Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Kinh nghiệm phượt Hoàng Su Phì 4 ngày 3 đêm

Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với phượt thủ. Những kinh nghiệm phượt Hoàng Su Phì dưới đây sẽ giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn cho chuyến du lịch sắp tới.

1. Nên đến Hoàng Su Phì vào thời gian nào?


Lúa tại Hoàng Su Phì được trồng 1 năm 1 lần. Bạn có thể chọn 1 trong 2 thời điểm sau để đến Hoàng Su Phì, đều là những thời điểm có cảnh quan tuyệt đẹp là tháng 5 và tháng 9. Tháng 5 là mùa đổ nước, còn tháng 9 là mùa gặt.

2. Đến Hoàng Su Phì như thế nào?


Đường lên Hoàng Su Phì chia theo hai ngả, từ đường quốc lộ 2 qua Tuyên Quang đến Hà Giang hay từ phía đường Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần. Đường nào cũng cách Hà Nội khoảng 300km và khó khăn khi di chuyển với con đường ngoằn ngoèo bám theo núi nhỏ hẹp và rất ít phương tiện xe cộ đi lại.

- Nếu đi bằng xe máy, các bạn có thể đi theo cung đường: Hà Nội – Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì – Xín Mần – Cốc Pài – Lào Cai – Hà Nội.

- Nếu đi bằng ô tô:

Từ Hà Nội, bạn đi xe khách tuyến Hà Nội – Hà Giang. Ở bến xe Mỹ Đình có rất nhiều xe chạy tuyến này. Đến ngã ba Bắc Quang, đổi xe, đi thêm 58km nữa, bạn sẽ đến thị trấn Vinh Quang – huyện Hoàng Su Phì. Đây là một huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, ngay dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Huyện vùng cao này bị chia cắt mạnh bởi nhiều núi đá cao và khe, suối… nên thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, tráng lệ, phù hợp cho những ai thích đi bộ ngắm cảnh.

3. Thông tin du lịch Hoàng Su Phì


Giống như Mù Cang Chải, lúa tại Hoàng Su Phì cũng được trồng trên những thửa ruộng bậc thang. Tới mùa gặt, những thửa ruộng từ chân đến tận đỉnh thung lũng vàng ươm, tựa một vòng xoáy vàng rực rỡ tuyệt đẹp.

Đến với Hoàng Su Phì, bạn sẽ được thỏa sức tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thư giãn thoải mái trong bầu không khí trong lành với núi rừng trùng điệp và tiếng suối róc rách reo vui. Hoàng Su Phì có 4 làng văn hoá du lịch là: Nậm Hồng, Giàng Thượng, Phìn Hồ và Làng Giang.

Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn cho những tour du lịch cộng đồng, đặc biệt là đến với khu du lịch sinh thái Pan Hour bên dòng suối Thông Nguyên. Giữa khung cảnh rất yên bình và lãng mạn, sự trẻ trung hồn nhiên của những cô gái Dao sẽ mang đến cho bạn những ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Không những thế, đến đây bạn có dịp tìm hiểu về đời sống văn hoá của đồng bào Dao - đồng bào dân tộc chiếm tới 80% dân số ở đây.

Ruộng bậc thang có ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhưng tập trung phần lớn ở Bản Luốc, Bản Phùng, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ với tổng diện tích gần 765ha. Từ đây, bạn có thể chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh 1, Tây Côn Lĩnh 2, những địa chỉ nổi danh đang được các bạn trẻ yêu thích.

4. Lịch trình gợi ý phượt Hoàng Su Phì 4 ngày 3 đêm


Ngày 1

- 8h xuất phát, chạy theo đường quốc lộ 2 hướng đi Vĩnh Yên, tiếp tục rẽ phải ra quốc lộ 2C, qua Tam Dương – Pha Cày – gặp quốc lộ 37, rẽ trái qua phà Bình Ca, vào cầu Nông Tiến rồi đi đến Tuyên Quang.

- Nghỉ, ăn trưa trên dòng sông Lô. Ăn xong lên đường, đi theo quốc lộ 2, ngược dòng sông Lô – Tân Yên – Vĩnh Tuy – Bắc Quang – Việt Lâm – Vị Xuyên – suối khoáng và khu du lịch Thanh Hà.

- Đi cửa khẩu Thanh Thuỷ nếu còn thời gian.

- Đến chiều tối, thưởng thức món thịt dê Hà Giang ở Đức Hiến, bên phải, trên đường đi Quảng Bạ. Thịt dê ở đây ngon hơn Hà Nội, Ninh Bình, còn có canh nậm pịa. Bạn nên thưởng thức ít thôi, để tối còn ăn cháo ấu tẩu.

- Sau bữa tối, về khách sạn trung tâm bên cạnh dòng sông Lô nhận phòng, nghỉ ngơi, đi chơi, ngắm cảnh sông Lô.

Ngày 2

- 7h00: trả phòng, ăn sáng gần khách sạn hoặc ăn phở tại quán phở gà ngon nhất Hà Giang.

- 7h45: Sau bữa sáng, tiếp tục ngược sông Lô cùng quốc lộ 2 đi thăm cửa khẩu Thanh Thuỷ (nếu hôm trước chưa đi), làm thủ tục sang cửa khẩu. Nếu không đi Thanh Thuỷ, sẽ chạy luôn Hoàng Su Phì.

- 10h30: Quay về ngã 3 Vĩnh Ngọc theo quốc lộ 2 để đi Hoàng Su Phì. Có thể ăn trưa tại Vĩnh Ngọc hoặc Hà Giang tuỳ theo tình hình.

- Chiều tối, ăn tối ở quán Trung Hà – trung tâm Hoàng Su Phì.

- Nghỉ đêm tại Hoàng Su Phì.

Ngày 3

- 6h30: dậy đón bình minh trên phố núi.

- 7h00: trả phòng, đi ăn sáng.

- Lên xe đi trekking bản Thông Nguyên; bản Luốc, bản Pố Lồ. Tìm hiểu một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải, nhuộm, làm giấy bằng rơm…

- 12h30: lên xe đi Thèn Phàng theo đường sông Chảy. Trên đường có thể dừng lại chụp ảnh, ngắm cảnh. Dân nhiếp ảnh gọi đây là thiên đường của ruộng bậc thang. Các bạn sẽ được thưởng thức cảm giác đi trên mây. Tới Thèn Phàng rẽ phải đi cửa khẩu Xín Mần.

- 15h00: lên thăm đồn biên phòng Xín Mần và cửa khẩu Mốc 5. Đồn biên phòng Xín Mần nằm trên đỉnh núi cao khoảng 1654m nhìn xuống thung lũng rộng. Khung cảnh con đường đi lên cũng như đồn khác: Đẹp, hùng vĩ, quanh co, tạo cảm giác như đi lên trời.

- 15h15: sau khi khai báo, làm thủ tục xin phép, trekking thăm cột mốc biên giới và di tích xưa tại cửa khẩu.

- 15h45: đặt chân lên đất Trung Quốc và tham quan chợ biên mậu. Chợ Trung Quốc họp phiên vào thứ sáu, chủ nhật. Chợ Việt Nam họp ở gần bản vào các ngày thứ ba, thứ bảy.

- 16h30: lên xe đi Xín Mần.

- Nếu về sớm, có thể vào bản Nấm Dần, huyện Xín Mần tham quan bãi đá cổ chạm khắc các hình vẽ có niên đại khoảng 2000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam.

- 18h00: Nhận phòng và ăn tối tại Xín Mần.

Ngày 4

- 6h00: Dậy sớm ăn sáng, sau đó đi chợ Sín Mần - Hoàng Su Phì ngắm cảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc.

- Ăn trưa tại Hoàng Su Phì, sau đó nhổ neo về Hà Nội

- Tối về tới Hà Nội, kết thúc chuyến đi.


Theo: Timeout Việt Nam