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Phong cảnh đèo Ngang hùng vĩ, dưới chân đèo là những bãi tắm sạch, đẹp. Trên đèo có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và nhiều am, miếu cổ. Nơi đây được quy hoạch thành khu di lịch Đèo Ngang – Hòn La với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Đèo Ngang. Ảnh: tothaihoa/ flickr.com

12. Đèo Hải Vân – Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế

Trải dài theo sườn núi Hải Vân là đèo Hải Vân, dài khoảng 20km, nối liền hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đèo Hải Vân được ví như dải lụa mềm mại vắt ngang dãy núi hùng vĩ bạt ngàn lau sậy. Từ đỉnh đèo Hải Vân cao gần 500m, du khách có thể nhìn thấy làng chài Lăng Cô ở phía Bắc và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng về hướng Nam.
Đèo Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn/ flickr.com

13. Đèo Cù Mông – Bình Định, Phú Yên

Đèo Cù Mông là một đèo ngắn nhưng hiểm trở nhất nhì Việt Nam. Đèo nằm trên quốc lộ 1A, là ranh giới giữa hai tỉnh Bình ĐịnhPhú Yên, dài 7km, đỉnh cao 245m, đường nhiều dốc, có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao.
Đường dẫn lên đèo Cù Mông. Ảnh: Xuân Trường

14. Đèo Cả – Phú Yên, Khánh Hòa

Đèo Cả dài 12km, nằm trên quốc lộ 1A tiếp giáp với biển, là địa danh nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Là một trong những đèo có địa hình hiểm trở bậc nhất miền Trung thế nhưng với vẻ đẹp rất riêng của mình, đèo Cả đã chinh phục trái tim của nhiều bạn trẻ yêu du lịch bụi.
Vũng Rô nhìn từ đỉnh Đèo Cả. Ảnh: Tran Khang/ flickr.com

15. Đèo Hòn Giao – Khánh Hòa, Lâm Đồng

Đèo Hòn Giao còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như đèo Khánh Lê, đèo 723, đèo Omega, hay đèo Long Lanh. Nằm trong tuyến tỉnh lộ 723 nối liền thành phố biển Nha Trang tỉnh Khánh Hòa với thành phố ngàn hoa Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Đèo Hòn Giao có chiều dài lên đến 33 km được mệnh danh là đèo dài nhất và một trong những cung đèo đẹp nhất Việt Nam.
Một góc đèo Hòn Giao. Ảnh: wikimapia.org

16. Đèo Ngoạn Mục, Ninh Thuận

Đèo Ngoạn Mục chạy men theo những sườn núi dựng đứng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang. Với đường đèo có độ dốc cao, trải dài 18,5km, đèo Ngoạn Mục là thử thách đáng gờm với bất kỳ tay lái nào trên hành trình từ Đà Lạt xuống thành phố Phan Rang. Dọc theo đường đèo là rừng cây xanh, thác nước, và những mảng mây trắng. Con đường đèo dốc này chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Đà Lạt bằng sự quyến rũ lãng mạn và hùng vĩ.
Đèo Ngoạn Mục – Ninh Thuận. Ảnh: Saigoneer

17. Đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng

Đèo Bảo Lộc dài 15km, với khoảng 107 khúc cua gấp và độ dốc cao. Với những ai chưa từng chinh phục cung đường này, rất khó đoán định điều gì đang chờ họ ở phía trước. Tuy nhiên với người yêu phong cảnh núi rừng, thích trải nghiệm những khoảnh khắc thử thách, đèo Bảo Lộc được xem là một trong những điểm du lịch thú vị.
Trong các ngọn đèo bạn phải chinh phục để đến Đà Lạt, đèo Bảo Lộc được coi là nguy hiểm nhất. Ảnh: Baoloc.net.

18. Đèo Prenn, Lâm Đồng

Đèo Prenn là một đèo núi dài 11km thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10km. Trong tiếng Chăm, chữ Prenn có nghĩa là “xâm chiếm”. Với nhiều người, nhất là các nhóm phượt hay ai yêu chụp ảnh, những rừng thông bạt ngàn, không khí mát lạnh, những khúc cua nguy hiểm của đèo Prenn luôn có vẻ đẹp quyến rũ. Rất nhiều nhóm khách mỗi khi đến Đà Lạt đều thuê xe máy rong ruổi trên cung đường này để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố hoa.
Tên của đèo gắn với dòng thác tuyệt đẹp. Ảnh: Dulichtrainghiem

19. Đèo Phượng Hoàng, Đắk Lắk

Nằm trên quốc lộ 26, nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, đèo Phượng Hoàng như cánh chim giữa trời đưa người lữ hành ngắm cảnh trời mây xinh đẹp. Đèo Phượng Hoàng dài khoảng 12km, thuộc địa phận huyện M”Drăk và là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đèo Phượng Hoàng là địa danh một thời từng được ví là đèo tử thần vì vị trí địa lý cũng như những nguy hiểm luôn rình rập lữ khách đi ngang nơi này. Tuy nhiên hiện tại, con đèo đã được mở rộng hơn và thu hút nhiều bạn trẻ đến khám phá.
Cung đèo Phượng Hoàng – Ảnh: Sưu tầm

20. Đèo Triệu Hải, Lâm Đồng

Cung đường đèo Triệu Hải cắt rừng Nam Cát Tiên từ Đạ Tẻh lên khu vực thác Dambri, Bảo Lâm, Lâm Đồng là hành trình mới đầy khắc nghiệt và thú vị mà dân phượt phía Nam đã và đang say mê chinh phục. Có hai cách để bạn chinh phục cung đường Triệu Hải. Cách dễ hơn là từ trung tâm thành phố Bảo Lộc rẽ đường đi thác Dambri, đến ngã ba đi hồ Tâm Châu thì rẽ trái. Từ đây có bảng hướng dẫn đi vào đập thủy điện Dambri.

Hành trình chinh phục cung đường đèo Triệu Hải thật sự là một trải nghiệm thú vị để bạn học hỏi nhiều kỹ năng như giải quyết khó khăn, xử lý sự cố và hơn cả là tìm ra các giá trị tiềm ẩn trong chính bản thân mình cũng như tận hưởng thành công.
Hồ nước xanh ngắt trên cung đường đèo Triệu Hải. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

(Tổng hợp)

Ba Khan - chốn bồng lai ngay gần Hà Nội

Thung lũng Ba Khan ở Hòa Bình với khung cảnh thơ mộng và hoang sơ là điểm đến hấp dẫn của dân phượt.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội


Ba Khan đẹp như tranh họa đồ. Ảnh: hachi8.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 100 km, Ba Khan được ví như vịnh Hạ Long trên cạn. Với khung cảnh thiên nhiên huyền ảo như chốn thần tiên mang đến cho du khách đến đây những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Thung lũng Ba Khan nằm dưới chân đèo thung Khe quanh năm mây mù bao phủ tựa chốn bồng lai. Du khách đến đây sẽ được nghỉ dưỡng trong khung cảnh thần tiên của núi rừng xanh ngắt, những ngọn núi trùng điệp. Đến đây con người như được hoà mình với thiên nhiên để quên đi những xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại.

Để có thể đến được với thung lũng này, du khách có thể đi xe khách từ Hà Nội lên đèo Thung Khe, hoặc đi phượt bằng xe máy theo đường quốc lộ số 6. Nơi đây là địa điểm còn khá mới với dân phượt, do chưa bị du lịch hoá xâm nhập nên cảnh sắc nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn với đầy đủ vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Hành trình khám phá thung lũng Ba Khan, du khách sẽ được đắm mình trước khung cảnh mây trời bồng bềnh, những dòng thác nước trắng xoá tuyệt đẹp khiến cho bất cứ ai cũng phải nao lòng.

Để cảm nhận hết được vẻ đẹp của thung lũng Ba Khan du khách có thể lựa chọn thời điểm mùa thu tầm tháng 10, hoặc 11. Lúc đó nước sông Đà trở nên xanh ngắt có thể nhìn thấy đáy, và đặc biệt là bạn có thể "tóm" được mây bay trên mặt đất. Được hoà mình vào mây trời giữa chốn thần tiên sẽ là trải nghiệm khó quên đối với khách du lịch.


Đừng quên thưởng thức cá nướng sông Đà.

Đến với Ba Khan du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ mà còn có cơ hội khám phá ẩm thực nơi đây. Ba Khan nổi tiếng với món cá nướng sông Đà. Món ăn dân dã này tuy đơn giản nhưng lại có hương vị hấp dẫn bất cứ ai lần đầu thưởng thức.

Nếu bạn đang có kế hoạch đi tour du lịch Hoà Bình vào cuối tuần thì thung lũng Ba Khan là địa điểm lý tưởng để bạn khám phá.

Theo Du lịch Việt Nam

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Chiếc áo thần kỳ giúp phượt thủ du lịch không cần biết tiếng

Trong chuyến du lịch Việt Nam, phượt bằng xe máy từ Bắc vào Nam, 2 anh chàng đã nảy ra ý định sáng tạo một chiếc áo đặc biệt với 40 ký tự cơ bản.
Xem thêm: 9 cách giúp bạn quyết định đi du lịch bụi một mình


George Horn và Florian Nast là 2 phượt thủ người Thụy Sĩ, từng gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ khi đi du lịch, đặc biệt là ở những nơi tiếng Anh hầu như chẳng phát huy tác dụng. Trong chuyến du lịch Việt Nam, phượt bằng xe máy từ Bắc vào Nam, 2 anh chàng đã nảy ra ý định sáng tạo một chiếc áo "thần kỳ".


"Du lịch nước ngoài, đặc biệt là những vùng xa xôi quả thật tuyệt vời nhưng không phải lúc nào cũng toàn niềm vui, nhất là khi gặp rắc rối với những nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, chỗ ở mà khi đó bạn lại không thể giao tiếp với người bản xứ", một trong hai nhà sáng tạo chiếc áo Iconspeak nói.


Ý tưởng về chiếc áo đặc biệt chứa 40 ký tự cơ bản được Geogre và Florian nghĩ tới khi chiếc xe của hai người gặp trục trặc trên chặng đường rong ruổi ở miền Trung Việt Nam. Việc giải thích vấn đề mình đang gặp phải với người dân xung quanh gần như là không thể. Cuối cùng, sau khi về được thành phố Nha Trang, hai người đã bắt đầu suy nghĩ về một bảng ký tự hình ảnh những nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhất của một dân du lịch bụi, để khiến việc di chuyển và giao tiếp dễ dàng hơn.


"Nhiều lần, chúng tôi đã phải đối mặt với một rào cản ngôn ngữ mà chỉ được khắc phục bằng cách vẽ những biểu tượng mình muốn trên một mảnh giấy hoặc xuống mặt đất để người dân hiểu. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là tuyệt vời để có một bộ ký tự cố định, in trên áo là tiện nhất, để tránh việc làm rơi hay đánh mất. Khi cần, bạn chỉ việc trỏ vào những hình ảnh đó là người khác có thể hiểu bạn muốn gì", Geogre nói.


Và thế là, chiếc áo Icon Speak ra đời. Sau đó không lâu, chiếc áo trở thành mặt hàng hot mà bất cứ dân du lịch nào cũng muốn sở hữu. Ngoài 40 ký tự đơn giản, bạn có thể kết hợp chúng để biểu đạt những ý phức tạp hơn.





Chiếc áo có nhiều màu sắc, kiểu dáng 3 lỗ hoặc có tay. Giá bán chính hãng là 33 USD, tuy nhiên có rất nhiều nơi làm nhái chiếc áo tương tự.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Uống café ở cực Bắc, 'check in' cùng lúc hai quốc gia

Quán café duy nhất ở thôn Lô Lô Chải nằm cách cột cờ Lũng Cú 1,4 km và cách cột mốc 419 giáp ranh tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chưa đầy 1 km.
Xem thêm: Ngắm vẻ đẹp mê hoặc của cao nguyên đá Đồng Văn
Thôn Lô Lô Chải thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nằm dưới cột cờ Lũng Cú là nơi sinh sống của gần 100 hộ dân với khoảng 450 nhân khẩu. Nơi đây là khu vực gần biên giới Việt - Trung nhất ở cực Bắc tổ quốc và là điểm đến quen thuộc của dân phượt. Tại đây có một quán café duy nhất mang tên Cực Bắc, nằm bên cao nguyên đá Đồng Văn và dưới chân núi Long Sơn.

Quán café Cực Bắc do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang - xây dựng. Ông đã đầu tư gần như toàn bộ số vốn của mình để tạo nên quán café độc đáo này và sau đó giao lại toàn bộ cho một gia đình người Lô Lô để hoạt động kinh doanh.

Người vợ của chủ nhà cũng chính là bartender của quán Cafe Cực Bắc

Được bao quanh bởi một lớp hàng rào tường đá, quán mang không gian, kiến trúc theo phong cách truyền thống của người Lô Lô với nhà trình tường được dựng lên từ đất sét và đất thịt, mái lợp ngói âm dương. Quán chỉ có khoảng 4 đến 5 chiếc bàn nhỏ xinh đặt ngoài sân, ngay cạnh quầy bar và đủ cho khoảng trên dưới 10 người ngồi.

Người phụ nữ Lô Lô chủ nhà, cũng là người pha chế đồ uống, có thể nói được tiếng Anh. Chị giới thiệu quán có món café pha phin truyền thống của người Việt, trà xanh matcha của người Nhật và đặc biệt là món rượu ngô trứ danh của vùng đất Hà Giang.

Mang hương vị đậm đà, thơm nồng mùi ngô, món rượu này được coi như một “sơn tửu” quý giá và được rất nhiều du khách quốc tế ưa chuộng bởi khi uống rất êm, không gây đau đầu hay háo nước do được trưng cất thủ công từ men lá quý hiếm và nước suối tinh khiết chảy từ đầu nguồn trên núi cao xuống. 36 loại lá rừng trộn lẫn với bột kê và bột ngô sau khi ủ hai ngày và mang phơi nắng thì tạo ra loại men hảo hạng. Sau đó, những hạt ngô được nấu nát rồi trộn kỹ với men, ủ khoảng 5 ngày trong chum rồi mới đi chưng cất để tạo nên “danh tửu” này.

Ngồi trong quán nhâm nhi một tách café hay một bình rượu ngô thơm lừng ở nơi cực Bắc tổ quốc là một trải nghiệm rất “nhã” dành cho các du khách. Từ vị trí phía ngoài của café Cực Bắc, phóng tầm mắt ra xa, ai cũng có thể nhìn thấy cột cờ Lũng Cũ với quốc kỳ Việt Nam phấp phới trong gió.

Rời quán café và nhờ người dân bản địa chỉ đường, đi bộ khỏi Lô Lô Chải chưa đầy 1 km là du khách sẽ tới cột mốc biên giới 419. Đây là nơi đánh dấu chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhiều bạn trẻ tới đây vẫn thích thú khi nhón chân qua biên giới để trải nghiệm cảm giác đứng cùng lúc ở hai quốc gia.

Ngoài café Cực Bắc, thôn Lô Lô Chải còn nổi tiếng với dịch vụ homestay do Đại sứ quán Luxemboug tài trợ xây dựng, kết hợp với chính phủ Ireland để phát triển du lịch tại nơi đây. Những ai từng ghé thăm Lô Lô Chải đều thích thú trải nghiệm ăn tối với người bản địa với những món ăn dân dã như thịt lợn gác bếp, gà đen, đậu hà lan và tất nhiên không thể thiếu những ly rượu ngô với hương vị quyến rũ.

Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú

Cả café Cực Bắc và homestay đều nằm cạnh nhà văn hóa của thôn Lô Lô Chải. Vào buổi tối, nơi đây thi thoảng vẫn diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ của người Lô Lô. Phụ nữ diện những bộ váy áo rực rỡ màu sắc trình diễn những điệu múa dân tộc hay những bài hát mang âm hưởng núi rừng phía Bắc.

Đến mùa hoa tam giác mạch, cao nguyên đá Đồng Văn trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết với sắc trắng lan tỏa trên khắp nẻo đường và qua từng ngọn núi. Tìm đến quán nhỏ trong thôn Lô Lô Chải, tận hưởng không gian yên bình bên ly café mang hương vị cực Bắc và ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn nơi vùng cao là một trải nghiệm mà bất kỳ ai từng thử cũng sẽ cảm thấy cuộc sống xung quanh như chậm lại.
(Theo NgoiSao)

15 đặc sản Hà Giang làm mê lòng dân phượt

Thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn hay mật ong bạc hà là những món ăn khiến phượt phủ mê đắm ở vùng đất Hà Giang.

Xem thêm: Những trải nghiệm mới Hà Giang ngoài ngắm hoa Tam giác mạch

Đến Hà Giang, người ta không chỉ truyền tai nhau về cao nguyên đá, về những cánh đồng tam giác mạch hay những cung đường phượt mà còn về những món ăn khó quên.

Thắng dền

Thắng dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì vớt ra. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc, ăn ngon nhất khi vừa vớt ra, khói bay nghi ngút.

Bát bánh Thắng dền nóng hổi, thơm ngon. Ảnh: Quế Lan

Rêu nướng

Rêu nướng không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang. Món ăn là đặc sản Hà Giang lạ miệng, ăn ngon lại bổ. Rêu được lấy ở những khe đá dưới suối, rêu tươi được họ đem rửa sạch, vò hết nhớt, xé tơi và tẩm gia vị, sau đó gói trong những chiếc lá dong xanh tươi, gói lại chặt bằng dây lạt tre. Gói rêu sẽ được nướng cho tới khi chín thơm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Rêu nướng, món ăn hấp dẫn nhiều người. Ảnh: Tặng Đào

Trâu gác bếp

Cũng giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang. Miếng thịt trâu to để thớ dài, xiên vào que to treo lên gác bếp. Trước đó, thịt đã được tẩm gia vị ớt, gừng và mắc khén. Ăn miếng thịt trâu khô gần giống như thịt bò khô dưới xuôi nhưng ngọt đậm đà hơn, ban đầu thấy vị hơi lạ nhưng càng ăn càng nghiền. Chính bởi thế mà khách du lịch Hà Giang thường mua về làm quà.

Trâu gác bếp ngọt, thơm, mùi vị lạ nhưng dễ nghiện

Mật ong bạc hà

Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp các nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá là lúc những bầy ong cao nguyên đá đua nhau đi lấy mật về tổ. Mật ong bạc hà được người H'mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Thức uống có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng, có vị ngọt của mật ong nhưng lại man mát của bạc hà, rất đặc trưng.

Mật ong bạc hà không dễ mua vì khá hiếm. Ảnh: Hagiangonline

Xôi ngũ sắc

Hà Giang có rất nhiều món ăn nổi tiếng, một trong số đó là món xôi ngũ sắc dẻo thơm. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân tộc. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh, tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, được hoà hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt, thường được người dân tộc mang theo để ăn mỗi khi đi làm nương rẫy.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc, người dân đã dùng các thành phần nhuộm màu tự nhiên: màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau.




Xôi ngũ sắc bắt mắt.


Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, song lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn rất tốt cho sức khỏe.

Bản chất ấu tẩu rất độc, muốn khử hết chất độc và chế biến thành món ăn ngon phải có bí quyết riêng. Củ ấu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất trong vòng 4 tiếng cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu, thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị vừa đủ. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi, tía tô mới thành một bát cháo hoàn hảo.

Bát cháo ấu tẩu hầm cùng chân giò có vị đặc trưng của người Hà Giang. Ảnh:Tapchimonngon

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách nhỏ, khi bắt, người dân thường kẹp trọn được chúng ở nách nên có tên gọi như vậy. Nó lai giữa lợn rừng và lợn Mường, được nuôi thả, không chuồng trại, ăn rau củ dại trong rừng nên thịt chắc, nạc, không mỡ nhiều như lợn dưới xuôi.

Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến theo nhiều cách như nướng, hấp, kho tùy sở thích. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.

Lợn cắp nách là món ăn ngon, dễ ăn. Ảnh: Eastbound88

Phở chua

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở một mình Hà Giang nhưng lại là một trong những món dễ ăn nhất cho du khách tới đây du lịch. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc trước đây được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.

Nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh phở tươi ngon, nước dùng chua ngọt làm từ một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay. Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm cùng tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở Hà Giang mà còn ở hầu hết các tỉnh vùng biên

Bánh cuốn Đồng Văn

Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên. Ngoài bánh cuốn truyền thống, du khách tới Đồng Văn sẽ mê mẩn bánh cuốn hấp dẫn nơi phố cổ.

Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Thêm vài miếng chả, một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ tạo nên mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.

Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, song bánh ở đây trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Ảnh: Quế Lan

Cơm lam Bắc Mê

Đây là món ăn nổi tiếng ở vùng đất này, những ai tới Hà Giang mà không được thưởng thức món ăn này thì quả thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu.

Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.

Cơm lam Bắc mê thơm ngọt. Ảnh: Hagiangonline

Cam sành Bắc Quang

Cam Bắc Quang là loại trái cây ngọt lành bổ dưỡng, ở Hà Giang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang.

Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của cam sành. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng. Đã từ lâu, cam sành đã trở thành thứ đặc sản nức tiếng, là thứ quà quý mà mỗi người đi xa muốn nhớ về quê hương. Có được hương vị đặc trưng, thơm ngon này cũng là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào.

Rượu ngô

Rượu ngô của Hà Giang được biết đến là rượu của người dân tộc Mông, được nấu từ thứ ngô bản địa của cao nguyên đá, cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô. Đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống không bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao, trung bình khoảng từ 25 - 30 độ. Sau những ngày vất vả, ngày Tết, ngày lễ, đặc biệt là ngày chợ, người Mông thường háo hức rủ nhau xuống chợ. Người ta cùng quây quần bên những gùi rượu, bàn rượu để dốc bầu tâm sự, rất tình cảm.

Chè Shan Tuyết cổ thụ


Chè Shan Tuyết là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc theo từng chùm trên cành. Không giống như loại chè khác ở Thái Nguyên hay Tuyên Quang chỉ là cây nhỏ thấp vừa tâm với, còn người dân làm chè Shan Tuyết đều phải trèo lên thân cây cao hoặc với lên những cây cao quá người để thu hoạch. Loại chè này còn có cây cổ thụ đến 100 tuổi, vài trăm tuổi.

Trà Shan Tuyết còn là bài thuốc tự nhiên để phòng trách một số bệnh nan y. Uống trà này thường xuyên sẽ tốt cho sức khoẻ của bạn, chống những căn bệnh khó chữa như ung thư, giải độc nhẹ, giúp cho tuổi thọ cao hơn và làm đẹp da.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch Ảnh: Hagiangonline

Nhắc tới Hà Giang là nhắc tới những cánh đồng hoa tam giác mạch đã trở nên rất nổi tiếng những năm gần đây. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của cây, bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.

Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố.

Thắng cố

Thắng cố, món ăn phiên chợ Đồng Văn. Ảnh: Dulichhagiang

Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.

Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
(Theo NgoiSao)

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Mù Cang Chải và hành trình đi tìm sự an yên

Một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt chính là Mù Cang Chải.

Một ngày nào đó nếu bỗng dưng bạn cảm thấy quá mệt mỏi, quá chán nản với những mối lo “cơm áo gạo tiền” với mối quan hệ “chẳng thể đi đến đâu” hay với những áp lực của bộn bề công việc thì “liều thuốc” mà bạn cần nhất chắc chắn là một chuyến đi. Và một trong những địa điểm đáng để bạn chạy trốn khỏi sự xô bồ, bon chen của chốn thị thành náo nhiệt đó là Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải mùa lúa chín. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải là một huyện miền Tây của tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Những năm trở lại đây xứ Mù được dân ham mê dịch chuyển vô cùng yêu thích. Mù Cang Chải chinh phục và hút hồn người từ con đường đến những cảnh vật xung quanh. Đến Mù Cang Chải bạn sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết trước bao la đất trời. Bạn sẽ được đắm mình trong sự yên bình của núi rừng Tây Bắc mà quên đi những muộn phiền, âu lo thường ngày.

Điều may mắn nhất đó là hiện nay Mù Cang Chải ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến Mù Cang Chải được dân xê dịch yêu thích đến vậy. Bạn sẽ vẫn thấy những người dân tộc nơi đây vô cùng chân chất, thậm chí nếu bạn dựng lều ven đường người ta sẽ sẵn sàng mời bạn về nhà ngủ. Hay nếu bạn hỏi đường vài ba đứa trẻ đang nô đùa chúng chẳng ngần ngại dắt bạn đến tận nơi bạn tìm. Điều tôi thích nhất ở Mù đó là người dân ở đây không bắt chuyện với tôi hòng để bán vài ba thứ đồ lưu niệm hay những đứa trẻ không nở những nụ cười ngây ngô chào khách để mong được cho kẹo.

Cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây hoàn toàn không có khái niệm về những món đồ công nghệ hiện đại như iPhone, iPad… Sự thiếu thốn về vật chất của những đứa trẻ nơi đây sẽ cho bạn thấy bạn đang đủ đầy và may mắn đến nhường nào. Những đứa trẻ nơi đây có điều kiện học tập rất hạn chế nhưng chúng thực sự rất ngoan từ cách cư xử với người lạ đến cách giúp đỡ cha mẹ hằng ngày.

Những đứa trẻ dân tộc đáng yêu ở Mù Cang Chải. Ảnh: Lekima Hung

Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng để lại lòng người những luyến tiếc, nhớ nhung khi ra về. Nhưng mùa xứ Mù đông vui nhất có lẽ chính là khi lúa chín. Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, nếu có dịp lên đây bạn sẽ không thể không thốt lên kinh ngạc trước cảnh đẹp của tự nhiên, của đất trời, và thành quả từ những bàn tay lao động của con người. Những thuở ruộng bậc thang vàng ruộm màu lúa chín uốn lượn nối tiếp nhau đến ngút tầm mắt. Hương thơm của lúa mới sẽ khiến bạn chỉ muốn hít hà cho thỏa. Âm thanh của núi rừng hòa quyện với tiếng nói cười rôm rả của các mẹ các chị đang cúi lưng thu hoạch lúa thật khiến người ta ao ước thứ hạnh phúc giản đơn mà hiếm hoi nơi thị thành này.

Mù Cang Chải vào mùa nước đổ (tháng 5, tháng 6) cũng hiện lên trước ống kính của các nhiếp ảnh gia vô cùng tuyệt vời dù những tấm ảnh mùa này ít xuất hiện hơn mùa lúa chín. Màu xanh của trời in bóng lên những thuở ruộng ngập nước hòa cùng màu đỏ của đất và dường như trở nên hoàn hảo hơn khi lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Khi đó, màu sắc ở xứ Mù là một sự trái ngược hoàn toàn với mùa thu lúa chín rực rỡ, có vẻ lạnh lùng, nhưng huyền bí và cuốn hút theo một cách rất riêng. Bạn vẫn có thể bỡ ngỡ khi nhìn thấy những tấm gương soi khổng lồ trên các mặt ruộng, chả khác gì khi thấy một thảm lúa vàng óng ả.

Mù Cang Chải mùa nước đổ. Ảnh: Lekima Hung

Lên Mù Cang Chải, dân du lịch thường quen chạy cung đường xuôi theo QL 32, qua Nghĩa Lộ, Tú Lệ, sau đó vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, rồi vào đất Mù Cang Chải. Gần đây, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khánh thành, nhiều người đã đổi tuyến chạy qua Lào Cai, vượt đèo Ô Quy Hồ và địa phận Tân Uyên - Than Uyên thuộc Lai Châu rồi mới đến Mù Cang Chải. Tuyến đi mới tuy có dài hơn, nhưng thời gian di chuyển chỉ ngang tuyến đường cũ, đường xá rộng rãi, không đông đúc và có nhiều cảnh đẹp chắc chắn lần đầu bạn nhìn thấy.

Hãy lên Mù Cang Chải một lần để hiểu vì sao nơi đây luôn thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước.

(Theo NgoiSao)